Xác định nguyên nhân vụ cả nhà nhập viện, một người tử vong sau bữa ăn
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 nhận định, có khả năng các bệnh nhân không uống rượu methanol nguyên chất mà pha kèm theo ethanol.
Ngày 15/7, bác sĩ Võ Thành Hoài Nam, Phó trưởng khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết sau khi lọc máu cấp cứu, các nạn nhân ngộ độc methanol đã đáp ứng tốt.
Ba trường hợp nằm viện gồm chị N.T.T.A (37 tuổi) và em N.X.H (16 tuổi) là mẹ con và anh T.K.H (41 tuổi), đều ngụ tại Bình Phước. Cha của N.X.H đã tử vong vì ngộ độc methanol quá nặng vào ngày 14/7.
Theo bác sĩ Nam, bệnh nhân T.K.H nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, mắt mờ hoàn toàn. Người bệnh cảm thấy như có lớp sương mù dày trước mắt, kích thích, vật vã. Người nhà cho hay anh H. tham gia nhậu chiều 12/7 rồi về nhà ngủ. Ngày hôm sau, anh đau đầu, buồn nôn, khó thở nặng dần nhưng nhất quyết không vào bệnh viện.
Đến ngày 14/7, nghe tin người bạn nhậu cùng đã tử vong, anh H. mới đi cấp cứu và được chuyển lên TP.HCM. Tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), anh H. có biểu hiện suy hô hấp. Kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, nhận định bệnh nhân ngộ độc methanol nặng.
Ngay sau đó, em N.X.H và chị N.T.T.A cũng được chuyển cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, toan chuyển hóa nặng, mờ mắt. Cả ba bệnh nhân được tiến hành lọc máu cấp cứu với chẩn đoán ngộ độc methanol giờ thứ 44, tiên lượng nặng. Sau khoảng 2 giờ, các triệu chứng bắt đầu cải thiện.
Đến sáng nay, ba bệnh nhân bước đầu đáp ứng tốt với lọc máu. Trong đó, bệnh nhân 16 tuổi hồi phục hoàn toàn, bệnh nhân T.K.H tỉnh táo và thị lực tốt. Tuy nhiên, cả 3 bệnh nhân đều không có bảo hiểm y tế nên chi phí dự kiến sẽ khá cao.
Bác sĩ Nam cho biết các bệnh nhân đến cấp cứu ở giờ 44 sau khi uống rượu và không có mùi nồng của methanol. Kết hợp với biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm, ông nhận định có khả năng bệnh nhân không uống rượu methanol nguyên chất mà pha trộn với ethanol. Chính vì có ethanol kèm theo nên đã làm chậm chuyển hóa và đào thải methanol, biểu hiện ngộ độc cũng muộn hơn.
Khi ngộ độc methanol, người bệnh thường có triệu chứng sớm như đau đầu, buồn nôn, khó thở, mờ mắt. Dấu hiệu này cũng hay gặp ở người uống rượu quá nhiều nên gây chủ quan. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến trung tâm y tế gần nhất khi có các triệu chứng trên để được sơ cứu và xử trí kịp thời.
Như VietNamNetđã đưa tin, gia đình anh N.X.H (40 tuổi, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) cùng bạn tổ chức uống rượu. Trong đó có vợ (37 tuổi) và con (16 tuổi) của anh H. Cả nhóm uống hết 6 chai rượu (mỗi chai khoảng 500ml).
Sau đó, anh H. có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu nên nằm nghỉ tại chỗ. Đến khoảng 21h cùng ngày, anh chóng mặt, nôn ói và được đưa đi cấp cứu. Vợ con anh và một người trong cuộc nhậu (41 tuổi) cũng có triệu chứng tương tự và được đưa đến bệnh viện.
Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng sáng 14/7, anh H. tử vong, nghi do ngộ độc rượu. Ba nạn nhân còn lại được chuyển lên Bệnh viện 175 (TP.HCM). Bước đầu, cơ quan chức năng xác định các nạn nhân đã uống loại rượu pha sẵn, có dán nhãn hiệu riêng. Vụ việc đang tiếp tục điều tra làm rõ.