Tưởng nhớ và tri ân đức Phật
Phật đản là dịp để trở về lại với chính mình. Về lại với chất Phật đang có sẵn trong mỗi người: đó là tình thương, là sự hiểu biết, là tâm không làm khổ mình, khổ người.
Tác giả: Thượng tọa Th.s Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
Tóm tắt nội dung
“Tưởng nhớ và Tri ân đức Phật” là một hành trình tâm linh sâu sắc, gắn kết giữa lịch sử, hiện tại và tương lai, giữa đạo và đời. Nhân Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại TP. HCM năm 2025, hướng về đức Phật như một biểu tượng của trí tuệ, từ bi và giải thoát.
Trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và sự kiện đặc biệt triển lãm xá lợi Phật từ Ấn Độ cùng trái tim bất diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức, cũng là lời kêu gọi sự tỉnh thức, yêu thương và sống có trách nhiệm trong từng hơi thở của cuộc sống hôm nay.
Từ khóa: Phật đản, tri ân, đức Phật, thống nhất đất nước, triển lãm xá lợi, Thích Quảng Đức, tâm linh, nhập thế
Mở đầu
Khi hoa sen bắt đầu nở rộ giữa lòng tháng Tư, cũng là lúc triệu triệu con tim người con Phật khắp năm châu, hướng về một sự kiện linh thiêng, đó là ngày Đản sinh của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.
Năm nay, niềm hân hoan ấy lại càng nhân lên gấp bội, khi Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025 được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, giữa nhịp sống sôi động của một thành phố năng động, hiện đại, nhưng vẫn gìn giữ sâu đậm những giá trị văn hóa truyền thống, mang một ý nghĩa đặc biệt, kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975–2025), đánh dấu nửa thế kỷ hòa bình, phát triển và đổi mới của dân tộc Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm và rực rỡ ấy, chúng ta thành kính tưởng nhớ và tri ân đức Phật là bậc Đạo sư giác ngộ, đã để lại cho nhân loại con đường từ bi, trí tuệ và giải thoát. Điểm nhấn linh thiêng trong mùa Phật đản 2025 là sự kiện triển lãm xá lợi Phật từ Ấn Độ và trái tim bất diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức.
Những viên xá lợi nhỏ bé nhưng sáng ngời như những hạt minh châu, được chiêm bái như biểu tượng của trí tuệ, thanh tịnh và giải thoát.
Chúng ta, chiêm bái không chỉ để thấy xá lợi, mà để soi rọi lại tâm mình, xem ta đã sống như thế nào, có xứng đáng là người học Phật hay chưa. Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức là ngọn lửa không thiêu cháy nổi từ bi, đây cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho mọi thời đại.
Khi Ngài tự thiêu giữa lòng Sài Gòn năm 1963 để phản đối đàn áp tôn giáo, đó không phải là hành động của hận thù, mà là tiếng chuông thức tỉnh. Trái tim Ngài không cháy, bởi lửa đời không thể đốt được yêu thương chân thật. Trưng bày trái tim ấy tại TP. Hồ Chí Minh, hôm nay là hành động kết nối lịch sử với hiện tại, đưa tinh thần nhập thế của Phật giáo vào từng hơi thở của cuộc sống đương đại.
Đức Phật là nguồn cội của từ bi và trí tuệ
Đức Phật không phải một vị thần linh ban phúc giáng họa, mà là một bậc Giác ngộ vĩ đại, người đã đi tìm con đường thoát khổ cho muôn loài, qua chính trải nghiệm của bản thân và bằng trí tuệ siêu việt. Từ bỏ cung vàng điện ngọc, Ngài đã chọn cuộc sống khổ hạnh, thiền định, và cuối cùng chứng đạt Vô thượng Chính đẳng, Chính giác dưới cội bồ-đề.
Suốt 45 năm hoằng pháp, Ngài đem ánh sáng giác ngộ soi rọi vào mọi nẻo đường cuộc đời, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi vô minh và đau khổ. Trong kinh Tăng Chi Bộ có dạy rằng: “Giáo pháp của Như Lai là ngọn đèn soi sáng đêm tối của vô minh”[1]. Ngài không hề giữ đạo lý cho riêng mình mà luôn khuyến khích đệ tử “Tự thắp đuốc lên mà đi”[2]. Đó là tinh thần giải thoát tự thân, không dựa vào thần quyền, mà dựa vào chính niệm và tuệ giác.
Mỗi mùa Phật đản đến, là dịp để chúng ta trở về với cội nguồn tâm linh, để soi rọi lại chính mình qua tấm gương giác ngộ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài đến thế gian không để tạo ra một tôn giáo, mà để mở lối cho con người tìm thấy hạnh phúc bền lâu bằng tình thương và hiểu biết.
