WHO kêu gọi khẩn trương đàm phán thỏa thuận ứng phó với đại dịch tương lai
Ngày 17/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh 'bây giờ hoặc không bao giờ' để đạt được thỏa thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt về việc ứng phó với các đại dịch trong tương lai, bất chấp việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu khai mạc vòng đàm phán thứ 13 tại trụ sở chính của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus khẳng định: "Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng, tiến tới hoàn thiện thỏa thuận ứng phó đại dịch kịp thời cho Đại hội đồng Y tế Thế giới (vào tháng 5 tới). Đây thực sự là trường hợp bây giờ hoặc không bao giờ”.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng các nước thành viên WHO sẽ chọn "bây giờ”, đồng thời nhấn mạnh không quốc gia nào có thể tự bảo vệ mình khỏi đại dịch tiếp theo. Tổng Giám đốc WHO lưu ý rằng đại dịch tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian, đồng thời nhắc nhở những dịch bệnh như Ebola, Marburg, sởi, đậu mùa khỉ (mpox), cúm và mối đe dọa của "bệnh X" (loại virus tiềm ẩn tương tự như dịch bệnh COVID-19).
Phát biểu trên được đưa ra 3 ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo sẽ không tham gia thêm vào các cuộc đàm phán của WHO về thỏa thuận ứng phó đại dịch. Ông Ghebreyesus bày tỏ rất tiếc về quyết định của Mỹ rút khỏi WHO và hy vọng Washington sẽ xem xét lại.
Vòng đàm phán của WHO dự kiến kéo dài một tuần, được lên kế hoạch để hoàn thiện thỏa thuận ứng phó đại dịch trước cuộc họp ra quyết định thường niên của WHO.
Vào tháng 12/2021, lo sợ tái diễn của sự tàn phá do COVID-19 gây ra, các quốc gia WHO đã quyết định soạn thảo một thỏa thuận mới về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Dù phần lớn văn bản dự thảo đã được nhất trí, nhưng vẫn còn bất đồng về một số điều khoản chính, như chia sẻ công bằng vaccine, phương pháp xét nghiệm và phương pháp điều trị.