World Cup Qatar chạy trên nền công nghệ tiên tiến
Tại World Cup 2022, mọi thứ từ gương mặt của cầu thủ đến nhiệt độ sân vận động và các quả bóng đều sử dụng những công nghệ tiên tiến.
World Cup 2022 đã trải qua hơn một tuần thi đấu với hàng triệu người theo dõi trực tiếp và qua truyền hình. Sự chú ý đổ dồn về Doha kéo theo nhiều mối lo ngại về việc kiểm soát đám đông người hâm mộ, mức nhiệt tại sân vận động, an toàn công cộng và cả tính xác thực trong quyết định của trọng tài.
Công nghệ không thể giải quyết tất cả vấn đề này, nhưng chắc chắn sẽ là một phần không thể thiếu để đảm bảo giải đấu diễn ra suôn sẻ.
Giới chức Qatar đang áp dụng nhiều công cụ hiện đại để kiểm soát hầu hết khía cạnh của trận đấu: Từ những quả bóng đến hàng nghìn camera theo dõi chuyển động của người hâm mộ và cầu thủ. Bên cạnh đó, các cầu thủ cũng sử dụng những công nghệ tiên tiến để có phong độ tốt nhất trên sân cỏ.
Chiếc mặt nạ kỳ lạ
Một số cầu thủ, bao gồm đội trưởng tuyển Hàn Quốc Son Heung Min, cầu thủ người Croatia Joško Gvardiol và cầu thủ tuyển Tunisia Ellyes Skhiri đã sử dụng những chiếc mặt nạ đen khác thường trong các trận đấu ở Qatar, theo Guardian.
Giới truyền thông đã so sánh vẻ ngoài của các cầu thủ này với những nhân vật trong vở kịch nổi tiếng “Bóng ma trong nhà hát”, song chiếc mặt nạ kỳ lạ này không phải xu hướng thời trang mà là thiết bị bảo vệ công nghệ cao.
Mặt nạ được làm từ các vật liệu như polycarbonate, giúp bảo vệ các vận động viên bị chấn thương mặt, đảm bảo họ có thể tiếp tục thi đấu mà không có nguy cơ bị tổn thương thêm. Một số mặt nạ được in 3D để phù hợp với các đường nét khuôn mặt của mỗi vận động viên.
Chàng trai vàng của bóng đá Croatia Joško Gvardiol, 20 tuổi, đeo chiếc mặt nạ này trong trận đấu với Morocco và Canada, vì bị gãy mũi, chấn thương nhẹ ở mặt và mắt sau va chạm trong một trận đấu hồi đầu tháng 11.
Tương tự, cầu thủ Son Heung Min của Hàn Quốc, 30 tuổi, cũng bị gãy xương hốc mắt trong trận thắng Champions League ngày 1/11, sau cú va chạm với hậu vệ Chancel Mbemba của Marseille, khiến anh phải rời sân ngay lập tức.
Son Heung Min đeo một chiếc mặt nạ bằng sợi carbon màu đen. Anh chia sẻ thiết bị này “thoải mái hơn tôi nghĩ”.
“Nó được làm bằng chất liệu tốt có thể bảo vệ khỏi va đập, nhẹ và cứng khi đeo trên mặt. Tôi ngạc nhiên rằng nó nhẹ hơn tôi tưởng rất nhiều”, anh nói.
Thủ môn của Iran Alireza Beiranvand, 30 tuổi, cũng phải đeo mặt nạ sau khi dính chấn thương mặt trong trận gặp Anh. Cầu thủ của Tunisia Ellyes Skhiri, 27 tuổi, cũng sử dụng mặt nạ khi gặp Đan Mạch và Australia ở bảng D, vì gãy xương gò má sau chấn thương hồi cuối tháng 10.
Bóng cảm biến
Al Rihla - quả bóng chính thức được sử dụng trong các trận đấu của FIFA World Cup 2022 - do hãng Adidas sản xuất. Điểm đặc biệt là một thiết bị cảm biến chuyển động sẽ được gắn vào bên trong trái bóng để báo cáo dữ liệu vị trí 500 lần/giây, giúp các trọng tài ra quyết định chính xác hơn, theo Washington Post.
Loại bóng cảm biến này đã được thử nghiệm tại một số giải đấu, bao gồm FIFA Club World Cup 2021 và được xác nhận không ảnh hưởng đến hiệu suất của cầu thủ, Adidas cho biết.
Quả bóng sẽ được sử dụng trong tất cả 64 trận đấu của World Cup 2022. Các thiết bị cảm biến sẽ gửi thông tin đến một trung tâm xử lý dữ liệu, giúp ban tổ chức theo dõi số liệu thống kê và quá trình diễn ra trận đấu.
“Dr. Cool”
Nhiệt độ luôn luôn là một vấn đề trong các sự kiện thể thao lớn, đặc biệt ở khu vực Trung Đông. Dù World Cup 2022 không tổ chức vào mùa hè, nhiệt độ ở Qatar vẫn có thể trở nên nóng nực và ngột ngạt trong tháng tới.
Do đó, nước này đang sử dụng một hệ thống làm mát tiên tiến để khắc phục. Theo FIFA, hệ thống này được thiết kế bởi một giáo sư người Qatar, ông Saud Abdulaziz Abdul Ghani. Ông thường được gọi là “Dr. Cool" (Tiến sĩ Mát mẻ"), với kinh nghiệm 13 năm làm việc trong lĩnh vực làm mát bằng năng lượng mặt trời ở các sân vận động.
Hệ thống này hút không khí qua các đường ống và lỗ thông hơi trong sân vận động, làm mát, lọc và đẩy không khí ra ngoài. Ban tổ chức cho biết hệ thống này sẽ tạo ra một "bong bóng mát" bên trong sân vận động, với các cảm biến điều chỉnh nhiệt độ.
Bên cạnh đó, các sân vận động cũng sử dụng vật liệu cách nhiệt và một phương pháp "làm mát tại chỗ" để duy trì nhiệt độ ở mức 18-24 độ C.
Camera và thuật toán
Theo AFP, giới chức Qatar cho biết các trung tâm điều phối và kiểm soát ở Qatar sẽ sử dụng hơn 15.000 camera để theo dõi chuyển động của mọi người trong suốt các trận đấu.
Các camera sẽ được lắp đặt ở cả 8 sân vận động. Tại sân vận động Lusail - nơi có sức chứa hơn 80.000 người và là địa điểm diễn ra trận chung kết World Cup, công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng sẽ được sử dụng để theo dõi người hâm mộ, theo Al Jazeera.
Ban tổ chức cũng sử dụng thuật toán để cố gắng ngăn chặn các vụ giẫm đạp trong sân vận động, chẳng hạn thảm họa tương tự trận đấu ở Indonesia khiến hơn 130 người thiệt mạng vào tháng 10.
Theo đó, họ có thể dự đoán quy mô đám đông bằng các thuật toán dựa trên một số dữ liệu, bao gồm doanh số bán vé và những nơi mọi người đi qua.
Ngoài ra, tương tự năm 2018, kỳ World Cup 2022 cũng sử dụng công nghệ VAR để giảm thiểu tranh cãi về các quyết định của trọng tài, kết hợp với hệ thống camera theo dõi và trí tuệ nhân tạo.