'Xanh cây, ngọt trái' trên vùng đất Cù Lao Dung

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có vị trí nằm giữa bốn bề sông nước, được phù sa bồi đắp quanh năm. Tận dụng tiềm năng, lợi thế đó, trong nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đã phát triển trồng nhiều loại cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao, đem về nguồn thu nhập tốt tại hộ. Bên cạnh đó, địa phương đã có quy hoạch và xây dựng các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh tập trung, nhằm tạo vùng nguyên liệu trái cây lớn, có cùng chất lượng và sản lượng cung ứng ra thị trường hay ký kết hợp đồng liên kết đầu ra với các công ty, doanh nghiệp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu...

Nhằm đa dạng cây trồng và thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Cù Lao Dung đã vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Ông Phan Thanh Tân, xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung) là một trong số những nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây mía sang trồng cây ăn trái. Ông Tân đã chuyển 6.000m2 đất trồng mía sang trồng nhãn Ido đã được 4 năm.

Ông Phan Thanh Tân, xã Đại Ân 1 bộc bạch: “Cây nhãn Ido dễ trồng, nhẹ công chăm sóc hơn nhiều so với trồng mía, đặc biệt chi phí đầu tư mùa vụ cho nhãn thấp, do nhãn không gặp các vấn đề dịch bệnh nên không cần sử dụng các loại thuốc trị bệnh cho cây”.

Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hơn 5.400ha. Ảnh: THÚY LIỄU

Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hơn 5.400ha. Ảnh: THÚY LIỄU

“Nhãn từ lúc trồng cho đến thu hoạch trái là 36 tháng. Tới mùa vụ lấy trái nhãn thì xử lý kỹ thuật trên cây bằng cách dùng thuốc chuyên dụng để tưới lên cây, nhằm kích thích cây ra hoa kết trái (từ lúc nhãn ra hoa đến thu hoạch trái là 7 tháng). Tôi thực hiện công đoạn xử lý cây nhãn ra hoa vào tháng 9 âm lịch của năm trước, để canh đúng thời gian trái thu hoạch vào khoảng tháng 2, 3 âm lịch năm sau, bởi đây là thời điểm nhãn có giá tốt. Do nhãn mới thu hoạch trái 2 mùa vụ (1 vụ/năm) nên năng suất trái chưa nhiều, diện tích 6.000m2 sản lượng trái thu về hơn 4 tấn, giá bán 19.000 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/vụ/năm. Số tiền trên cao hơn gấp nhiều lần so với tiền thu nhập từ trồng mía trước đây, giúp đời sống gia đình tốt hơn trước rất nhiều”, ông Phan Thanh Tân cho biết thêm.

Cũng là hộ chuyển đổi từ trồng mía sang trồng cây ăn trái, ông Nguyễn Văn Tấn, xã Đại Ân 1 cho biết: "Tôi đã chuyển đổi đất trồng mía 3ha sang trồng cây ăn trái vào năm 2019. Trong đó, diện tích đất trồng cây thanh nhãn là 2,5ha, phần còn lại trồng mít ruột đỏ xơ vàng. Cây thanh nhãn trồng 18 tháng đã cho thu hoạch trái và nhãn cho trái tự nhiên đến mùa vụ tầm tháng 6 là thời điểm nhãn cho thu hoạch rộ, thu hoạch đến 20 ngày mới hết mùa vụ. Sản lượng nhãn thu hoạch trong năm khoảng 17 tấn/vụ; giá nhãn được thương lái thu mua từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm".

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, bên cạnh cây nhãn đem về lợi nhuận tốt hằng năm thì mít ruột đỏ cũng là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Diện tích 5.000m2 đất trồng mít, sau 24 tháng đã thu hoạch được trái. Sau đợt thu hoạch trái đầu tiên, mít sẽ cho trái quanh năm. Thời gian mít cho thu hoạch là 15 ngày thu trái 1 lần, như vậy mỗi tháng thu hoạch 2 đợt mít, 1 tấn trái; giá bán từ 40.000 - 95.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trừ chi phí lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/tháng.

“Tổng diện tích sản xuất đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung) gần 3.000ha, trong đó diện tích trồng cây ăn trái 629ha với đa dạng các loại cây ăn trái như: dừa, mít, mãng cầu, xoài, nhãn… Tính riêng diện tích trồng nhãn là 48ha, trong đó có 40ha canh tác theo quy trình VietGAP. Trước năm 2020, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đều canh tác mía, kể từ năm 2020 thì diện tích trên đã chuyển dần sang diện tích trồng các loại rau màu và các loại cây ăn trái. Trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã kinh doanh và trồng cây ăn trái, 1 tổ hợp tác chuyên về canh tác cây ăn trái. Nông dân canh tác các loại cây ăn trái trong các năm qua có đời sống tốt hơn, khấm khá hơn so với trước đây”, đồng chí Trần Trung Ngoan - Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 thông tin.

Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Cù Lao Dung là 5.450ha, tăng 1.250ha so với năm 2020. Việc sản xuất cây ăn trái tại huyện hiện tại đang ổn định về diện tích, người dân đã có sự thay đổi tư duy và mô hình sản xuất từ riêng lẻ sang phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm làm nền tảng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, các mô hình phát triển cây ăn trái theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. So với những năm đầu nhiệm kỳ thì có sự tăng mạnh về diện tích cây ăn trái, chủ yếu chuyển đổi từ diện tích mía kém hiệu quả sang cây ăn trái (kể từ năm 2022 - 2024 tăng bình quân mỗi năm là 200ha). Cùng thời điểm trên, huyện được tỉnh triển khai thực hiện Dự án phát triển cây ăn trái tỉnh Sóc Trăng nên huyện được hỗ trợ phát triển diện tích cây ăn trái là 52ha (nhãn, xoài, bưởi); hỗ trợ phát triển vùng trồng tập trung là 27 vùng, với diện tích 774ha; xây dựng vùng nguyên liệu để xuất khẩu, đã được cấp 44 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 456ha. Có 4 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP; có 2 mặt hàng trái cây được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Huyện đang tiếp tục thực hiện xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung tại các xã như: An Thạnh 1; An Thạnh Tây; thị trấn Cù Lao Dung và một phần 2 xã An Thạnh Đông; An Thạnh 2 và Đại Ân 1”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/202411/xanh-cay-ngot-trai-tren-vung-dat-cu-lao-dung-29f3e93/
Zalo