Xây dựng 30 trường đại học trọng điểm quốc gia

Giữ ổn định hệ thống, đưa khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) thành trường trọng điểm quốc gia, xóa hệ thống cao đẳng sư phạm… Đó là những thông tin cơ bản trong dự thảo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Hôm qua, tại Trường ĐH Phenikaa, Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý về "Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục ĐH gồm các trường công lập và ngoài công lập.

Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm. Các trường tập trung ở các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%); trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (18,4%), Đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội học giáo dục thể chất gắn với phát triển trò chơi dân gian. Ảnh: Diệp An

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội học giáo dục thể chất gắn với phát triển trò chơi dân gian. Ảnh: Diệp An

“Mặc dù có sự gia tăng về số lượng trường ĐH nhưng hệ thống phát triển không đồng đều, vẫn còn rất nhiều cơ sở giáo dục ĐH quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, phát biểu. Ông nhận định, mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị; quản lý nhà nước bị phân mảnh khi số lượng cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ GD&ĐT) có tỉ lệ cao; số lượng các trường ĐH địa phương khá lớn (26 trường) trong khi quy mô đào tạo của các trường này chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước. Đối với đào tạo sư phạm, hiện nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên từ cao đẳng đến ĐH.

Trước những bất cập về hệ thống cũng như những đòi hỏi từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng miền, sau khi phân tích đánh giá, Bộ GD&ĐT dự kiến xây dựng 30 trường trọng điểm bao gồm 5 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng và từ 18 - 20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm ngành quốc gia.

Như vậy đến năm 2030, Việt Nam có thêm 3 ĐH quốc gia là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế bên cạnh 2 ĐH Quốc gia hiện nay; phát triển thêm 4 ĐH vùng trên cơ sở Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Tây Nguyên và Trường ĐH Cần Thơ, cùng với ĐH Thái Nguyên trở thành các ĐH có uy tín trong khu vực và thế giới. Khoảng 100 cơ sở giáo dục ĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 trường tư thục. Ngoài ra sẽ chỉ còn 50 trường ĐH đào tạo giáo viên. Như vậy, năm 2030 không còn tồn tại trường cao đẳng sư phạm.

Tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn xây dựng thành trường ĐH trọng điểm quốc gia là ưu tiên phát triển một số nhóm ngành đào tạo gắn với các ngành kinh tế trọng điểm tại các vùng như sau: Công nghệ sinh học, Y sinh, Vật liệu và Môi trường: tập trung tại 4 vùng kinh tế trọng điểm và Tây Nguyên; Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Điện, điện tử và Viễn thông: tập trung tại 4 vùng đô thị lớn và Nam Trung bộ; Kỹ thuật cơ khí, Cơ điện tử, Điều khiển và Tự động hóa: tập trung tại các vùng Đông Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Đông Nam bộ và vùng đô thị Cần Thơ.

Ưu tiên đầu tư đào tạo các lĩnh vực, ngành thiết yếu theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của từng vùng, nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ; các ngành phục vụ quản nhà nước, quản trị xã hội, phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục và pháp luật.

Khi đưa ra các thông tin liên quan quy hoạch mạng lưới, nhất là việc xây dựng các trường ĐH trọng điểm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thừa nhận sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn cơ sở giáo dục ĐH để đưa vào danh sách. Điều này đã được thể hiện rõ tại buổi tọa đàm khi lãnh đạo các trường đều mong muốn trường mình có tên trong danh sách.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xay-dung-30-truong-dai-hoc-trong-diem-quoc-gia-post1591525.tpo
Zalo