Ngài sinh ra trong bối cảnh Ấn Độ cổ đại, đầy bất công xã hội và mê lầm tín ngưỡng, một thời đại cần đến ánh sáng chân lý hơn bao giờ hết. Và Ngài đã thắp sáng ngọn đèn ấy bằng chính đời sống và chứng ngộ của mình.
Tưởng nhớ đức Phật, không chỉ là nhớ về một bậc Thánh nhân đã thị hiện cách đây hơn 2.600 năm. Mà là nhớ về ánh sáng của một bậc giác ngộ đã mang đến cho thế gian con đường thoát khổ. Đức Phật không dạy chúng ta chỉ cầu nguyện, mà Ngài dạy ta phải thức tỉnh, phải sống tỉnh thức giữa đời thường, sống có hiểu biết, có thương yêu, có trách nhiệm với nhau.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh sưu tầm.
Kết nối lòng từ
Hòa cùng không khí ấy, Phật giáo Việt Nam, với tinh thần “Đạo pháp đồng hành cùng Dân tộc”, đã góp phần không nhỏ vào tiến trình hàn gắn, đoàn kết, và xây dựng đất nước. Trong dòng chảy ấy, Phật đản không chỉ là lễ hội tôn giáo, mà còn là biểu tượng của sự sống, của khát vọng hòa bình và lòng từ bi lan tỏa.
Đặc biệt năm nay, người dân và phật tử có dịp chiêm bái những thánh vật linh thiêng: Xá lợi Phật từ Ấn Đã được cung thỉnh về Việt Nam như một nhịp cầu nối kết tâm linh quốc tế, là minh chứng cho sự kính trọng sâu sắc của toàn thế giới đối với đức Phật.
Hình ảnh xá lợi là những tinh hoa còn lại sau khi thân thể Ngài nhập diệt, đó là biểu tượng của sự thanh tịnh và giải thoát.
Triển lãm xá lợi không chỉ đơn thuần là một sự kiện tôn giáo, mà còn là cơ hội để người dân chiêm bái, nuôi dưỡng niềm tin vào sự cao cả, đồng thời lắng lòng suy gẫm về ý nghĩa cuộc đời.
Chiêm bái xá lợi là để học hạnh thanh tịnh, sống nhẹ nhàng, giản dị và biết yêu thương hơn. Đó cũng là cơ hội để nuôi lớn niềm tin vào nhân quả và khả năng chuyển hóa nội tâm bằng con đường Giới - Định - Tuệ.
Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức là biểu tượng sống động của tinh thần “vị pháp thiêu thân”, của tình thương vô điều kiện và sự hy sinh cho chân lý. Bồ tát Thích Quảng Đức là vị cao tăng đã tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo năm 1963, là biểu tượng bất tử cho tinh thần từ bi dấn thân. Hình ảnh trái tim còn nguyên vẹn giữa ngọn lửa thiêu thân đã trở thành chứng tích siêu việt, lay động không chỉ người Việt mà cả lương tri nhân loại. “Ngọn lửa của Ngài không thiêu đốt ai cả, mà chỉ làm sáng lên sự thật”. Đó là lời bình của nhiều học giả phương Tây khi nhắc đến sự kiện này.
Trong Phật giáo, hành động ấy không xuất phát từ hận thù, mà từ lòng từ bi lớn. Từ bi đến mức sẵn sàng hiến thân mình để đánh thức lương tri xã hội. Đây không chỉ là sự kiện tâm linh, mà còn là lời nhắc sâu sắc về giá trị thiêng liêng của lòng từ bi và lòng yêu nước trong đạo Phật Việt Nam.
Tưởng nhớ trái tim ấy là nhắc nhớ về sứ mệnh hoằng pháp nhập thế: Phật giáo không đứng ngoài cuộc đời, mà đồng hành với dân tộc, với con người, trong mọi hoàn cảnh lịch sử.

Xá lợi đức Phật đã về tới Việt Nam để cung rước trong kỳ Đại lễ Vesak LHQ 2025
Hướng đến hòa bình bền vững
Sự kiện Đại lễ Vesak 2025, trùng với dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Đó không chỉ là cơ hội để tri ân những người đã ngã xuống vì hòa bình, mà còn là dịp để suy ngẫm sâu sắc về giá trị của tự do, hòa hợp và trách nhiệm công dân. Đức Phật từng dạy:“Hận thù không thể diệt hận thù, chỉ có tình thương mới có thể diệt trừ hận thù”[3]. Chính nhờ tinh thần này mà Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử.
