Xây 'điểm tựa' từ 'trường học lớn'

Trong tác phẩm 'Chào Xuân 67', nhà thơ Tố Hữu viết: 'Nếu được làm hạt giống để mùa sau/Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/Vui gì hơn làm người lính đi đầu/Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!', trải qua hơn nửa thế kỷ, những lời thơ ấy vẫn còn vang vọng mãi. Đặc biệt, mệnh đề 'người lính - điểm tựa' mà tác giả nêu ra từ mùa Xuân năm đó, nay đã trở thành hiện thực và nơi đặt nền móng cho một trong sáu 'điểm tựa Việt Nam' là 'trường học lớn'.

Mùa Xuân - mùa “tựu trường”

Cơn mưa phùn bất chợt như thúc giục những chồi lộc biếc vội vàng tỉnh giấc, vươn mình trỗi dậy sau một kỳ ngủ Đông dài, tựa như những chàng trai, cô gái bước vào độ xuân thì, mạnh mẽ rũ bỏ “chiếc kén an toàn”, sẵn sàng lên đường nhập ngũ để phấn đấu, trưởng thành trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - “trường học lớn” của tuổi trẻ. Thanh xuân của mỗi con người chỉ có một và sẽ không có gì tuyệt vời hơn khi chúng ta được cống hiến những gì đẹp nhất của cuộc đời cho Tổ quốc thân yêu.

Xuân về cũng là thời điểm “trường học lớn” mở toang cánh cổng chào đón những tân “sinh viên” trên khắp mọi miền đất nước. Trong không khí ấm áp, quây quần bên nồi bánh chưng xanh mang đậm hơi thở ngày Tết cổ truyền của dân tộc, có khí thế náo nức của ngày hội tòng quân và cả những câu chuyện tình tạm gác lại để nhường chỗ cho lý tưởng, hoài bão cao đẹp của tuổi trẻ, cùng với đó là biết bao ánh mắt yêu thương, trìu mến kèm theo sự lo lắng của mẹ cha, người yêu, vợ trẻ, con thơ…

Định danh “trường học lớn” là sự khẳng định tầm vóc và sứ mạng cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giáo dục, rèn luyện các thế hệ thanh niên nước nhà. Đây là điều đã được minh chứng rõ nét trong suốt chiều dài lịch sử hơn 80 năm qua của một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Thật vẻ vang thay khi ngày “tựu trường” cũng chính là ngày mà chúng ta được đứng trong hàng ngũ Bộ đội Cụ Hồ để tiếp bước truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh.

Trường Sĩ quan Chính trị thực hiện phương châm: “Tất cả vì sự trưởng thành của học viên”.

Trường Sĩ quan Chính trị thực hiện phương châm: “Tất cả vì sự trưởng thành của học viên”.

Khác với các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc gia, “trường học lớn” không chỉ là nơi hội tụ của tình yêu và khát vọng, mà còn là nơi để tuổi trẻ khẳng định vinh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của bản thân đối với non sông, đất nước. Nơi đây có những thanh niên vừa hoàn thành chương trình Trung học phổ thông, có những sĩ tử đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có cả những người đã trở thành lao động trụ cột của gia đình… nhưng khi bước vào ngôi trường ấy, tất cả sẽ học chung một giáo án, chung nhịp bước quân hành. Điều đó vừa phản ánh một bức tranh đa dạng, sống động, vừa thể hiện vẻ đẹp đặc trưng, thống nhất của môi trường quân ngũ.

Đặc biệt, với truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt, ngày “tựu trường” cũng là ngày thanh niên cả nước được về với ngôi nhà thứ hai của mình - nơi có cả tình yêu thương chan hòa và sự kỷ cương, kỷ luật, đúng với tinh thần: “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”. Vậy nên, thay vì lo lắng, hậu phương hãy yên tâm vì đây là chuyến đi của thanh xuân, của sự trưởng thành; đi để rắn rỏi hơn, cống hiến cho quê hương, đất nước mình nhiều hơn.

Học từ điều nhỏ nhất

Để viết nên những bản hùng ca chói lọi, từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa Xuân năm 1975; từ tâm bão, giữa đại dịch đến làm nhiệm vụ quốc tế; gần đây nhất là các cuộc diễu binh, diễu hành thể hiện ý chí, sức mạnh, tinh thần đoàn kết của Quân đội nhân dân Việt Nam, mỗi quân nhân đều phải trải qua quá trình khổ luyện kiên trì, bền bỉ, bắt đầu từ điều nhỏ nhất.

Có lẽ, trong thẳm sâu trái tim những bậc làm mẹ, làm vợ khi tiễn chân con, chồng mình lên đường tòng quân đều không khỏi đau đáu một câu hỏi: Vào quân ngũ sẽ sống ra sao và huấn luyện, rèn luyện như thế nào? Đây hoàn toàn là điều dễ hiểu đối với những người chưa một lần bước vào cánh cổng của “trường học lớn”. Bởi lẽ, ít ai ngờ rằng, những thanh niên mười tám, đôi mươi - độ tuổi đánh dấu sự trưởng thành của mỗi con người lại phải học ăn, học nói, học lăn, học bò, học đứng, học đi… Đó chẳng phải là những điều hết sức quen thuộc mà chúng ta đã rất thành thạo từ khi còn thơ ấu? Tuy nhiên, Quân đội là môi trường đặc thù với những yêu cầu rất cao về tính chính quy, thống nhất và khả năng cơ động, đòi hỏi mỗi quân nhân phải rèn luyện một cách tỉ mỉ từ những việc tưởng như đơn giản.

