Tiếp nối hành trình đưa văn hóa Việt ra thế giới

Được triển khai bài bản, rộng khắp với chất lượng và hiệu quả nâng cao, công tác ngoại giao văn hóa gặt hái nhiều thành quả mới, tạo thêm niềm tin trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trước mắt là năm 2025 với nhiều sự kiện đặc biệt của đất nước.

Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 - phương hướng hoạt động năm 2025 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. (Ảnh: Thành Long)

Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 - phương hướng hoạt động năm 2025 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. (Ảnh: Thành Long)

Chiến lược Ngoại giao văn hóa (NGVH) đến năm 2030 đã xác định công tác NGVH là quá trình thường xuyên, liên tục; tiếp tục sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt trong việc triển khai các hoạt động.

Những thành tựu đáng tự hào của NGVH Việt Nam trong năm 2024 phán ảnh rõ bước tiến trên hành trình ấy, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc phát huy “sức mạnh mềm” để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Nhìn lại một mùa vàng

Năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới liên tục biến động, nhưng các quốc gia tiếp tục coi NGVH là cấu phần quan trọng triển khai chính sách đối ngoại phục vụ phát triển, nâng cao vị thế, sức mạnh mềm; công tác NGVH của Bộ Ngoại giao ngày càng được mở rộng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, mang lại những dấu ấn nổi bật.

Tin vui đến vào tháng 5/2024 khi Vụ NGVH và UNESCO là một trong 10 tập thể điển hình của cả nước vinh dự đón nhận giải thưởng “Vinh quang Việt Nam 2024” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là niềm vinh dự không chỉ dành riêng cho một đơn vị của Bộ, mà là sự ghi nhận đối những đóng góp quan trọng của ngành Ngoại giao nói chung và công tác NGVH nói riêng.

Tinh thần vinh quang ấy dường như đã tiếp lửa cho các cán bộ làm công tác NGVH, đóng góp công sức trong việc xây dựng và quyết liệt vận động để ghi danh thêm sáu danh hiệu UNESCO, đưa số lượng danh hiệu UNESCO của Việt Nam lên 71 danh hiệu, đứng đầu các nước Đông Nam Á.

Cụ thể, Việt Nam đã thuyết phục để Ban cố vấn mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và các thành viên đồng ý ghi danh hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn với số phiếu ủng hộ tuyệt đối; thúc đẩy UNESCO ủng hộ thành phố Sơn La và Thành phố Hồ Chí Minh được ghi danh là Thành phố học tập toàn cầu; vận động thành công UNESCO ghi danh Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại…

Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao phối hợp với thành phố Hà Nội vận động thành công UNESCO ủng hộ Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, mở ra khả năng tái hiện Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên, góp phần hiện thực hóa ước nguyện ngàn đời của cha ông ta. Thành công của hồ sơ, được coi là cuộc cách mạng trong lịch sử hơn 50 năm của Công ước Di sản thế giới, tạo tiền lệ chưa từng có (được hạ giải trong vùng lõi di sản) và trở thành điển hình hợp tác giữa quốc gia thành viên và Trung tâm Di sản thế giới về bảo tồn di sản thế giới, cùng đồng hành, “biến những điều không thể thành có thể”.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm tốt vai trò tại sáu cơ chế điều hành then chốt của UNESCO. Trong vai trò đó, Việt Nam đã hỗ trợ 15 quốc gia trong 17 hồ sơ di sản, tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ tám Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tỉnh Cao Bằng trong bối cảnh siêu bão Yagi với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu.

Đặc biệt, nhiều lãnh đạo UNESCO coi Việt Nam là một hình mẫu điển hình về sự hợp tác hiệu quả với UNESCO. Đến thăm Việt Nam trong các dịp đặc biệt của năm 2024, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Trợ lý Tổng giám đốc về khoa học tự nhiên, Trợ lý Tổng giám đốc về quan hệ đối ngoại hay Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới… đều cam kết hỗ trợ Việt Nam trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, quản lý tài nguyên vì mục tiêu phát triển bền vững.