Trong thời đại hiện nay, khi thế giới còn đầy rẫy xung đột, bất ổn và chia rẽ, những lời dạy của Ngài lại càng trở nên thiết thực và cần thiết hơn bao giờ hết. Hòa bình mà đức Phật đề cập không chỉ giới hạn ở khía cạnh chính trị hay quân sự, mà là một trạng thái an ổn sâu sắc từ bên trong tâm thức mỗi con người, từ đó lan tỏa ra xã hội và nhân loại. Khi đất nước bước vào thời kỳ mới hội nhập, sáng tạo và phát triển bền vững, thì tinh thần từ bi, bất bạo động, bao dung và hòa hợp của đức Phật lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Qua lời dạy của Ngài, chúng ta thấy rõ rằng hòa bình không đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh, mà là sự hiện diện của từ bi, trí tuệ và hiểu biết chân chính. Tư tưởng này giúp nhân loại xây dựng một nền hòa bình sâu sắc và lâu dài, khởi đi từ việc tu tập và chuyển hóa khổ đau trong mỗi con người.
Đức Phật đã dạy con người, con đường chấm dứt khổ đau và hướng đến đời sống an vui, hòa bình. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Chiến thắng kẻ khác không bằng tự thắng chính mình. Người nào tự thắng được mình là chiến sĩ cao thượng nhất”[4]. Ở đây, Ngài khẳng định rằng chiến thắng quan trọng nhất không phải với người khác, mà với chính tâm bất thiện trong ta. Một người chưa làm chủ được lòng tham, sân hận, si mê thì dù ở đâu, vẫn mang theo mầm mống bất an.
Vậy nội tâm con người là gốc rễ của mọi hành động. Khi tâm còn tham lam, sân hận và si mê, thì dù có cố gắng lập ra bao nhiêu hiệp ước hòa bình, thế giới vẫn bất an. Bởi vậy, hòa bình bền vững bắt đầu từ việc mỗi người biết tu tập, quán chiếu để chuyển hóa nội tâm, chính là “tự thắng mình”.
Kỷ niệm ngày đất nước thống nhất không chỉ là nhắc nhớ lịch sử, mà còn là dịp để thực tập tinh thần tri ân và báo ân. Tri ân Tổ quốc, báo ân cha mẹ, thầy tổ, và cả muôn loài bằng chính đời sống thiện lành và hành động nhập thế của mình.
Từ bi trong Phật giáo không phải là thương yêu giới hạn, mà là tình thương không phân biệt, không điều kiện, có khả năng xoa dịu mọi hận thù. Trí tuệ giúp ta thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã của vạn pháp, từ đó giảm bớt chấp thủ, đối kháng. Một xã hội hòa bình cần dựa trên những cá nhân có đời sống chính niệm, chính kiến và chính nghiệp. Đức Phật dạy Bát Chính Đạo gồm tám yếu tố, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Chính kiến: thấy biết đúng đắn. Chính nghiệp: hành động đạo đức, không gây tổn hại.
Chính niệm: sống tỉnh thức, biết rõ mình đang nghĩ gì, làm gì. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường thánh đạo tám ngành, đưa đến đoạn tận khổ đau, đó là: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định” [5] Sự thực hành Bát Chính Đạo giúp con người xây dựng nội tâm an lạc, lời nói ôn hòa, hành động đúng đắn, từ đó kiến tạo một xã hội yên vui.
Hòa bình theo quan điểm của đức Phật không phải là điều cầu nguyện, mà là kết quả tất yếu của sự tu tập và chuyển hóa nội tâm. Từ bi - trí tuệ - chính niệm - chính kiến là những trụ cột đưa đến một thế giới không chỉ không chiến tranh, mà còn đầy ắp yêu thương, hiểu biết và hợp tác.

Đoàn đại biểu tham dự Đại lễ Vesak 2025. Ảnh sưu tầm.
Sống tri ân - thắp sáng chất thật trong mỗi người
Tri ân đức Phật là tập sống đơn giản hơn, hiểu người hơn, và hành xử có trách nhiệm với xã hội. Đó là lúc chất Phật trong mỗi người được thắp lên diễn ra ngay trong cuộc sống thường nhật. Tưởng nhớ và tri ân đức Phật không chỉ diễn ra trong nghi lễ, mà cần được thể hiện trong đời sống hàng ngày: sống tỉnh thức, có trách nhiệm với xã hội, nuôi dưỡng tâm từ bi và hành động vì lợi ích chung.
Trong bối cảnh đó, tưởng nhớ và tri ân đức Phật không chỉ nằm ở nghi lễ, mà còn ở thái độ sống tỉnh thức. Tri ân Ngài là sống sao cho bớt khổ, sống mà không làm người khác khổ, và góp phần xây dựng xã hội an lành, đó mới chính là cách chúng ta “kính lễ” đức Phật thiết thực nhất.
