Chuyện từ một tấm ảnh Bác Hồ
Bà Trần Thị Bích Nhâm (thôn Xuân Vinh, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) may mắn được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm lúc gia đình bà ở tỉnh Vĩnh Phúc vào mùa xuân năm 1956. Tấm ảnh chụp Bác Hồ đang trò chuyện với mẹ bà Nhâm được gia đình trân trọng, lưu giữ như một kỷ vật thiêng liêng.
Tự hào được Bác Hồ đến thăm
Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi tìm về thôn Xuân Vinh, xã Vạn Hưng thăm gia đình bà Trần Thị Bích Nhâm (sinh năm 1945) - một gia đình giàu truyền thống cách mạng của địa phương. Những tấm bằng liệt sĩ, huân chương, huy chương được treo trang trọng ở phòng khách là bằng chứng sinh động về một gia đình có truyền thông cách mạng. Trong phòng khách, gia đình bà Nhâm có treo tấm ảnh Bác Hồ đang trò chuyện với người phụ nữ đầu chít khăn mỏ quạ (kiểu ăn mặc của người miền Bắc xưa). Hỏi chuyện, bà Nhâm cho biết: “Đây là tấm ảnh Bác Hồ về thăm gia đình tôi ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cách đây đã gần 70 năm. Người trong bức ảnh là mẹ tôi, bà Đỗ Thị Đằng”.

Tấm ảnh Bác Hồ trò chuyện với bà Đỗ Thị Đằng.
Từ tấm ảnh, bà Nhâm kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình. Những năm kháng chiến chống Pháp, Bình Xuyên là vùng bị địch tạm chiếm. Sống trong sự kìm kẹp của địch, nhưng gia đình bà Nhâm vẫn một lòng hướng về Đảng, về Bác Hồ. “Gia đình tôi có 5 chị em gái, cha tôi mất sớm. Nhà tôi rất nghèo... nhưng mẹ tôi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhiều lần cán bộ về, mẹ bảo chị em chúng tôi rải rơm trên đường đi để xóa dấu vết, qua mắt bọn giặc. Có lần mẹ tôi bị địch bắt giam, đánh đập rất dã man nhưng bà không khai báo...”, bà Nhâm nhớ lại.
Cũng nhờ có thành tích đó, bà Đỗ Thị Đằng (mẹ bà Nhâm) đã vinh dự được tặng huân chương, được Bác Hồ đến thăm. Ở tuổi ngoài 80, bà Nhâm vẫn nhớ chuyện xưa: “Hôm đó là sáng mùng một Tết năm 1956. Mẹ tôi đang thắp hương trên bàn thờ gia tiên, chị em tôi đang lúi húi phụ mẹ thì thấy Bác mặc bộ kaki bạc màu bước vào, theo sau có một vài người nữa, có cả nhà báo với máy ảnh trong tay. Bác chào mẹ tôi, hỏi chuyện gia đình đón Tết. Rồi Bác chỉ lên bàn thờ hỏi: “Sao cụ lại treo ảnh Bác Hồ trên bàn thờ?”. Mẹ tôi bảo: “Thưa Bác, ở đây ai cũng làm như vậy”. Bác hỏi lần nữa: “Cụ thờ như vậy không sợ tổ tiên quở trách sao?”. Mẹ tôi trả lời: “Dạ, không. Bác Hồ và các vị ấy xứng đáng như những vị thánh”. Nghe xong, Bác chào mẹ tôi và bước ra. Trước khi đi, Bác có dặn chúng tôi phải học hành chăm chỉ, giúp bố mẹ làm việc nhà...”.

Bà Nhâm giới thiệu về kỷ vật thiêng liêng của gia đình.
Bác Hồ đến thăm gia đình bà Nhâm một cách bất ngờ, chóng vánh, nhưng kỷ niệm về ngày Bác đến thăm vẫn không phai mờ trong tâm trí những người trong gia đình bà. Sau này, nhà báo có gửi về xã tặng cho gia đình bà Nhâm mấy bức ảnh, trong đó có bức Bác đang trò chuyện với mẹ bà. “Bức ảnh là kỷ vật, niềm tự hào mà gia đình tôi đã gìn giữ qua năm tháng chiến tranh cho đến ngày hòa bình, theo tôi từ miền Bắc vào đến đất Khánh Hòa”, bà Nhâm chia sẻ.
Gia đình giàu truyền thống cách mạng
Như nhiều người thời đó, năm 1962, bà Nhâm rời gia đình tham gia lực lượng công binh làm đường, rồi lập gia đình với cán bộ miền Nam tập kết. Chồng bà là chiến sĩ đặc công, từng nhiều năm tham gia chống Pháp và chống Mỹ. Ông bị thương khi trở về miền Nam chiến đấu. Đất nước thống nhất, bà theo chồng về quê ở xã Vạn Hưng, Vạn Ninh. Ngày về quê, bà tự hào khi biết nhà chồng là gia đình truyền thống cách mạng. “Trong khi chồng tôi tập kết ra Bắc, hai người anh chồng ở lại miền Nam đã hy sinh trong quá trình hoạt động cách mạnh. Trong đó, người anh Trần Ngọc Diện hy sinh khi bị tù ở Côn Đảo. Đến năm 2014, mẹ chồng tôi là bà Nguyễn Thị Biết được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, bà Nhâm tự hào chia sẻ. Qua trò chuyện, chúng tôi biết thêm chị gái của chồng bà Nhâm là bà Trần Thị Phải cũng được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (có 2 con là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước).

Bà Nhâm trò chuyện với phóng viên Báo Khánh Hòa về truyền thống cách mạng của gia đình.
Trong câu chuyện về cuộc đời của mình, bà Nhâm luôn bày tỏ lòng kính yêu Bác. Những dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác (19-5) hoặc những ngày lễ, bà luôn thắp hương trên bàn thờ để tưởng nhớ đến Bác Hồ. Những lúc khó khăn nhất, bà lại nhớ đến lời dạy của Bác Hồ “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Chính vì thế, khi người chồng đột ngột qua đời, bà một mình bươn chải nuôi 5 người con nhỏ. Đến nay, hai người con trai của bà Nhâm là đảng viên (một người đã mất). Nhiều năm qua, bà Nhâm và các con vẫn giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình như lời hứa thiêng liêng với Bác và những người đi trước. “Từ nhỏ, tôi đã tự hào về truyền thống của gia đình. Vì vậy, khi lớn lên tham qua quân ngũ, tôi đã cố gắng phấn đấu, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau này về công tác tại địa phương, tôi luôn giữ gìn phẩm chất của người đảng viên…”, anh Trần Tuấn Anh - con trai bà Nhâm tâm sự.
Trước khi chia tay, bà Nhâm cho biết, đã nhiều năm bà vẫn chưa về thăm lại quê hương. Mong ước lớn nhất của bà là được về thăm quê, nhìn xem quê hương đổi mới, được ra Hà Nội viếng lăng Bác. Một mong ước bình dị mà thiêng liêng!
Theo trang thông tin điện tử Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ngày mùng 1 Tết Bính Thân (12-2-1956), Bác Hồ cùng một số cán bộ Trung ương về thăm tỉnh Vĩnh Phúc. Khi đó Tân Phong là một xã thuần nông, còn nhiều khó khăn nằm ở phía nam của huyện Bình Xuyên nhưng có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp. Sau thắng lợi của kháng chiến chống Pháp, nhân dân xã Tân Phong tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và hoàn thành cải cách ruộng đất đạt thành tích xuất sắc, trở thành điển hình tiên tiến của huyện Bình Xuyên. Bác đến thăm nhà anh Thêm, một cố nông ở thôn Yên Định, mới được chia căn nhà lá trong cải cách ruộng đất. Tin Bác Hồ về lan truyền rất nhanh, bà con trong xã ào ào chạy đến chật kín sân nhà. Thế là Bác nói chuyện và tự nhiên nơi đây trở thành cuộc mít tinh đón Bác thật chân tình, đơn giản. Tại Tân Phong, Bác ân cần thăm hỏi, khuyên bà con nên tham gia vào các tổ đổi công để tương trợ nhau tăng gia sản xuất. Bác dặn dò các cháu thiếu nhi học hành chăm chỉ, ngoan với cha mẹ… Sau nhà anh Thêm, Bác yêu cầu lãnh đạo xã đưa Bác đi thăm gia đình bà Đằng, người phụ nữ đã từng nuôi dưỡng bộ đội, dù bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng bà vẫn kiên quyết không khai, bà đã được tặng Huân chương Kháng chiến.
Ông Trần Thanh Tòng - Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) cho biết: Gia đình bà Trần Thị Bích Nhâm là gia đình có truyền thống cách mạng. Gia đình bà luôn tự hào và rất vinh dự được Bác Hồ tới thăm. Trong gia đình bà luôn dành vị trí trang trọng nhất treo tấm ảnh Bác Hồ đến thăm hỏi, trò chuyện với bà Đỗ Thị Đằng (mẹ bà Nhâm). Thực hiện lời căn dặn của Bác, gia đình bà Nhâm luôn chăm lo làm ăn, nuôi dạy con, cháu trưởng thành nên người, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực, gương mẫu tham gia các phong trào của địa phương. Hằng năm, địa phương luôn quan tâm tới thăm hỏi, động viên gia đình bà Nhâm và thực hiện đầy đủ các chính sách dành cho người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên, học sinh các trường học trên địa bàn thường xuyên đến thăm gia đình và được bà Nhâm kể về những năm tháng nuôi dưỡng bộ đội, đặc biệt là lần Bác Hồ tới thăm gia đình. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương.