Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.
Khuyến khích cán bộ năng động
Cụ thể hóa Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đã nhấn mạnh: Khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Tiếp tục thể chế hóa chủ trương trên, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được ban hành, tạo thành cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc để hiện thực hóa tinh thần “6 dám” trong thực tiễn: "Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung".
Để tạo động lực và định hướng cụ thể cho cán bộ, đảng viên, ngày 27/2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công văn số 2026-CV/TU về đăng ký, giải quyết việc khó, mới và có tính đột phá, sáng tạo để làm cơ sở theo dõi, chỉ đạo nhận xét và đánh giá, xếp loại cán bộ. Trên cơ sở văn bản này, các đơn vị triển khai cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của đơn vị.
Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng đạt được nhiều thành tựu, nhưng đâu đó vẫn còn những điểm nghẽn chậm hoặc chưa được tháo gỡ, cán bộ là gốc công việc nhưng còn thụ động, thậm chí né tránh trách nhiệm, thì việc triển khai mạnh mẽ chủ trương “6 dám” như trên có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhìn lại lịch sử cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều sáng kiến, ý tưởng đột phá, chứa đựng cả trí tuệ, lòng yêu nước và sự dũng cảm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong hai cuộc kháng chiến đã làm rạng danh cả dân tộc. Khi đất nước ở giai đoạn khó khăn sau giải phóng, nhiều cán bộ luôn trăn trở vì nước, vì dân, thậm chí chấp nhận hậu quả cho bản thân để “xé rào” vì lợi ích chung. Tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo của cán bộ tiếp tục được phát huy trong thời kỳ đổi mới đất nước. Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thành tựu này là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Ở khía cạnh “cán bộ là gốc của mọi công việc”, tinh thần “6 dám” của cán bộ qua các thời kỳ đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Hiện nay, việc thực hiện chủ trương “6 dám” vẫn còn những rào cản nhất định. Đó là, tình trạng cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm; tình trạng cán bộ làm việc theo thói quen, lối mòn kinh nghiệm; chờ nhiệm vụ từ cấp trên giao xuống, chưa phát huy chủ động, sáng tạo, trăn trở tìm tòi suy nghĩ cách để tháo gỡ vướng mắc, biện pháp để hoàn thành việc khó, việc nan giải... Hoặc có nơi khi cán bộ cấp dưới đề xuất sáng kiến, giải pháp đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung thì cấp trên né tránh, không dám quyết... Do đó, không phát huy được tối đa nguồn trí tuệ, chất xám, nhiệt huyết và sáng tạo của cán bộ...
Để chủ trương “6 dám” thực hiện hiệu quả và trở thành văn hóa trong công tác xây dựng cán bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về “6 dám”; xây dựng không khí, tinh thần làm việc “6 dám” trong đơn vị... Cần phát huy vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu thực hiện nêu gương, truyền cảm hứng cho cấp dưới thực hiện; xây dựng và ban hành cơ chế động viên, khuyến khích cán bộ "6 dám'' ở đơn vị, nhất là xây dựng tiêu chí trong đánh giá và xét thi đua, khen thưởng, nâng lương, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Đội ngũ cán bộ cần nâng cao nhận thức về “6 dám”, chủ động đăng ký tham gia việc khó, việc mới, đề xuất việc đột phá, sáng tạo; khắc phục tâm lý an toàn, sợ trách nhiệm; ủng hộ, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ thực hiện “6 dám”. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện việc khó, việc mới, việc đột phá, sáng tạo đã đăng ký, tham gia. Việc thực hiện “6 dám” nhằm phát huy tối đa trí tuệ, chất xám của đội ngũ cán bộ, phát huy nguồn sức mạnh nội sinh để góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước.