Xá lợi và Chính pháp

Ngài dạy rõ: Pháp và Luật mà Như Lai đã giảng và chế định, chính là bậc Đạo Sư sau khi Như Lai diệt độ. Xá lợi giáo pháp chính là xá lợi tối thượng, vì chỉ có Pháp mới giúp hành giả phá tan vô minh, đoạn tận khổ đau, đạt đến giải thoát chân thật.

Tóm tắt

Bài viết khảo cứu ba loại xá-lợi trong truyền thống Phật giáo: xá lợi vật dụng (paribhogadhātu), xá-lợi thân thể (sarīradhātu), và xá-lợi giáo pháp (dhammadhātu), nhằm làm sáng tỏ giá trị biểu tượng và định hướng hành trì cho người học Phật. Thông qua các trích dẫn kinh điển Pālị như Mahāparinibbānasutta, Vakkalisutta, và các bộ chú giải, bài viết khẳng định rằng xá lợi giáo pháp chính là di sản tối thượng và bất hoại mà đức Phật để lại. Trong khi việc tôn kính các xá lợi vật chất mang tính gợi nhắc công hạnh và phát khởi tín tâm, thì chính Pháp được thể hiện qua Tam tạng kinh điển mới là đối tượng nương tựa đích thực và là con đường duy nhất đưa đến giải thoát. Bài viết cũng cảnh tỉnh nguy cơ rơi vào tín ngưỡng sai lạc, nhấn mạnh niềm tin chân chánh phải được kết hợp với trí tuệ và hành trì, đúng như lời Phật dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình; hãy lấy Pháp làm chỗ nương tựa”.

Từ khóa: xá lợi, xá lợi vật dụng, xá lợi thân thể, xá lợi giáo pháp

Abstract:

This article examines the three categories of dhātu (relics) in the Buddhist tradition: relics of personal use (paribhogadhātu), relics of the body (sarīradhātu), and relics of the Dhamma (dhammadhātu), aiming to elucidate their symbolic significance and their role in guiding authentic spiritual practice. Drawing from Pālị canonical texts such as the Mahāparinibbāna Sutta, Vakkali Sutta, and classical commentaries, the paper asserts that dhammadhātu - the relics of the Teaching, constitutes the supreme and imperishable legacy left by the Buddha. While veneration of physical relics may inspire faith and devotion through remembrance of the Buddha’s virtues, it is ultimately the Dhamma, embodied in the Tipitạka that serves as the true refuge and sole path to liberation. The paper also offers a critical reflection on the risks of misdirected devotionalism, emphasizing that genuine faith must be integrated with wisdom and practice, in accordance with the Buddha’s exhortation: “Be a lamp unto yourselves; be a refuge unto yourselves; take the Dhamma as your lamp and refuge”.

Keywords: relic, object-relic, corporal-relic, textual-relic

Dẫn nhập

Từ buổi đầu sau khi Đức Thế Tôn viên tịch niết bàn, hình thức tôn kính xá lợi đã trở thành một phần quan trọng trong tín ngưỡng và thực hành của cộng đồng phật tử. Tuy nhiên, bên cạnh việc tôn kính chính đáng, không ít người đã hiểu sai ý nghĩa của xá lợi, xem đó là vật ban phước, cứu khổ, dẫn đến tín ngưỡng lệch lạc, xa rời tinh thần chính pháp.

Truyền thống Phật giáo phân biệt ba loại xá lợi: xá lợi vật dụng - những vật từng được đức Phật sử dụng; xá lợi thân thể - phần còn lại sau lễ trà tỳ và xá lợi giáo pháp - lời dạy tối thượng, trường tồn và đưa đến giải thoát. Trong đó, chính xá lợi giáo pháp mới là hiện thân sống động và bất hoại của đức Phật.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Bài viết phân tích ba loại xá lợi dưới ánh sáng kinh điển Pālị, làm rõ vai trò của mỗi loại trong đời sống tu học, và quan trọng hơn, xác lập nền tảng của tín tâm chân chính: không dừng ở hình thức lễ bái, mà hướng đến hành trì Giới - Định - Tuệ để tiếp xúc chân thật với đức Phật qua Pháp. Đây cũng là lời đáp lại lời dạy cuối cùng của đức Phật: “Pháp và Luật mà Như Lai đã giảng dạy và chế định, sau khi Như Lai nhập diệt, chính đó sẽ là bậc Đạo sư của các con”.

