'Ngày sẽ trôi' - bản khế ước qua những tự sự đàn bà
Tôi đọc khá nhiều thơ của Trần Ngọc Mỹ trên các báo, tạp chí, không phải vì chúng tôi là bạn bè văn chương đọc cho chiếu lệ, hay để có chất liệu 'chém gió' mà đơn giản chỉ vì tôi thích cảm giác vừa đọc thơ vừa như thưởng họa qua ngôn ngữ thơ của chị.
Thơ Ngọc Mỹ mang hơi thở đương đại, tác phẩm nào của chị cũng là một bức tranh đầy ắp những cảm xúc mang đậm dấu ấn của sự chiêm nghiệm, suy tưởng cuộc sống và thời gian. Cùng với trường ca “Xuyên qua giấc mơ”, tập thơ “Ngày sẽ trôi” song hành chào đời, là hai tác phẩm mới nhất của Trần Ngọc Mỹ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành chào xuân 2025.
Cảm giác cầm cuốn sách mới của chị như cầm chiếc hộp bí ẩn, tôi tưởng đã quen nhiều nội dung trong đó, nhưng khi lật mở từng trang tôi như chạm vào thứ ánh sáng rực rỡ. Đặc biệt, tôi phát hiện điều thú vị khác qua những dòng thơ, đó là bản khế ước với thời gian.
![Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_285_51465659/2ce3c7d3f79d1ec3478c.jpg)
Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ.
Trần Ngọc Mỹ sinh ra, lớn lên ở Hải Dương, nhưng đã sinh sống và làm việc lâu năm tại thành phố Hải Phòng. Dù ít tiếp xúc với chị, nhưng nét khả ái và tinh tế của chị đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp, nhất là những rung động về ngôn từ. Với chất thơ giàu cảm xúc và hình ảnh khiến người đọc dễ dàng bị mê hoặc, hiện tại Trần Ngọc Mỹ đã khẳng định được phong cách thơ trên thi đàn đương đại.
Tôi đọc “Ngày sẽ trôi” trong một chiều mùa đông. Đã lâu rồi, mùa đông lại lạnh đến thế, rét như dao cứa, giữa cảm giác co ro tôi chầm chậm thưởng thức tập thơ như nhâm nhi một ly rượu vang. Những câu thơ đầu tiên Trần Ngọc Mỹ đã khiến tôi phấn khích và nảy mầm cảm xúc, dịu đi rét buốt, da thịt tôi bừng lên, có lẽ vì ly rượu nhưng cũng vì cả thơ, chiều hoàng hôn đổ dài như bóng nước.
mà lạ kỳ thay anh ạ
thời gian làm em biết yêu hơn
yêu hơi thở của chính mình từng phút
biết sống xanh tận cùng đời lá
biết khâu vết thương, kìm giận dữ lõi thân già.
(Chào tuổi bốn mươi)
Tôi tin, người đọc thơ cẩn trọng, tỉ mỉ, đủ biết ai thật lòng, ai gượng gạo. Tôi đã đọc đi đọc lại tập thơ của Trần Ngọc Mỹ, đủ để cảm nhận những câu thơ giàu cảm xúc đang được cất lên từ cạn sâu tâm khảm. “Ngày sẽ trôi”, cái tựa nhẹ nhàng như dẫn lối độc giả bước vào cuộc du ngoạn, theo con thuyền thi ca lững lờ trải nghiệm trên mặt nước tràn đầy ánh sáng mà không kém phần tò mò bí ẩn dưới tầng sâu.
Tôi đã tự vấn về ý nghĩa cái tựa của tập thơ. Nhưng chỉ đến khi đọc hết tập thơ, tôi mới biết, thực chất đó là sự chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả với dòng chảy cuộc đời, để rồi chính tác giả lại đắm chìm, đối diện với khoảng im lặng để tìm ra bản thể của mình, trò chuyện với chính mình.
Từ bình minh tới tận hoàng hôn, vẻ đẹp muôn màu cuộc sống sống hiện ra rõ rệt, thời gian đã trao cho nhà thơ chất liệu, nhà thơ gửi gắm lại bằng bức tranh đa sắc. Đó là “một bông hồng vừa hé nở”, là “ghi nhanh”, “chạm núi” và cuối cùng là “vài sợi suy nghĩ”. Bốn phần như bốn chương tách biệt cũng là một trong những điểm độc đáo của tập thơ. Nhà thơ đã trải lòng với những bộn bề của cuộc sống, những khoảng lặng dễ ngộ nhận thuộc về chính chúng ta, chỉ khác chúng đang mắc kẹt đâu đó nơi cuống họng hoặc đang lẫn lộn giữa một đống ngôn từ.
Đâu đâu tôi cũng thấy bóng dáng của thời gian, cái thứ vô hình lại hiện hữu trên từng trang sách. Thời gian là kẻ thù của nhan sắc nhưng lại giúp Trần Ngọc Mỹ nói lên tiếng lòng. Hẳn đó là cách để Trần Ngọc Mỹ đánh thức phần sâu thẳm trong mình, bóc tách được lớp lớp thời gian bằng ngôn từ. Và nhà thơ đã khai thác thời gian bằng tất cả sự sâu lắng, sự trân trọng, nâng niu từng khoảnh khắc, để độc giả được thưởng thức mỗi bài thơ như một niềm nỗi khao khát được sống một cuộc đời tốt đẹp hơn.
![Tác phẩm mới của nhà thơ Trần Ngọc Mỹ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_285_51465659/7aa48994b9da508409cb.jpg)
Tác phẩm mới của nhà thơ Trần Ngọc Mỹ.
Trong bài thơ “Ngày sẽ trôi” tác giả viết:
Làm sao chúng ta vượt qua tiếng thở dài
và có thể hôn nhau chầm chậm
chầm chậm như hạt mầm tách vỏ
để giữ ngực mình nhịp đập xanh non.
Bốn câu thơ này, thể hiện rất rõ nỗi khao khát thường trực trong người thơ Trần Ngọc Mỹ, một sự giao kèo thông minh, hài hòa để những người đàn bà chẳng thể đánh mất mình. Họ luôn phải giữ vẻ đẹp và khí chất, dù bọc quanh người phụ nữ đầy nỗi lo âu của cuộc sống, những bon chen, tất bật hay cả nỗi đam mê, tình yêu, đều có thể khiến người ta dễ lạc trôi, mỏi mệt.
Chẳng khó để tôi có thể tìm ra trong “Ngày sẽ trôi” những ý hay, câu thơ đẹp. Trước một cánh hoa mong manh, một hương thơm thoang thoảng, cũng đủ khiến trái tim rất nhạy cảm của người thơ rung động mạnh. Tự sự nhưng luôn mạnh mẽ, giãi bày nhưng không ủy mị, càng đọc càng dễ bị cuốn vào không dễ gì thoát ra được. Đọc thơ ngỡ như đang ngắm một bức tranh, như cầm một nhành hoa.
trong tầng mưa ý nghĩ rập rờn
thời gian bỗng chảy trôi mềm mại
em
sợ cả một làn gió
muôn nhịp đập trong trái tim bé nhỏ
ai thì thầm mà cứ thế xôn xao
những bông sen thả hương hạ đêm này
như lời yêu từng làm bầu trời thao thức
những bông sen thơm hồn nhiên, tha thiết
dịu êm quá, làm sao em chịu được!
(Nói gì với nhau đi)
Xuyên suốt “Ngày sẽ trôi” luôn luôn khao khát yêu thương nhưng đủ tỉnh táo để nhận ra trong cuộc đời này, chẳng có gì là mãi mãi. Trần Ngọc Mỹ cũng thể hiện một tính cách đầy bản lĩnh qua thơ, có lẽ cũng do độ tuổi người thơ đã đủ chín, để chị có thể kín kẽ, mạnh mẽ tuyên ngôn:
Thôi nào
làm sao bầu trời mãi mây
làm sao tình yêu mãi sóng
làm sao bình hoa em chăm chút mãi thắm xuân đầy.
(Đừng khóc nhé em)
Nhưng mạnh mẽ, kiên cường đến đâu vẫn sẽ có những phút giây yếu đuối, mong manh. Những câu thơ gợi nổi bật sự nhỏ bé, yếu đuối của phụ nữ trước lớp bụi sắc lạnh của thời gian và số phận, không chỉ là cảm giác thoáng qua, mà là một nỗi niềm sâu lắng, kéo dài, khiến người phụ nữ day dứt và trăn trở không nguôi.
Em vẫn buồn nỗi cũ
khi sương giăng lạnh kín đầu hồi
sợ mình viên sỏi lăn lóc đơn côi
mười ngón tay nhàu như lá cỏ
mùa đông giũ ánh nhìn rụng rơi
Mái phố sẽ chỉ mây
con đường thì chỉ gió
dáng ai qua cũng lênh khênh, cao lớn
riêng em thật bé nhỏ.
(Vượt qua mọi triết lý)
Hay như:
ngực núi làm sao có thể vỡ
lòng sông làm sao tức tưởi đau
mái phố ai phủ bạc đầu
những nhánh cây phảng phất ru nhau.
(Dư âm)
Thơ Trần Ngọc Mỹ mượt mà, ngôn ngữ tinh tế và giàu sức gợi, nhưng đây không phải dòng thơ đọc một lần có thể hiểu hết những điều gửi gắm. Nữ nhà thơ đã dũng cảm viết nên những xung đột nội tâm của người phụ nữ, sự giằng co giữa truyền thống và hiện đại, giữa kỳ vọng xã hội và khát khao cá nhân.
Xin mượn câu thơ của Trần Ngọc Mỹ để nói thay cho lời kết:
Có phải cuộc đời còn vui
khi chúng ta còn niềm mê say quá đỗi
như tình yêu trong trẻo của anh
dành cho những cái cây
như tình yêu dịu dàng của em
dành cho bông hoa từ bàn tay anh vừa nở
(Làm vườn)
“Ngày sẽ trôi” quả thật là một bức tranh đầy tính họa và cảm xúc. Bằng sự bình tĩnh và khí chất đàn bà, Trần Ngọc Mỹ đã khiến cảm xúc trong từng câu thơ luôn chạm đến trái tim người. Tôi tin rằng tập thơ sẽ là hành trình cảm xúc đầy lôi cuốn, một bản khế ước đáng để giao kèo.
Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ, sinh năm 1985. Chị là thạc sĩ Y tế Công cộng, hiện đang công tác trong lĩnh vực y tế tại thành phố Hải Phòng. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019, chị thường xuyên cộng tác với các báo, tạp chí và đã đoạt một số giải thưởng văn học.
Sách của chị đã xuất bản: "Khát những mùa yêu" (NXB Hội Nhà văn, 2015); "Ban mai của bé" (NXB Hội Nhà văn, 2015); "Bài thơ vỗ cánh" (NXB Hội Nhà văn, 2017); "Cho những mùa hoa dấu yêu" (NXB Quân đội nhân dân, 2017); "Nắng ngoài ô cửa sổ" (NXB Văn hóa văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2019); "Quay chậm" (NXB Hội Nhà văn, 2021); "Những ngày không quên" (NXB Hội Nhà văn, 2022); Trường ca "Xuyên qua giấc mơ" và tập thơ "Ngày sẽ trôi" đều ấn hành tại NXB Hội Nhà văn, 2025.