Thúc đẩy tín dụng ngành nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh khi nhiều loại trái cây tiếp tục được mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường. Tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn về tín dụng đang khiến việc vay và cho vay vốn sản xuất nông nghiệp tại khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại đồng bằng sông Cửu Long, tính đến hết tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng vùng đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so cuối năm 2023. Dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn đạt 643 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ của vùng và chiếm 19,5% tổng dư nợ tín dụng cả nước; dư nợ ngành lúa gạo tại vùng đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so cuối năm 2023, chiếm 11% dư nợ toàn vùng và 53% dư nợ tín dụng lúa gạo cả nước.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế) cho rằng, liên quan nguồn vốn nông nghiệp, nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Chính sách ứng dụng công nghệ cao chưa được cụ thể hóa trên thực tế cho nên chưa thu hút được nguồn lực cần thiết trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Liên kết, hợp tác giữa 4 nhà (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn thiếu chặt chẽ, bền vững. Các cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa tạo khó khăn cho ngân hàng khi thu hồi vốn vay.
Bảo hiểm nông nghiệp tuy đã có chính sách, hướng dẫn nhưng triển khai thực tế còn chậm, chưa có tổng kết để chính thức nhân rộng. Thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro dẫn đến hiệu quả tín dụng đầu tư thấp.
Bên cạnh đó, thực hiện cam kết cho vay tín dụng nông nghiệp, nông thôn (đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần) không dễ, do áp lực lợi nhuận, do mạng lưới chi nhánh còn mỏng, do trình độ thẩm định...
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế
Bên vay thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản bảo đảm có vấn đề. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn (phương án kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế,...)…
Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đồng bằng sông Cửu Long là khu vực được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống kênh ngòi dày đặc, đất đai trù phú, rất phù hợp để sản xuất, nuôi trồng thủy sản, lúa gạo, trái cây.
Tuy nhiên, ở đây thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, đủ lớn để giữ vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Tại một số địa phương chưa có nhiều các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng.
Phần lớn các hợp tác xã trên địa bàn các địa phương hiện nay hoạt động chưa thật sự hiệu quả, thiếu nhân lực chủ chốt và kinh nghiệm quản lý. Hầu hết các hợp tác xã chưa có đất để canh tác, phần lớn sử dụng đất sản xuất của xã viên. Vì thế, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp khó khăn khi không có tài sản riêng làm tài sản bảo đảm khoản vay...
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình, hiện nay, ngân hàng, các tổ chức tài chính cho doanh nghiệp ngành hàng lúa, gạo vay 2 tỷ USD vốn dài hạn (7-10 năm) và 2 tỷ USD vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng). 4 tỷ USD là số tiền rất khiêm tốn so lượng tiền nhàn rỗi của cộng đồng gửi tại ngân hàng (12 triệu tỷ VND tương ứng khoảng 500 tỷ USD).
Thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, mỗi năm chuỗi lúa, gạo sẽ thu về 10 tỷ USD, chưa tính tiền thu được từ bán tín chỉ carbon. Doanh nghiệp, nông dân và cộng đồng xã hội đều phát triển, tạo đà kéo theo thêm 2 triệu ha đất lúa nữa của ngành hàng lúa, gạo Việt Nam cùng phát triển bền vững, chủ động từ sản xuất đến tiêu thụ với giá trị cao.
Không nên để ngành hàng lúa, gạo của đồng bằng sông Cửu Long mất cơ hội chỉ vì không vay được vốn để đầu tư phát triển.
Ông An Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An
Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Cần tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án, phương án khả thi và có đầy đủ pháp lý.
Các sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các ngân hàng trong việc kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng được kịp thời.
Đối với việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp,, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân 13 tỉnh, thành phố tham gia chương trình sớm công bố các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp để hệ thống ngân hàng chủ động tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay...
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống thông tin dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới. Khuyến khích phát triển liên kết, tài trợ chuỗi cung ứng (đặc biệt là cho vay DN thu mua lớn - lead firm finance).
Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đổi mới và nâng cao hiệu quả chương trình nông thôn mới. Triển khai hiệu quả hơn chính sách bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần xây dựng/đổi mới chính sách và quy trình cấp tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với từng phân khúc khách hàng (bảo đảm đúng quy định nhưng đơn giản hóa thủ tục, dễ hiểu)...