Chứng khoán trước cơ hội lớn
Năm 2025 hứa hẹn là một năm đầy tiềm năng cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt những bước tiến vượt bậc. Đó sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Cơ hội nâng hạng thị trường và tác động đến dòng vốn
Việt Nam đã và đang chứng tỏ sự ổn định chính trị và những bước chuyển mình đáng kể trong cải cách kinh tế. Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), năm 2025 dự kiến sẽ là thời điểm bùng nổ của TTCK Việt Nam nhờ các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ từ cả chính sách tài khóa và tiền tệ.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các cải cách lớn nhằm tạo động lực cho nền kinh tế. Các luật sửa đổi quan trọng như Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư công và Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được thông qua, hướng đến việc giảm thiểu thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả. Những thay đổi này không chỉ thu hút nhà đầu tư trong nước mà còn mở ra cơ hội lớn cho dòng vốn ngoại.
Bên cạnh đó, bối cảnh chính trị ổn định là yếu tố nền tảng giúp Việt Nam tăng cường hiệu quả quản lý kinh tế và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất của TTCK Việt Nam năm 2025 chính là cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market) theo tiêu chuẩn FTSE. Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí cần thiết, trong đó các tiêu chí còn lại đang được Chính phủ và các cơ quan quản lý gấp rút hoàn thiện.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích thuộc VCBS dự báo, việc được nâng hạng sẽ mang lại dòng vốn quốc tế khổng lồ, ước tính từ 1,3-1,5 tỷ USD, chỉ riêng trong quý III/2025. Điều này không chỉ giúp tăng cường thanh khoản thị trường mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu. Đồng thời, các thương vụ chuyển sàn lớn như của BSR và MCH, cùng việc nới room ngoại lên 49-50%, sẽ là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự sôi động trên thị trường.
VN-Index tích cực và cơ hội đầu tư
Theo kịch bản cơ sở mà VCBS đưa ra, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.555 điểm với P/E trung bình 14,6x và tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 12%. Trong kịch bản lạc quan hơn, VN-Index có thể chạm mốc 1.663 điểm nếu các yếu tố nâng hạng thị trường diễn ra thuận lợi.
Thanh khoản thị trường dự kiến cũng sẽ tăng mạnh, đạt mức 29.500-30.500 tỷ đồng/phiên, với phần lớn sự tăng trưởng tập trung từ giữa quý 2/2025. Mức tăng này được hỗ trợ bởi sự tham gia của dòng vốn ngoại, cũng như tâm lý tích cực từ các nhà đầu tư trong nước.
VCBS xác định các nhóm ngành chủ lực sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2025, bao gồm ngân hàng, bất động sản dân dụng, dầu khí, chứng khoán, logistics, và điện. Các ngân hàng lớn được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ cải thiện biên lãi ròng (NIM) và kiểm soát tốt nợ xấu. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ có thể đối mặt với khó khăn do áp lực từ tăng trưởng chậm và cạnh tranh gay gắt. Với bất động sản dân dụng, việc cải thiện tâm lý người mua nhà và sự hồi phục trong các dự án lớn, được hỗ trợ bởi hành lang pháp lý minh bạch, là yếu tố then chốt giúp ngành này tăng trưởng mạnh mẽ.
Với ngành dầu khí, giá dầu duy trì ở mức cao được dự báo sẽ kích hoạt các dự án khai thác thượng nguồn và trung nguồn.
Xu hướng nâng hạng thị trường và sự tăng trưởng mạnh về thanh khoản sẽ thúc đẩy các công ty chứng khoán, đặc biệt là những công ty có định hướng bán lẻ và cơ cấu tài chính lành mạnh.
Với ngành logistics, dòng vốn FDI tăng mạnh và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục là động lực lớn, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
Còn với ngành điện, nhu cầu tiêu thụ trong năm 2025 được dự báo tăng trưởng khoảng 10%. Điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt từ hiện tượng La Nina sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp thủy điện có dự án mới.
Chiến lược đầu tư theo vốn hóa cũng được VCBS khuyến nghị cụ thể. Theo đó, nhà đầu tư có thể tập trung vào các cổ phiếu Bluechips trong nửa đầu năm để hưởng lợi từ dòng tiền ngoại, và chuyển dịch sang Midcaps khi tín hiệu tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng hơn.
Dù triển vọng sáng sủa, TTCK Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. VCBS lưu ý rằng xu hướng rút vốn của khối ngoại có thể tiếp tục diễn ra, mặc dù ở mức thấp hơn so với năm 2024. Việc kiểm soát chi phí giao dịch và hoàn thiện cơ chế pre-funding sẽ là yếu tố quyết định mức độ thành công của việc nâng hạng thị trường.
Ngoài ra, tình hình kinh tế toàn cầu với những biến động về lãi suất, giá năng lượng, và căng thẳng địa chính trị vẫn là yếu tố rủi ro cần theo dõi.
Các chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng, năm 2025, TTCK Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để chinh phục những đỉnh cao mới. Với nền tảng kinh tế vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực và tiềm năng nâng hạng thị trường, Việt Nam có cơ hội trở thành điểm sáng đầu tư trong khu vực. Tuy nhiên, sự thận trọng và chiến lược đầu tư hợp lý vẫn là yếu tố quyết định thành công cho các nhà đầu tư trong bối cảnh biến động khó lường. Nhà đầu tư cần cân nhắc và hoạch định chiến lược trong năm tới.