Tổng giám đốc TNG muốn mua 1 triệu cổ phiếu
Tổng giám đốc TNG - ông Nguyễn Đức Mạnh đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 8,01% lên 8,83%.
Trong thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ông Nguyễn Đức Mạnh, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG), dự kiến thực hiện giao dịch này bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 2/12 đến 31/12.
Nếu thành công, ông Mạnh sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại TNG từ 8,01% (hơn 9,8 triệu cổ phiếu) lên 8,83% (hơn 10,8 triệu cổ phiếu). Ông Mạnh hiện là cổ đông lớn thứ hai tại TNG, xếp sau Chủ tịch HĐQT công ty là ông Nguyễn Văn Thời, người đang sở hữu 18,53% vốn điều lệ (hơn 22,7 triệu cổ phiếu).
Tính theo giá đóng cửa phiên 21/11 là 24.500 đồng/cổ phiếu, ước tính, ông Mạnh dành 24,5 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Động thái mua thêm cổ phiếu của Tổng giám đốc TNG diễn ra trong bối cảnh thị giá TNG trên sàn HNX giảm 13% so với vùng giá cao nhất năm ghi nhận vào tháng 8/2024 (28.300 đồng). Tuy nhiên, so với mức 17.420 đồng hồi đầu năm, mã này đã tăng 41%.
Theo báo cáo tài chính quý III tự lập, TNG đạt doanh thu thuần gần 2.358 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp sau khi trừ giá vốn đạt hơn 340 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 14%, tương đương mức đạt được vào cùng kỳ.
Chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 5% lên 98 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19% lên 119 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng giảm 6% xuống 37 tỷ đồng và doanh thu tài chính tăng đột biến từ 28 tỷ đồng lên 53 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính giúp công ty báo lợi nhuận trước và sau thuế tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của TNG trong quý này xấp xỉ 138 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 111 tỷ đồng, lần lượt tăng 64% và 63% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của Ban lãnh đạo, kết quả kinh doanh của công ty khởi sắc nhờ tập trung vào khai thác các dòng hàng khó, phức tạp và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, TNG thực hiện nhiều cải tiến quy trình sản xuất và quản lý giúp tối ưu chi phí, gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty ghi nhận 5.884 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lãi gộp khoảng 902 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất sinh lời gộp hơn 15%.
Sau khi trừ đi các khoản phí, công ty báo lãi trước và sau thuế lần lượt 298 tỷ đồng và 241 tỷ đồng, cùng tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm nay còn nhiều biến động, Ban lãnh đạo TNG đặt mục tiêu doanh thu 7.900 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế dự đạt 310 tỷ đồng (tăng khoảng 42% so với thực hiện ở năm ngoái). Công ty đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 78% mục tiêu doanh thu sau 3 quý đầu năm.
Tại phiên họp cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4, công ty dự tính chia cổ tức năm nay tối thiểu 16% (trong đó 8% cổ phiếu và 8% tiền mặt).
Vào 11/11 vừa qua, TNG chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2 năm nay bằng tiền mặt với tỷ lệ 4%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 400 đồng. Ngày thanh toán dự kiến là 22/11. Với gần 123 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên sàn HNX, số tiền công ty dành ra khoảng 49 tỷ đồng cho đợt chi trả này.
Vào cuối tháng 8, TNG tạm ứng cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ tương tự. Như vậy, công ty có thể còn ít nhất một đợt chi trả bằng cổ phiếu tỷ lệ 8%.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của công ty khoảng 5.257 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm hơn 896 tỷ đồng trong tổng cơ cấu tài sản của công ty. Nợ phải trả giảm nhẹ so với đầu kỳ, xuống 3.389 tỷ đồng và phần lớn là khoản ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu hơn 1.867 tỷ đồng và lãi lũy kế hơn 197 tỷ đồng.