Xá lợi vật dụng (Paribhogadhàtu)

Xá lợi vật dụng là những vật dụng mà đức Phật từng trực tiếp sử dụng khi còn tại thế. Chú giải Kinh tập (Suttanipāta-aṭṭhakathā) ghi nhận rằng: xá lợi vật dụng (paribhogadhātu) là những vật như lá cây bồ đề (bodhirukkha), y phục (cīvara) và các vật dụng khác mà đức Phật đã từng sử dụng (paribhogadhātu nāma bodhirukkhapattacīvarādīni).[1]

Theo Chú giải Bổn sinh (Jātaka-aṭṭhakathā) ghi lại: Khi đức Phật đang du hóa, dân chúng Sāvatthi không có nơi để thể hiện lòng kính ngưỡng nên đặt hoa bên cổng Hương phòng. Trưởng giả Anāthapiṇdịka lo lắng và thưa với Tôn giả Ānanda, xin phép đức Phật tìm giải pháp. Đức Phật cho phép trồng cây bồ đề từ giống ở Mahābodhi tại cổng Jetavana. Tôn giả Moggallāna dùng thần thông lấy quả bồ đề và cây non liền mọc lên kỳ diệu. Đức Phật thị hiện nhập đại định dưới cây mới, cây được đặt tên là Ānandabodhi. Từ đó, đây trở thành nơi chiêm bái thiêng liêng, nuôi dưỡng tín tâm và đời sống tâm linh cho dân chúng.[2]

Theo bộ Phật sử (Buddhavaṃsa), những vật dùng thường nhật mà đức Phật sử dụng được chư Thiên, Phạm thiên cất giữ và tôn thờ ở các thiên cung của họ.

Vajirāyaṃ bhagavato - patto daṇdọ ca cīvaraṃ

nivāsanaṃ kulaghare - paccattharanạṃ silavhaye.

Bình bát, cây gậy, và y của đức Thế Tôn là ở Vajirā.

Y nội là ở Kulaghara. Tấm trải nằm là ở Sila.

Pātạlīputtanagare - karakaṃ kāyabandhanaṃ

campāyaṃ udakasātạkā - uṇnạlomañca kosale.

Bình đựng nước, dây thắt lưng là ở thành Pātạliputta.

Vải lọc nước là ở Campā. Và sợi lông giữa hai lông mày là ở Kosala.

Kāsāvakaṃ brahmaloke - veṭhanaṃ tidase pure

[pāsānạke padaṃ seṭṭhaṃ - yathāpi kacchataṃ puraṃ]

nisīdanaṃ avantīsu - devaraṭṭhe attharanạṃ tadā.

Khi ấy, y ca-sa là ở cõi Phạm Thiên.

Vải che đầu là ở thành phố của cõi trời Ba Mươi.

[Dấu chân ở tảng đá là nhất hạng, tương tợ như thành phố kinh đô.]

Tấm lót ngồi là ở Avantī. Tấm trải vương quốc của chư thiên.

Aranị ca mithilāyaṃ - videhe parisāvanaṃ

vāsī sūcigharañcāpi - indapatthapure tadā.

Và cái bật lửa là ở Mithilā. Đồ lọc nước là ở Videha.

Khi ấy, dao cạo và luôn cả hộp đựng kim là ở thành phố Indapattha.

Parikkhārā avasesā - janapadantake tadā

paribhuttāni muninā - mahessanti manujā tadā.

Khi ấy, dân chúng ở vùng ven của xứ sở sẽ cung kính các vật dụng thiết yếu còn lại đã được sử dụng bởi bậc Hiền Triết.[3]

Như vậy, xá-lợi vật dụng là những vật dụng mà Đức Phật từng trực tiếp sử dụng khi còn tại thế. Việc tôn thờ xá lợi vật dụng không nhằm cầu an, cầu phúc, mà để khởi lên ý ngọc tu tập, nhắc nhở về đời sống đơn giản mà cao thượng vô song của một đấng Giác Ngộ.

Xá lợi thân thể (Sarìradhàtu)

Xá lợi thân thể (sarīradhātu) là phần xương còn lại sau khi đức Phật nhập diệt và hỏa thiêu (trà-tỳ). Theo kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasutta) mô tả:

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Khi thân Thế Tôn đã cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa các khớp xương, thảy đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương xá lợi còn lại. Như sanh tô hay dầu bị cháy, tất cả đều cháy sạch không có tro, không có than, cũng vậy khi thân Thế Tôn cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa khớp xương, tất cả đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương xá lợi còn lại. Và năm trăm tầng lớp vải gai bện, cả hai lớp trong nhất và lớp ngoài nhất đều bị cháy thiêu.[4]

Theo Chú giải Sumaṅgalavilāsinī, xá lợi của đức Phật được phân thành hai loại:[5]

- Xá lợi nguyên vẹn (vippakiṇnạdhātu), gồm bảy phần xương lớn không bị thiêu hủy, bao gồm: xương sọ phía trước, hai xương đòn và bốn răng nhọn (catasso dāṭhā, dve akkhakā, uṇhīsanti imā satta dhātuyo na vippakiriṃsu).

- Xá lợi phân tán (avippakiṇnạdhātu), là những phần xương nhỏ còn lại sau hỏa táng (sesā vippakiriṃsu), được phân chia và thờ phụng tại tám quốc gia cổ đại ở Ấn Độ.[6]

Chú giải kinh Đại viên tịch cũng mô tả kích thước xá lợi: tất cả các xá lợi nhỏ là có kích thước bằng hạt cải, xá lợi loại lớn là có kích thước bằng hạt gạo bể đôi ở giữa, xá lợi loại cực lớn là có kích thước của hạt đậu bể đôi ở giữa (Tattha sabbakhuddakā dhātu sāsapabījamattā ahosi, mahādhātu majjhe bhinnataṇdụlamattā, atimahatī majjhe bhinnamuggamattāti).[7]

Lý do phân chia xá lợi thành hai loại được chính đức Phật nói rõ trong Chú giải: “Giáo pháp của Ta chưa được truyền bá rộng khắp. Nếu sau khi Ta diệt độ, người dân ở từng nơi thỉnh một hạt xá lợi nhỏ như hạt cải về an trí tháp và cúng dường, họ sẽ được tái sinh về cõi trời” (ahaṃ na ciraṃ ṭhatvā parinibbāyāmi, mayhaṃ sāsanaṃ tāva sabbattha na vitthāritaṃ, tasmā parinibbutassāpi me sāsapamattampi dhātuṃ gahetvā attano attano vasanaṭṭhāne cetiyaṃ katvā paricaranto mahājano saggaparāyanọ hotū’ti dhātūnaṃ vikiranạṃ adhiṭṭhāsi).[8]

Trong kinh Đại viên tịch, đức Phật dạy rằng có bốn hạng người xứng đáng được dựng tháp phụng thờ: đức Như Lai (Tathāgata), đức Độc Giác Phật (Paccekabuddha), bậc Thánh A-la-hán (Arahanta), đức Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavattī). Việc tạo tháp và thờ phụng xá lợi không chỉ là hành động tôn kính mà còn tạo phước duyên hướng đến cảnh giới an lành.

Này Ānanda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp? Này Ānanda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: “Ðây là tháp của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri”. Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ sinh lên thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ānanda, vì lý do này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp.[9]

Tuy nhiên, điều trọng yếu được nhấn mạnh là đừng xem xá lợi là thần linh ban phước. Trong kinh Vakkali (Vakkalisutta), Phật dạy: “Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp, là thấy Ta. Ðang thấy Ta, là thấy Pháp.” (Yo kho, vakkali, dhammaṃ passati so maṃ passati; yo maṃ passati so dhammaṃ passati. Dhammañhi, vakkali, passanto maṃ passati; maṃ passanto dhammaṁ passati).[10]

Lời dạy này nhấn mạnh rằng, đức Phật không phải chỉ là thân xác bằng xương thịt hay hình tướng bên ngoài, mà là hiện thân sống động của chân lý, tức là Pháp. Do đó, người nào thấy rõ Pháp, quán sát vô thường, khổ, vô ngã nơi các pháp hữu vi, sống đúng theo con đường Bát Thánh đạo, thì người ấy đang tiếp xúc với đức Phật đích thực. Ngược lại, nếu chỉ ngưỡng vọng hình ảnh, xá-lợi hay di tích của Phật mà không hành trì đúng chính pháp, thì chưa thật sự thấy Phật.

Từ lời dạy này, chúng ta hiểu rằng xá lợi, dù quý giá, cũng chỉ là biểu tượng, không phải thần linh ban phước hay cứu khổ. Đức Phật chưa từng dạy rằng xá-lợi có thần lực, càng không khuyến khích việc cầu tài, cầu an nơi xá lợi. Thờ xá lợi với lòng tôn kính chân chính là điều tốt, nhưng mục tiêu sau cùng vẫn là thực hành Pháp để tự mình chứng ngộ, đó mới là sự tiếp xúc chân thật với đức Phật. Vì vậy, thấy Pháp, hiểu và sống theo Pháp chính là thấy Phật.

Xá lợi giáo pháp (Dhammadhàtu)

Trong truyền thống Phật giáo, xá lợi (dhātu) thường được hiểu là những phần còn lại sau khi hỏa táng thân Phật hay chư Thánh Tăng, như xương, răng, tóc. Tuy nhiên, có một loại xá lợi vượt lên trên tất cả: đó là xá-lợi giáo pháp (dhammadhātu), tức lời dạy của đức Phật, những chân lý bất biến, vượt ngoài sinh diệt. Đây mới chính là xá lợi bất hoại, không bị đốt cháy, không hoại diệt theo thời gian, và là nền tảng đưa hành giả đến giải thoát.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Đức Phật không tự xem thân xác Ngài là cốt lõi của sự hiện hữu. Khi được hỏi ai sẽ là đạo sư sau khi Ngài nhập diệt, đức Phật tuyên bố: “Này Ānanda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi” (Yo vo, ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca desito pañnãtto, so vo mamaccayena satthā).[11] Qua tuyên ngôn này, đức Phật trao lại vai trò hướng đạo cho Pháp và Luật, tức là Tam tạng kinh điển (Tipitạka) chứ không phải bất kỳ thần lực hay hình tướng thiêng liêng nào.

Sau khi đức Phật nhập diệt, toàn thể Tăng đoàn đã kết tập lời dạy thành ba tạng: Kinh (Sutta), Luật (Vinaya), Thắng Pháp (Abhidhamma) hợp thành Tam tạng (Tipitạka). Đây chính là hình thái hiện tiền và trọn vẹn nhất của xá lợi giáo pháp, mang nội dung chân lý mà đức Phật đã thuyết giảng trong suốt 45 năm hóa độ.

Trong kinh Ước nguyện (Ākaṅkheyyasutta), đức Phật dạy rằng: “Các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới” (Sampannasīlā, bhikkhave, viharatha sampannapātimokkhā; pātimokkhasaṃvarasaṃvutā viharatha ācāragocarasampannā anụmattesu vajjesu bhayadassāvino; samādāya sikkhatha sikkhāpadesu).[12]

Giới luật không phải là giới hạn, mà là sự bảo vệ hành giả trong quá trình thanh lọc thân - khẩu - ý. Và cũng chính nhờ Tam tạng mà hàng hậu học có thể tự mình tìm đường, tự mình thắp sáng tuệ giác để ra khỏi khổ đau.

Xá lợi giáo pháp không phải là vật thể hữu hình để tôn thờ đơn thuần, mà là chân lý cần được thực hành. Người nào chỉ lễ bái Tam tạng mà không đọc, không học, không hành trì thì giống như có được kho báu mà không biết mở ra để sử dụng. Như đức Phật đã khẳng định trong kinh Đại ví dụ dấu chân voi (Mahāhatthipadomasutta): “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi” (Yo patịccasamuppādaṃ passati, so dhammaṃ passati; Yo dhammaṃ passati, so patịccasamuppādaṃ passati).[13] Thấy Pháp, hiểu Pháp, và sống đúng theo Pháp, đó chính là chiêm bái xá lợi giáo pháp đúng nghĩa.

Xá lợi giáo pháp (dhammadhātu) là xá lợi cao quý nhất trong ba loại xá lợi. Dù xá lợi thân thể (sarīradhātu) và xá lợi vật dụng (paribhogadhātu) có giá trị tôn kính, nhưng chỉ có xá lợi Pháp mới là con đường dẫn đến giải thoát. Đức Phật đã trao lại Pháp và Luật làm Đạo Sư, và chính trong Tam tạng kinh điển, chúng ta gặp được Ngài, không phải qua di tích, mà qua trí tuệ và hành trì.