Niềm vui sau mỗi bài giảng tại Trường Sĩ quan Chính trị.

Niềm vui sau mỗi bài giảng tại Trường Sĩ quan Chính trị.

Đến với “trường học lớn”, thanh niên sẽ có cơ hội để phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ. Theo đó, dưới “ngôi trường” này, mỗi “sinh viên” sẽ được giáo dục, bồi dưỡng về tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương, đất nước; được huấn luyện chính trị - quân sự - hậu cần - kỹ thuật; được rèn luyện thể lực một cách bài bản, khoa học; được thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh, giàu tính nhân văn, mang đậm bản sắc Bộ đội Cụ Hồ…

Với phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, các vấn đề huấn luyện sẽ được kết cấu từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi để quân nhân tiếp cận nội dung và từng bước hình thành, tiến tới hoàn thiện những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

“Trường học lớn” cũng là nơi ghi dấu đậm nét về những “người thầy” thầm lặng, những người anh, người chị, người bạn tin cậy, thân thiết của bộ đội, đó là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Dẫu chưa một lần được vinh danh là nhà giáo nhưng từng trang giáo án của họ luôn chất chứa biết bao tình yêu, tâm huyết, mồ hôi, nước mắt; không chỉ yêu thương, quan tâm chiến sĩ từng bữa ăn, giấc ngủ như những người em trong gia đình mà còn dạy cho bộ đội tinh thần dám đánh, biết đánh và đánh thắng.

 Học viên Trường Sĩ quan Chính trị hăng say học tập.

Học viên Trường Sĩ quan Chính trị hăng say học tập.

Giảng viên hăng say truyền thụ tri thức cho học viên tại Trường Sĩ quan Chính trị.

Giảng viên hăng say truyền thụ tri thức cho học viên tại Trường Sĩ quan Chính trị.

“Giảng đường” nơi “trường học lớn” cũng thật đặc biệt, khi là phòng sinh hoạt chung có đầy đủ các trang thiết bị quen thuộc như bàn, ghế, phấn, bảng…; khi lại trên thao trường thênh thang giữa trời đầy nắng gió, hoa thơm và cả tiếng chim ca. Thời gian học tập có khi là ban ngày, có lúc lại là đêm tối với cường độ cũng như yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. Khó khăn là vậy, song “lớp cha trước, lớp anh sau” vẫn ngày đêm miệt mài phấn đấu đáp ứng tốt mục đích, yêu cầu của từng đề mục huấn luyện, dẫu là cơ bản hay nâng cao.

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Giống như “lửa thử vàng gian nan thử sức”, trải qua những bỡ ngỡ buổi đầu nhập ngũ, nhất là quãng thời gian huấn luyện chiến sĩ mới đầy khó khăn, thử thách, những tân binh non nớt sẽ trở nên “sáng như gương, rắn như thép”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Dù là miền biên cương, địa đầu bốn mùa sương gió hay nơi hải đảo xa xôi quanh năm sóng vỗ, họ vẫn luôn vững niền tin, chắc tay súng, hiến dâng thanh xuân của mình để Tổ quốc có những mùa Xuân tươi đẹp.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp, khó dự báo, cùng với đó là âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, Quân đội không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn tham gia có trách nhiệm, hiệu quả trên mặt trận phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, gìn giữ hòa bình quốc tế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… Trong đó, “trường học lớn” chính là nơi xây dựng một trong sáu “điểm tựa” vững chắc, góp phần đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thử thách, trở nên hùng cường, thịnh vượng hơn.

Lịch sử dân tộc ta nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng là những trang sử bằng vàng và cán bộ, chiến sĩ hôm nay chính là những người kế tục, viết tiếp những trang sử vẻ vang ấy. Trong ca khúc Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có câu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Câu hát như nhắc nhở, thôi thúc các thế hệ thanh niên Việt Nam hãy sống, cống hiến hết mình để xứng đáng là tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh và “trường học lớn” sẽ chắp cánh để chúng ta hiện thực hóa ước mơ ấy, dẫu có khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang.

Trong số tân “sinh viên” bước vào “trường học lớn”, sẽ có không ít đồng chí đủ điều kiện, tiếp tục nguyện vọng để được phục vụ, cống hiến lâu dài trong Quân đội nhưng cũng sẽ có rất nhiều quân nhân quay trở về xây dựng quê hương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, tất cả đều mang trong mình niềm kiêu hãnh, tự hào khi được rèn luyện, trưởng thành từ “trường học lớn” và sẽ mãi mãi khắc sâu những ký ức đẹp về tình đồng chí, đồng đội được vun đắp từ quãng đời quân ngũ được sống bên nhau.

VŨ QUỐC-NGHIÊM TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-diem-tua-tu-truong-hoc-lon-815237
Zalo