Lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt chỉ tiêu

10 tháng qua, cả nước đã đưa được hơn 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt so với mục tiêu đưa từ 125.000 lao động trong cả năm 2024…

Người lao động học tác phong trước khi xuất cảnh. Ảnh: Bá Quyết.

Người lao động học tác phong trước khi xuất cảnh. Ảnh: Bá Quyết.

Nhật Bản dẫn đầu thị trường tiếp nhận lao động

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 130.640 lao động (41.039 lao động nữ), đạt 104 % kế hoạch năm 2024.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đánh giá, việc “về đích” sớm trong kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của năm 2024 do các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được duy trì ổn định. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là 2 thị trường luân phiên tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Trong giai đoạn 2017 - 2023, Nhật Bản có 5 năm ở vị trí số 1 về tiếp nhận lao động Việt Nam. Tính đến tháng 6 năm nay, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản đã vượt hơn 600.000 người. Đây cũng là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại nước này. Riêng năm 2023, khoảng 80.000 người Việt Nam đã sang Nhật Bản làm việc, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số nước phái cử lao động tại quốc gia này.

Người lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, như cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử, số này chiếm đến 80%; còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ…

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng đang thúc đẩy phát triển một số thị trường mới tiềm năng, tạo cơ hội mới cho người lao động khi lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, trong tháng 9/2024, Bộ LĐTBXH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam.

Tìm cách mở cửa thị trường châu Âu

Ông Phạm Viết Hương - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết: Theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ thì phía người sử dụng lao động sẽ chi trả tối thiểu 300 USD tiền vé máy bay. Còn người lao động không phải trả chi phí dịch vụ cho các doanh nghiệp phái cử. Về điều kiện làm việc thì người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi hay hoa quả và điều kiện làm việc nói chung như người Australia và mức lương tính theo lương tuần là 915 USD/tuần fulltime tính tháng ra cũng là mức lương tương đối cao so với các thị trường khác. Còn các điều kiện khác hai bên đã đưa vàp một thỏa thuận và thống nhất về điều kiện lao động cho người lao động Việt Nam giống như người Australia. Như vậy người lao động đạt được phúc lợi tương đối cao.

Mặt khác, Bộ LĐTBXH tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Hiện nay, số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.

Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu có quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Hoạt động hợp tác này mang lại lợi ích to lớn cho mỗi nước. Hiện các nước thuộc Liên minh châu Âu có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số. Trong khi đó, Việt Nam là nước có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp.

“Ngoài 3 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) chúng ta đang tiếp tục mở rộng các thị trường khác, đặc biệt là các nước châu Âu. Các nước châu Âu điều kiện làm việc và thu nhập khá. Hiện nay, chúng ta đang thúc đẩy lao động sang Đức hay Hy Lạp, Hungari và Rumani. Ngoài các thị trường đó, các doanh nghiệp cũng đang tiếp cận thị trường Tây Ban Nha, Phần Lan... Các nước già hóa dân số có xu hướng tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam” - ông Phạm Viết Hương cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là hướng đi để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Bởi sau khi người lao động về nước, tham gia vào thị trường lao động sẽ nguồn nhân lực có chất lượng, giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế... Do đó, để đảm bảo chất lượng lao động đưa đi, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được Bộ LĐTBXH tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được tăng cường

Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-vuot-chi-tieu-10294702.html
Zalo