Xã Tân Thạnh: Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới
Xã Tân Thạnh nằm ở phía Nam của huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trên một cù lao tách biệt với các xã còn lại của huyện với 1.300 hộ dân sinh sống. Thời gian qua, mặc dù đời sống nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, song Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc xã đã làm tốt công tác vận động, khơi dậy sức dân chung tay xây dựng quê hương và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi.TÌNH NGUYỆN GÓP TIỀN CỦA, CÔNG SỨC
Xã Tân Thạnh vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là minh chứng cho sự cố gắng của chính quyền và nhân dân của xã cù lao này trong suốt hơn 10 năm phấn đấu xây dựng. Từ một xã ven biển của huyện Tân Phú Đông, xuất phát điểm thấp, nhất là các tiêu chí về đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, vậy mà đến nay xã đã về đích NTM đúng theo kế hoạch.
Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ gia đình, cá nhân đã tình nguyện hiến kế, hiến đất, đóng góp ngày công lao động, chung tay làm đường giao thông, công trình phúc lợi... giúp xã nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí và sớm đạt chuẩn NTM theo đúng lộ trình đề ra. Qua đó thúc đẩy nông nghiệp, dịch vụ phát triển, nâng cao đời sống nhân dân; diện mạo của xã thay đổi rõ rệt”.
Nhiều nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, song với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nên xã đã huy động được sức dân tham gia xây dựng NTM. Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, các ấp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Việc tích cực bám sát dân, vừa tuyên truyền, vận động, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân đã giúp người dân thêm tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền và chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng NTM. Từ cách làm ấy, xã Tân Thạnh đã khơi dậy được sức dân “chung tay” ủng hộ tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn.
Cụ thể, nhân dân đã đóng góp 5 tỷ đồng để cùng chính quyền chỉnh trang và tu sửa đường, hệ thống đèn giao thông nông thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Đến nay, tất cả các tuyến đường ở xã đều có đèn chiếu sáng; trong đó, nổi bật là 100% trục đường chính của xã được nhựa hóa, bảo đảm thuận tiện ô tô, mô tô đi lại. Có 14 tuyến đường ngõ, xóm với tổng chiều dài 13,683 km sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm.
Ông Nguyễn Văn Be (ấp Tân Thành 2) chia sẻ: “Từ khi có đèn đường, việc đi lại của người dân thuận tiện và an toàn hơn, đường đi được khang trang và không còn lầy lội vào mùa mưa”.
Trong xây dựng NTM, môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất và phải thực hiện xuyên suốt, lâu dài, đòi hỏi có sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân. Vậy nên, sự vào cuộc của mỗi người dân có vai trò hết sức quan trọng để phấn đấu đạt và giữ vững tiêu chí “mềm” về môi trường.
Để làm được điều đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã giao cho Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với trưởng ấp, Bí thư Chi bộ ấp tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ vệ sinh chung; dọn dẹp đường ngõ ấp, xây dựng các tuyến đường Thanh niên tự quản; đẩy mạnh phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, vận động hội viên phụ nữ tự đào hố, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày, tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
KHÔNG NGỪNG PHẤN ĐẤU
UBND xã Tân Thạnh xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, bước đầu đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng và nhân dân. Người dân dần thay đổi nhận thức, xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình, khắc phục rõ sự trông chờ vào Nhà nước. Thời gian qua, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình tốt, hiệu quả, phong trào trong dân nhiều nơi phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi bộ mặt ở xã Tân Thạnh ngày càng khang trang.
Xác định xây dựng NTM không chỉ để cơ sở vật chất khang trang, mà quan trọng hơn là đời sống người dân phải được nâng lên. Hiện trên địa bàn xã Tân Thạnh có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Thạnh, đang thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tự nông nghiệp cho nông dân. Ngoài ra, xã có mô hình liên kết tiêu thụ dừa giữa Hợp tác xã Tân Thạnh với Hợp tác xã Vĩnh Kim, đảm bảo đầu ra ổn định cho các thành viên hợp tác xã và người dân trồng dừa trên địa bàn xã.
Từ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, thu nhập của người dân trên địa bàn xã Tân Thạnh được nâng cao đáng kể, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 57,13 triệu đồng/năm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân xã Tân Thạnh đã xem việc đóng góp xây dựng quê hương chính là chung tay cùng Nhà nước để tạo nền móng, làm cho đời sống kinh tế, tinh thần của gia đình mình và hàng xóm, quê hương được nâng cao. Từ đó xã Tân Thạnh đã khơi dậy được nội lực, tạo tiền đề tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Phong trào xây dựng NTM được khởi sắc như ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của toàn thể hệ thống chính trị, trong đó sự đồng lòng của người dân có vai trò tiên quyết. Bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, tinh thần gương mẫu đi đầu của đảng viên tại cơ sở, các ấp từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn nhờ phát huy tốt nội lực của nhân dân.
Việc dân chủ, công khai đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến về các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, đề án xây dựng NTM.
Với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, nỗ lực khắc phục khó khăn của cấp ủy, chính quyền các cấp, xã Tân Thạnh tiếp tục nỗ lực và tự tin xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao trong thời gian tới.