Xã Hành Thịnh: Viết tiếp truyền thống vẻ vang

Từ vùng đất hoang tàn do chiến tranh, nhưng với sự nỗ lực và đồng lòng của hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) không ngừng chuyển mình vươn lên, viết tiếp truyền thống vẻ vang thời kỳ đổi mới.

Sau 60 năm kể từ ngày giải phóng (30/5/1965 - 30/5/2025), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hành Thịnh gặt hái nhiều “quả ngọt”. Đó là danh hiệu “Xã văn hóa” vào năm 2008, Đảng bộ xã 25 năm liên tiếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (1990 - 2015), 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Nghĩa Hành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Sau 60 năm giải phóng, hạ tầng giao thông xã Hành Thịnh ngày càng khang trang.

Sau 60 năm giải phóng, hạ tầng giao thông xã Hành Thịnh ngày càng khang trang.

Đất lửa vươn mình

Chứng kiến quê hương không ngừng đổi mới từ sau ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Lệ Thuyền (79 tuổi), ở thôn An Ba không giấu được niềm vui. Bà Thuyền xúc động, để có được hòa bình, chúng ta phải đánh đổi biết bao đau thương, mất mát. Những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, vùng kháng chiến Hành Thịnh là một trong những khu vực bị giặc khoanh vùng đàn áp, đánh phá. Những gia đình có người thân đi tập kết, thoát ly bị địch đàn áp dã man. Trong nỗi cơ cực, gian nguy ấy, người dân Hành Thịnh vẫn một lòng theo Đảng, Bác Hồ, tham gia kháng chiến. Ngày 30/5/1965 mãi mãi khắc sâu trong ký ức của người dân Hành Thịnh khi xã nhà được giải phóng. “Chiến tranh đi qua, hòa bình lặp lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, quê hương Hành Thịnh ngày càng giàu đẹp. Đường sạch, điện sáng, trường học và trạm y tế khang trang. Kinh tế phát triển, người dân được hưởng lợi nhiều mặt nên đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn”, bà Thuyền xúc động.

Lãnh đạo xã Hành Thịnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lại, ở thôn An Ba nhân dịp 60 năm Ngày Giải phóng xã.

Lãnh đạo xã Hành Thịnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lại, ở thôn An Ba nhân dịp 60 năm Ngày Giải phóng xã.

Sau ngày giải phóng, xã Hành Thịnh có 120 Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 2 mẹ còn sống); 520 người con của quê hương ra đi không trở về và 372 thương bệnh binh, nạn nhân chất độc hóa học. Năm 1978, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hành Thịnh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2009, xã Hành Thịnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Từ sau ngày giải phóng, xã Hành Thịnh từng bước khoác lên mình chiếc áo mới với những gam màu tươi sáng hơn. Từng tấc đất nơi đây, năm xưa phải chịu nhiều đau thương do bom đạn chiến tranh, nay đã “mọc” lên những công trình bề thế, khang trang, cùng nhiều tuyến đường hoa rực rỡ, đồng lúa vàng óng, vườn cây trĩu quả. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện và nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. Theo Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Huỳnh Thanh Long, thành tựu của xã Hành Thịnh đạt được trong 60 năm qua là kết tinh từ sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân cùng tinh thần trách nhiệm, sự linh hoạt, nhạy bén và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và lãnh đạo xã qua các thời kỳ.

"

Giải phóng xã Hành Thịnh mãi là niềm tự hào của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã. Chiến công này không chỉ tô thắm thêm những trang sử vẻ vang, mà còn mở ra trang mới cho người dân được sống trong hòa bình, độc lập để phát triển, xây dựng xã Hành Thịnh ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Bí thư Đảng ủy xã Hành Thịnh HUỲNH XUÂN VINH

Bước vào kỷ nguyên mới

Với truyền thống anh hùng cách mạng cùng khát vọng vươn lên, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hành Thịnh không ngừng nỗ lực, quyết tâm cao để thực hiện đạt và vượt những mục tiêu, kế hoạch đề ra. Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Huỳnh Thanh Long cho biết, xã xác định rõ định hướng phát triển là khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, nhân lực gắn với giữ vững nguyên tắc “lấy dân làm gốc”. Do đó, xã tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội toàn diện. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới thông minh.

Ông Trần Thúy (bên trái), ở thôn An Ba chăm sóc vườn bưởi sắp cho thu hoạch.

Ông Trần Thúy (bên trái), ở thôn An Ba chăm sóc vườn bưởi sắp cho thu hoạch.

Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, xã Hành Thịnh chú trọng thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo chu đáo và kịp thời các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội. Bí thư Đảng ủy xã Hành Thịnh Huỳnh Xuân Vinh khẳng định, thành tựu trong kháng chiến cũng như giai đoạn tái thiết, xây dựng và đổi mới của Hành Thịnh không chỉ khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử, truyền thống địa phương mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ trân trọng, biết ơn những hy sinh của các thế hệ đi trước. Vì vậy, sau ngày giải phóng, từ các nguồn lực, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã tích cực thực hiện công tác tri ân đối với thương bệnh binh, người có công, lực lượng thanh niên xung phong, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cùng với đó, xã Hành Thịnh đã chung tay thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát để “không có ai bị bỏ lại phía sau”. Đến nay, xã đã hoàn thành việc xây mới và sửa chữa 16 ngôi nhà cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, tiếp thêm động lực để các hộ vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/xa-hanh-thinh-viet-tiep-truyen-thong-ve-vang-52712.htm
Zalo