Giữa phố thị rực rỡ sắc màu của lễ hội, vẫn có chỗ cho những giây phút lặng yên. Một nén hương thơm dâng lên đức Phật, là để nhắc mình sống đẹp hơn. Một đóa sen dâng Ngài, là để nguyện giữ tâm trong sáng giữa cõi đời nhiều xao động. Và một lời cầu nguyện, không chỉ cầu cho bản thân an lành, mà cầu cho muôn loài cùng được an yên. Cũng trong thời khắc thiêng liêng của mùa Phật đản. Tri ân đức Phật, là biết sống vì người khác. Tưởng nhớ đức Phật, là biết cúi xuống nâng người khổ đau đứng dậy. Có biết bao người mất nhà, mất người thân, mất phương hướng sống. Trước nỗi đau đó, tinh thần Phật đản không thể chỉ là một lễ hội vui mừng, mà cần trở thành một lời kêu gọi yêu thương và hành động.
Tri ân đức Phật, tri ân quê hương, tri ân những người đã hy sinh vì lý tưởng tự do và công bằng, tất cả đều bắt đầu từ chính trái tim chúng ta, từ nếp sống chính niệm và hành xử có đạo đức. Đó là cách thiết thực nhất để tưởng nhớ và tri ân đức Phật, là bậc Đạo sư vĩ đại của nhân loại. Phật không ở đâu xa. Ngài ở trong mỗi hành động biết yêu thương, mỗi suy nghĩ thiện lành, mỗi lời nói không làm tổn thương ai. Trong bối cảnh hiện đại, Phật giáo không phải là đi tìm một thế giới khác, mà là làm cho thế giới này bớt khổ đau hơn, đẹp hơn, có tình người hơn.
Phật đản là dịp để trở về lại với chính mình. Về lại với chất Phật đang có sẵn trong mỗi người: đó là tình thương, là sự hiểu biết, là tâm không làm khổ mình, khổ người. Trong một thế giới đang nhiều bất an, sự trở về đó là điều quý giá nhất, để học từ Ngài cách thương người, cách chịu khổ cho nhau, và cách làm một con người trọn vẹn, cũng là nhắc mình biết sống yêu thương, biết chia sẻ.
Một người con Phật không thể chỉ sống trong niềm vui lễ hội, mà còn phải hướng lòng về những nỗi đau của cuộc đời, bằng lời cầu nguyện chân thành và cả hành động cụ thể. Đó là khi ta góp một bát cơm, chia một tấm lòng, mở một vòng tay để nâng đỡ ai đó đang khổ nạn.
Kết luận
Mùa Phật đản về với tâm hồn mình, về với truyền thống dân tộc, về với lòng từ bi sẵn có trong tim mỗi người. Khi tiếng chuông chùa ngân lên trong Đại lễ Vesak 2025, không gian như lắng lại. Người ta không chỉ nghe tiếng chuông, mà còn nghe chính tiếng lòng mình thức tỉnh. Giữa bao biến động của thời đại, lời dạy của đức Phật vẫn như suối nguồn mát lành, làm dịu đi những căng thẳng, khơi dậy niềm tin vào con đường sống đẹp, sống thiện.
Xin kính nguyện mỗi người con Phật, dù ở đâu, làm gì, cũng thắp lên một ánh nến trong tim. Nến của tỉnh thức, hiểu biết và yêu thương kết nối và sẻ chia, và là mùa để ánh sáng phật pháp được thắp lên trong từng ngôi nhà, từng trái tim. Bằng sức mạnh của tỉnh thức. Sức mạnh của sự buông bỏ. Sức mạnh của lòng từ, để nhắc nhở ta sống đẹp hơn, sống tỉnh thức hơn, sống có trách nhiệm với nhau hơn.
Tác giả: Thượng tọa Th.s Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội
Chú thích:
[1] Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, HT. Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2004, tr.12.
[2] Kinh Pháp Cú, câu 236–239.
[3] Kinh Pháp Cú, câu 5, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 37
[4] Kinh Pháp Cú, câu 103, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 87.
[5] Tương Ưng Bộ Kinh, tập V: Đạo Lộ Tương Ưng, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, tr. 146–147.
Tài liệu tham khảo:
1. Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
2. Kinh Tăng Chi Bộ (Tập I), HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2004.
3. Việt Nam Phật giáo sử luận (Tập 2), Nguyễn Lang, NXB Văn Học, 1994.
4. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Lê Mạnh Thát, NXB TP. HCM, 2006.
5. Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu (dịch), NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
6. Tương Ưng Bộ Kinh, tập V, HT. Thích Minh Châu (dịch), NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2009.
7. Kinh Tạp A-hàm, HT. Thích Thiện Siêu (dịch), NXB TP. Hồ Chí Minh, 2001.
8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo trình Phật học căn bản, Ban Hoằng pháp TW, 2020.
9. Website chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: www.giacngo.vn