Loài chim cao 4 m lộ diện ở Nam Mỹ
Hài cốt của 2 quái vật tiền sử, bao gồm loài chim khủng khiếp nhất từng được biết đến, đã lộ diện giữa sa mạc Tatacoa của Colombia.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà sinh vật học tiến hóa Federico Degrange từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Trái Đất (Argentina) đã mô tả một loài chim mới thuộc họ Phorusrhacid (chim khủng bố), từng lang thang ở vùng đất nay là Colombia 12 triệu năm trước.
Viết trên tạp chí khoa học Papers in Palaeontology, các nhà nghiên cứu cho hay sinh vật đã được mô tả từ một phần xương ống chân được thu thập giữa sa mạc Tatacoa.
Các loài cùng họ Phorusrhacid đã được biết đến trước đây, vốn có chiều cao từ 1-3 m, nhưng phần xương hóa thạch cho thấy loài mới này có kích cỡ lớn hơn tận 30%, tức nó phải khoảng trên dưới 4 m.
Vì vậy sinh vật sở hữu phần xương mới được phát hiện phải có hình thể to lớn và đáng sợ như một con khủng long cỡ trung bình.
Bên cạnh đó, nó còn giống khủng long vì là một loài ăn thịt cực kỳ đáng sợ thời cổ đại. Rất may là ngày nay loài chim này đã tuyệt chủng.
Loài chim mới này được cho là đã phát triển trong khu vực này một quãng thời gian dài trong thế Trung Tân của kỷ Đệ Tứ, là kỷ địa chất chúng ta đang thuộc về.
Vào thế Trung Tân, vùng sa mạc ngày nay còn rất tươi tốt với khí hậu nhiệt đới ẩm ướt và phong phú động vật.
Những điều kiện như vậy thường thúc đẩy sự phân hủy, làm giảm khả năng hóa thạch. Do vậy, các nhà cổ sinh vật học rất ít tìm thấy các mẫu vật chim khủng bố cũng như các sinh vật cùng thời ở khu vực này.
Hậu duệ của các loài chim "quái vật" tiền sử này ngày nay vốn có kích cỡ nhỏ bé như các con chim bình thường.
Bên cạnh phát hiện về loài chim đáng sợ mới, các nhà khoa học còn tìm ra bằng chứng về cách mà nó đã chết.
Nó đã bị một thứ còn đáng sợ hơn của vùng nhiệt đới cổ đại cắn chết, cụ thể là một con cá sấu dài đến 9 m, thuộc dòng họ cá sấu cổ đại Purussaurus.
Phát hiện này một lần nữa cho thấy Nam Mỹ ngày xưa từng sở hữu cả một thế giới quái vật đáng kinh ngạc.