Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí học nghề cho người dân vùng dự án
Sáng 23-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai và các sở, ngành liên quan về công tác đào tạo nghề, đề án nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và các vùng phụ cận.
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Huỳnh Thanh Bình.
Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH), hiện nay Sở đã xây dựng xong dự thảo Đề án “Đào tạo nhân lực phục vụ trong và ngoài Sân bay Long Thành giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030” và đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Dự kiến cuối tháng 9-2024, Sở LĐTBXH sẽ trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy đề án này. Một trong những điểm đáng chú ý của đề án là chính sách hỗ trợ học nghề cho con em nhân dân đã nhường đất để xây dựng sân bay Long Thành. Theo đó, nếu trước đây người dân chỉ được hỗ trợ kinh phí để học sơ cấp nghề thì theo đề án này, người dân có thể được hỗ trợ kinh phí nhiều hơn để học trung cấp, cao đẳng nghề.
Tại buổi làm việc, đại diện Trường cao đẳng Công nghệ cao Long Thành và các sở, ngành đã nêu một số khó khăn trong công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sân bay quốc tế Long Thành nói riêng.
Theo đó, khó khăn nhất là thiếu giáo viên, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng đào tạo vẫn chưa tìm được lối ra trong khi không có hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐTBXH; công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở vẫn chưa thật sự hiệu quả…
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình đã gợi ý một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo nghề. Theo đó, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cần chủ động tiếp cận các chủ đầu tư khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp mới để nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực nhằm đào tạo sát với nhu cầu thực tế; tăng cường hợp tác với các trường tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đào tạo nghề.
Để gỡ khó về kinh phí hoạt động, các trường cần chủ động xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đào tạo nghề. Trên cơ sở đó, Sở LĐTBXH tỉnh điều chỉnh, xây dựng định mức cho phù hợp.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, hiện nay, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai đang có gần 100 lớp dạy chương trình văn hóa (chương trình trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên). Đây là quy mô rất lớn nhưng lại không có cán bộ quản lý phụ trách mảng này.
Do đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh kiện toàn nhân sự cho Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, trong đó bổ nhiệm chức danh phó hiệu trưởng phụ trách mảng văn hóa. Bên cạnh đó, trường có thể tham khảo, đề xuất chính sách hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để nâng cao tỷ lệ này. Cùng với đó, trường cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Đối với Sở LĐTBXH, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hoàn thành dự thảo đề án được phân công theo đúng thời gian quy định. Trong đó, cần lưu ý đưa vào đề án nội dung hỗ trợ chính sách cho con em người Đồng Nai học nghề, đặc biệt là con em những gia đình đã nhường đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.