Trong năm qua, hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đạt nhiều thành tích nổi bật. Nhiều công trình đã trở thành điểm nhấn trong các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khánh thành đặt biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sainte -Adresse, Pháp; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khánh thành công trình biển tôn vinh Bác tại Rio de Janeiro, Brazil, dự lễ phục dựng tượng Bác tại Cộng hòa Dominica…

Bên cạnh đó, Việt Nam triển khai nhiều hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh như hoạt động mít-tinh, triển lãm, hội thảo, xuất bản tác phẩm về Bác sang các ngoại ngữ; xây dựng đề án không gian Hồ Chí Minh, Tủ sách Hồ Chí Minh tại Cơ quan đại diện…

Một dấu ấn khác là chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên hiện diện tại thành phố Rio de Janeiro nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil và tại thủ đô Riyadh nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Saudi Arabia.

Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới”, ấn tượng tốt đẹp của chương trình để lại trong lòng bạn bè quốc tế là minh chứng sống động về ý nghĩa của NGVH trong hành trình không mệt mỏi đưa giá trị văn hóa và con người Việt Nam ra toàn cầu, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, bền vững và tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.

Đoàn Việt Nam tại Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở thủ đô Asuncíon, Paraguay, tháng 12/2024. (Ảnh: Bảo Chi)

Đoàn Việt Nam tại Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở thủ đô Asuncíon, Paraguay, tháng 12/2024. (Ảnh: Bảo Chi)

Xác định ưu tiên trong năm mới

Những thành quả tích cực trên cho thấy sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng lãnh đạo Bộ và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đối với công tác NGVH và hợp tác với UNESCO; sự ủng hộ nhiệt tình, phối hợp thường xuyên của các ban, ngành, địa phương cùng tất cả đơn vị trong Bộ.

Vụ trưởng Vụ NGVH và UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho rằng, bước sang năm 2025 - năm nước rút triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII, bứt phá, tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công tác NGVH cần được tiếp tục đẩy mạnh, phát huy tính sáng tạo trong triển khai nhằm khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh và biến nội lực thành nguồn lực phát triển đất nước.

Năm 2025 có nhiều ngày lễ lớn như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước Việt Nam, 80 năm thành lập ngành Ngoại giao…., cho nên, theo bà Lê Thị Hồng Vân “cần gắn kết chặt chẽ nội hàm văn hóa với các hoạt động lớn, để NGVH tiếp tục trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”.

Theo đó, Vụ NGVH và UNESCO xác định một số trọng tâm trong công tác tham mưu và đề xuất chính sách như tích cực nghiên cứu và tham gia đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, chú trọng nội hàm về NGVH, sức mạnh mềm, hệ giá trị quốc gia; tổ chức các hội nghị như Hội nghị toàn quốc về NGVH, Hội nghị kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ giá trị quốc gia; hoàn tất bộ thiết kế không gian mẫu tại Cơ quan đại diện, đặc biệt là không gian Hồ Chí Minh.

Cùng với việc tiếp tục phát huy vai trò, tăng cường thắt chặt quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO, Vụ đẩy mạnh hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài; tập trung quảng bá giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam tại Indonesia, Đức, New Zealand; hỗ trợ các địa bàn tổ chức chương trình NGVH nhân dịp năm tròn năm chẵn; tăng cường đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Về công tác di sản, Việt Nam tiếp tục vận động cho hồ sơ Hoàng Thành Thăng Long, Quần thể Di tích và Danh thắng Yên tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc để được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Di sản thế giới tại Bulgaria, dự kiến vào tháng 7/2025.

Đồng thời, Vụ đẩy mạnh hỗ trợ các ban, bộ ngành, địa phương trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về NGVH, gắn kết giữa NGVH với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và thông tin đối ngoại.

TRỌNG VŨ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiep-noi-hanh-trinh-dua-van-hoa-viet-ra-the-gioi-302043.html
Zalo