Cảnh tỉnh tu học: Không rơi vào mê tín

Trong kinh Đại viên tịch, đức Phật khuyên: “Vậy nên, này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác” (Tasmātihānanda, attadīpā viharatha attasaranạ̄ anañnãsaranạ̄, dhammadīpā dhammasaranạ̄ anañnãsaranạ̄).[14]

Lời dạy này được Đức Thế Tôn thuyết giảng trong những ngày cuối cùng tại Kusinārā, khi thân thể Ngài đang dần suy kiệt. Trong bối cảnh tăng chúng đang lo lắng, bất an vì biết rằng đức Phật sắp viên tịch niết bàn, Ngài đã khuyến tấn bằng lời dạy giản dị mà có sức khai ngộ sâu xa. Đây không chỉ là lời trối trăng, mà là bản tuyên ngôn tối hậu của đạo Phật, xác lập nền tảng độc lập và nội lực cho con đường giải thoát.

Từ attadīpa nghĩa đen là “ngọn đèn của chính mình”. Trong bóng tối của vô minh, tham dục, phiền não, chỉ có ánh sáng từ nội tâm của chính người hành giả mới có thể soi đường vượt qua sinh tử. Đức Phật không bảo người học Pháp cầu cứu từ thần linh hay chờ đợi ân phước từ bên ngoài, mà nhấn mạnh rằng: giải thoát là một hành trình cá nhân, không thể vay mượn. Chính lời dạy này đã làm nên tính cách độc đáo của đạo Phật: không dựa vào cứu rỗi, không lệ thuộc vào tha lực, mà là sự phát triển nội tâm qua chính kiến, chính tư duy, và chính niệm.

Nếu tự thân là ánh sáng thì Pháp (Dhamma) là con đường. Dhammadīpā - ngọn đèn của Pháp - không chỉ nói về giáo lý như chữ nghĩa, mà chính là chân lý bất biến được chứng ngộ bởi trí tuệ: Tứ diệu đế, Duyên khởi, Bát Thánh đạo…

Anañnãsaranạ̄ - chớ nương tựa vào điều gì khác, là lời cảnh tỉnh cho mọi sự lệ thuộc vào hình thức, kể cả tín ngưỡng vào xá lợi, hình tượng hay lễ nghi. Điều này không phủ nhận giá trị biểu tượng của xá lợi vật lý, nhưng nếu xem xá lợi như thần lực có khả năng ban phước, cứu rỗi, thì đó là sự sai lệch với tinh thần giải thoát mà đức Phật tuyên thuyết.

Người học Phật chân chính phải nhận ra rằng: xá lợi cao quý nhất chính là Pháp, và sự hành trì là cách tôn kính thiết thực nhất đối với đức Phật. Nếu không có trí tuệ và thực hành, thì dù có cúng bái xá lợi bằng vàng ngọc, công đức vẫn không thể lớn bằng một niệm chính kiến.

Pháp là bất tử, vượt ngoài thân xác của đức Phật. Ngay cả khi Ngài không còn hiện hữu, ai nương vào Pháp và hành trì theo Pháp thì người ấy đang tiếp xúc trực tiếp với Phật. Điều đó cho thấy Pháp chính là hiện thân sống động nhất của đức Phật sau khi Ngài diệt độ.

Trong thời đại mà niềm tin dễ bị đồng hóa với mê tín, lời dạy “hãy tự làm ngọn đèn, hãy nương vào Pháp” có giá trị như một nguyên lý bảo vệ chính tín. Tín tâm chân chính không phải là sự sùng bái thụ động, mà là niềm tin được chiếu sáng bởi trí tuệ (pañnã̄), được dẫn dắt bởi thực hành niệm (sati), và kiểm chứng bởi kinh nghiệm thiền định (samādhi).

Lời dạy của đức Phật không chỉ là chỉ dẫn mang tính thời điểm, mà là kim chỉ nam cho mọi hành giả trong thời kỳ không còn Phật tại thế. Thay vì tìm kiếm Phật ngoài tượng gỗ, xá lợi hay những nơi hành hương, người học Phật cần quay về nội tâm, sống đúng theo Giới - Định - Tuệ. Chỉ khi nào tín tâm được kết hợp với sự hiểu biết và quán chiếu có căn bản, thì khi ấy xá lợi vật chất mới có ý nghĩa: là phương tiện nhắc nhở, không phải cứu cánh.

Như vậy, người học Phật chân chính cần hiểu rõ: xá lợi vật chất không thay thế được việc tu tập chính mình. Tín tâm chân chính phải được kết hợp với trí tuệ, hành trì, và sự quán chiếu có căn bản.

