Xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn
Các tỉnh vùng Tây Nguyên ủng hộ TP HCM triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa để từng bước loại bỏ sản phẩm 'bẩn' khỏi thị trường
Chiều 2-1, tại tỉnh Lâm Đồng, UBND TP HCM cùng UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024, triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025 kéo dài trong 2 ngày 2 và 3-1.
Đồng thuận, cam kết cao
Phát biểu đề dẫn hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết ngày 8-3-2024, TP HCM đã phát động chương trình "Tick xanh trách nhiệm".
Đây là quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững của lãnh đạo TP HCM nhằm định hướng sản xuất an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực; tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trước những nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận bất chấp quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Có 8 nhà phân phối lớn tham gia chương trình này.
Tại hội nghị, chương trình nhận được sự ủng hộ cao từ chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cùng sự đồng thuận, cam kết cao từ các nhà sản xuất địa phương, các hệ thống phân phối lớn. Theo đó, các hệ thống phân phối cam kết đẩy mạnh kiểm soát chất lượng hàng hóa, nỗ lực tiến tới loại hoàn toàn những sản phẩm kém chất lượng của các nhà cung cấp vi phạm ra khỏi quầy kệ kinh doanh.
Về phía nhà sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất rau củ quả, cà phê… khu vực Tây Nguyên cũng cam kết cao về việc bảo đảm sản xuất an toàn, nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng tại thị trường nội địa.
Gạch tên nhà cung cấp "bẩn"
Tại hội nghị, các DN bày tỏ trăn trở về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản trên thị trường. Hàng hóa an toàn, chất lượng cao có chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành tăng, khó cạnh tranh về giá so với hàng hóa sản xuất không an toàn.
Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Langbiang Farm, bức xúc cho biết đã xuất khẩu số lượng lớn rau GlobalGAP sang Hàn Quốc nhưng đang thua trên sân nhà vì không cạnh tranh được với các loại rau giá rẻ. "Tôi mong muốn có một sân chơi công bằng hơn cho DN làm ăn nghiêm túc" - ông Đường bày tỏ.
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Vương Thành Công - chuyên sản xuất cà phê hữu cơ, mong muốn hiểu rõ hơn về khái niệm "Tick xanh trách nhiệm". DN được hưởng lợi gì khi tham gia chương trình và cung ứng hàng vào 8 hệ thống phân phối trong chương trình?
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, TP HCM với vai trò là thị trường tiêu dùng quy mô lớn nhất cả nước, thời gian qua đã không ngừng nỗ lực và triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm quản lý chất lượng hàng hóa phục vụ người dân. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Thực phẩm bẩn, bằng cách nào đó, vẫn len lỏi đến tay người tiêu dùng. Nhà cung cấp vi phạm vẫn ung dung phân phối sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau.
"Với hàng trăm ngàn mã sản phẩm hằng ngày thì hệ thống phân phối không thể nào kiểm tra, kiểm soát hằng ngày. Vì vậy, cần kiểm soát chất lượng hàng hóa từ gốc, từng khâu, từng mắt xích trong chuỗi cung ứng - từ nuôi trồng, chế biến, lưu thông đến phân phối hàng hóa - để từng bước loại hoàn toàn các nhà cung cấp vi phạm ra khỏi hệ thống phân phối hiện đại, thậm chí loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thị trường" - ông Phương nhấn mạnh.
Cơ hội tìm kiếm thị trường bền vững
Ủng hộ TP HCM triển khai chương trình"Tick xanh trách nhiệm", ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị các sở, ngành thuộc các tỉnh Tây Nguyên quan tâm hỗ trợ DN trên địa bàn tham gia chương trình để tìm kiếm cơ hội thị trường bền vững dành cho các sản phẩm chất lượng cao của từng địa phương. Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động và hướng dẫn DN đăng ký "Tick xanh trách nhiệm'' thông qua nhà bán lẻ tham gia chương trình.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản; hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng để phục vụ tốt hoạt động kiểm soát chất lượng hàng hóa.