Xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp tinh gọn, thống nhất, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này có sự đổi mới rõ rệt trong tư duy, phương pháp, cách làm.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng đoàn các tỉnh Hải Dương, Ninh Thuận tổ chức thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cùng các đoàn tham gia thảo luận tổ chiều 7/5.
Lấy ý kiến sâu rộng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các góp ý
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 gồm có 2 điều; Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung 8/120 Điều của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Lê Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) phát biểu thảo luận.
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này có sự đổi mới rõ rệt trong tư duy, phương pháp, cách làm trên cơ sở rõ việc, rõ tiến độ, rõ vai trò, trách nhiệm, cơ chế chủ trì, phối hợp.
Quá trình thảo luận, đại biểu đề nghị cần huy động tốt sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân. Chú trọng công tác thông tin, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội) đề nghị làm rõ nguyên tắc tuyển dụng công chức, đảm bảo tính minh bạch trong tuyển dụng công chức.
Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh cho rằng, cần theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến Nhân dân, các ngành, cấp về dự thảo nghị quyết. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp, đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Hải Dương) cho rằng, cần xây dựng khung tiêu chí xác định người có tài năng; rà soát quy định xếp loại, đánh giá công chức, đảm bảo sự công bằng.
Đồng bộ, thống nhất giữa các dự án luật khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Thảo luận về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu đề nghị phát huy cao trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã; rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp.

Đại biểu Phan Xuân Dũng (đoàn Ninh Thuận) - Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam phát biểu thảo luận.
Quy định rõ việc thành lập cơ quan chuyên môn, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã; số lượng đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã; thường trực hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định chế độ chi ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tham gia ý kiến về xác định rõ thẩm quyền đánh giá công chức là cơ quan hay người đứng đầu cơ quan vì chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và chủ tịch UBND.
Đối với hoạt động của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị bổ sung quy định hội đồng nhân dân tỉnh phân cấp cho hội đồng nhân cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn; xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ được ủy quyền và thu hồi ủy quyền nếu chính quyền địa phương không thực hiện tốt nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình, phát huy tính tự chủ của hội đồng nhân dân cấp dưới.
Đối với Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và các đại biểu tán thành với việc sửa đổi các quy định liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; nguyên tắc kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng phát biểu kết thúc buổi thảo luận tổ.
Các đại biểu đề nghị quy định rõ tiêu chí xác định người có tài năng, quy định thống nhất về thẩm quyền tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức ở chính quyền địa phương cấp tỉnh và cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định về xếp loại, đánh giá và kỷ luật cán bộ, công chức bảo đảm khách quan, minh bạch; bổ sung quy định về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm, bổ sung đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước, quy định phòng, chống lãng phí.