Cá mập voi robot lượn lờ tại thủy cung Trung Quốc gây tranh cãi
Nhiều du khách phải chi 230 nhân dân tệ (hơn 807.000 đồng) cho một vé vào thủy cung tại Quảng Đông, Trung Quốc đã phẫn nộ khi chỉ được ngắm con cá mập voi robot lướt qua lướt lại trong nước.
Video về con cá mập voi robot to như thật trong bể tại thủy cung Xiaomeisha Sea World ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Thủy cung này mới mở cửa từ ngày 1/10.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) trích một người bình luận trên trang của thủy cung Xiaomeisha Sea World tại ứng dụng đánh giá và xếp hạng Dazhong Dianping: “Không thể tin được con cá mập voi đó là giả. Họ thật tàn nhẫn khi thu tới hơn 200 nhân dân tệ cho một vé vào cửa”.
Một số bình luận khác lại giận dữ yêu cầu thủy cung này phải trả lại tiền vé. Tuy nhiên, xuất hiện ý kiến ủng hộ cho rằng con cá mập voi robot thể hiện xu hướng cải cách của thủy cung Xiaomeisha Sea World. Một tài khoản bình luận: “Đó là sáng kiến tuyệt vời, để mọi người nhìn ngắm sinh vật biển to lớn này mà không cần cầm tù chúng trong bể”.
Xiaomeisha Sea World không phải là thủy cung đầu tiên của Trung Quốc có cá mập voi robot. Trước đó, Công viên Đại dương Haichang ở Thượng Hải, nơi đã giới thiệu một robot tương tự do Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) phát triển vào năm 2022.
Mặc dù những con robot này có giá hàng triệu nhân dân tệ, nhưng chúng lại rẻ hơn nhiều so với việc chăm sóc cá mập voi trong thủy cung, vốn có thể tốn hơn100 triệu nhân dân tệ.
Hơn thế nữa, chuyên gia tại Đại học Hải dương Trung Quốc Li Jianping cho biết, ngoài tự nhiên, cá mập voi có thể sống tới 130 năm nhưng trong bể cá, chúng không sống được quá năm năm do không gian hạn chế.
Cá mập voi robot giúp các thủy cung thúc đẩy bảo vệ động vật và giáo dục về đại dương mà không cần nhốt sinh vật biển trong bể cá. Đại diện của Công viên Đại dương Haichang ở Thượng Hải nói với SCMP rằng cá mập voi là loài được bảo vệ cấp quốc gia và việc bắt giữ chúng bị cấm.
Mặc dù một số du khách cảm thấy bị lừa, có những người lại khác hoan nghênh cá mập voi robot vì điều này phản ánh cam kết của thủy cung đối với phúc lợi động vật, miễn là việc sử dụng robot được thông báo ngay từ đầu.
Chuyên gia Li Jianping cũng bày tỏ hy vọng rằng có nhiều cải tiến công nghệ trong tương lai để khiến những con cá mập robot chuyển động giống như thật hơn.