Kết luận

Trong giáo lý của đức Phật, ba loại xá lợi: xá lợi vật dụng (paribhogadhātu), xá-lợi thân thể (sarīradhātu), và xá-lợi giáo pháp (dhammadhātu) đều mang giá trị biểu tượng thiêng liêng, phản ánh sự tôn kính sâu sắc của hàng đệ tử đối với bậc Giác ngộ. Tuy nhiên, đức Phật không bao giờ khuyến khích người đệ tử chấp thủ vào hình tướng hay mong cầu thần lực từ những di vật vật chất. Ngài dạy rõ: Pháp và Luật mà Như Lai đã giảng và chế định, chính là bậc Đạo Sư sau khi Như Lai diệt độ. Xá lợi giáo pháp chính là xá lợi tối thượng, vì chỉ có Pháp mới giúp hành giả phá tan vô minh, đoạn tận khổ đau, đạt đến giải thoát chân thật.

Người phật tử chân chính cần khởi tín tâm đúng đắn: tôn kính xá lợi nhưng không chấp trước, chiêm bái xá lợi như phương tiện nhắc nhở vô thường, tinh tấn tu hành, chứ không xem đó là vật linh thiêng có thể cầu tài, cầu lộc, hay giải nghiệp. Niềm tin chân chánh phải được xây dựng trên nền tảng trí tuệ (pañnã̄), giới hạnh (sīla), và hành trì (patịpatti). Chỉ khi lấy Pháp làm ngọn đèn, tự mình thắp sáng chính mình (attadīpā, dhammadīpā), người Phật tử mới thực sự bước đi trên con đường giải thoát mà Đức Thế Tôn đã khai mở.

Tác giả: Định Phúc Spuñnõ

Tài liệu tham khảo:

Kinh Tiểu Bộ (2021), tập 3, Nguyên Tâm - Trần Phương Lan dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

Kinh Trung Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

Kinh Trường Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

Kinh Tương Ưng Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

Phật Sử (2006), Indacanda dịch, Buddhist Cultutal Centre, Sri Lanka.

Suttanipāta Commentary (1966), Vol. 2, Helmer Smith (ed.), PTS, London.

The Sumaṅgalavilāsinī - Buddhaghosa’s Commentary on the Dīghanikāya (1971), Vol. 2, W. Stede (ed.), PTS, London.

Chú thích:

[1] SnA.ii.279.

[2] Chú giải Kāliṅgabodhijātaka (JA.iv.228ff). Kinh Tiểu Bộ (2021), tập 3, Nguyên Tâm – Trần Phương Lan dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 182.

[3] Bv.29.8-12 (Dhātubhājanīyakathā). Phật Sử (2006), Indacanda dịch, Buddhist Cultutal Centre, Sri Lanka, tr. 244-7.

[4] DN.16 (Mahāparinibbānasutta). Kinh Trường Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 305.

[5] DA.ii.604.

[6] Vua Ajātasattu xây dựng tháp tại Rājagaha, những người Licchavī xây tháp tại Vesāli, những người Sākya xây tháp tại Kapilavatthu, những người Bulī xây tháp tại Allakappa, những người Koliya xây tháp tại Rāmagāma, Bà-la-môn Veṭhadīpa xây tháp tại Veṭhadīpa, những người Mallā xây tháp tại Pāvā, và những người Mallā ở Kusinārā xây tháp tại Kusinārā. Ngoài ra, Bà-la-môn Donạ cũng xây tháp tôn thờ chiếc bình dùng để đong xá-lợi. Những người Moriya, đến sau, xin phần tro Xá-lợi và xây tháp tại Pipphalivana. Như vậy, tổng cộng có tám tháp xá-lợi, một tháp thờ chiếc bình dùng để đong xá-lợi, và một tháp thờ tro xá-lợi, thể hiện sự kính trọng và tôn thờ đối với Đức Phật và di sản của Ngài.

[7] DA.ii.604.

[8] DA.ii.604.

[9] DN.16 (Mahāparinibbānasutta). Kinh Trường Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 292.

[10] SN.22.87 (Vakkalisutta). Kinh Tương Ưng Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 602.

[11] DN.16 (Mahāparinibbānasutta). Kinh Trường Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 298.

[12] MN.6 (Ākaṅkheyyasutta). Kinh Trung Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 33.

[13] MN.28 (Mahāhatthipadomasutta). Kinh Trung Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 215.

[14] DN.16 (Mahāparinibbānasutta). Kinh Trường Bộ (2020), Thích Minh Châu dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 267.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/xa-loi-va-chinh-phap.html
Zalo