Vượt qua khó khăn từ các chính sách hỗ trợ hợp tác xã

Các chính sách hỗ trợ hợp tác xã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai thời gian qua đã giúp các hợp tác xã có động lực đầu tư mở rộng quy mô hoạt động.

Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bàn giao máy rang cà phê cho cơ sở Việt Yến, huyện Châu Đức.

Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bàn giao máy rang cà phê cho cơ sở Việt Yến, huyện Châu Đức.

Các hợp tác xã được trang bị máy móc hiện đại, từng bước vượt qua khó khăn, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

Được hỗ trợ máy móc theo chương trình hỗ trợ mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã bàn giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức 1 thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa T50 - phun thuốc bảo vật thực vật trên cây trồng.

Ông Phùng Văn Hòa, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, Hợp tác xã trồng bơ trên diện tích rộng. Trước đây, mỗi lần xịt thuốc phải thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe. Được hỗ trợ thiết bị bay, khi phun thuốc sẽ an toàn cho sức khỏe, nhất là khi có mưa và sương muối xuống, sử dụng máy bay xử lý thì tốc độ nhanh, hiệu quả hơn.

“Sản phẩm của đơn vị đã được chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2024. Chương trình hỗ trợ máy móc này sẽ giúp hợp tác xã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dựng công nghệ trong quy trình sản xuất và chế biến nông sản; đồng thời, tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hướng tới quảng bá, giới thiệu và xây dựng chuỗi liên kết bền vững lâu dài”, ông Hòa nói.

Còn Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ trong năm 2024 đã được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bàn giao dây chuyền rửa trái cây đa năng, gồm: máy rửa, băng tải, lắp đặt, máy rửa bằng vật liệu thép không gỉ, làm sạch trái cây bằng chổi lông kết hợp phun nước áp lực; 20 bộ dụng cụ căng siết và đóng dây đai hàn nhiệt Yamafuji; 18,8 tấn phân bón NPK và vật tư khung thép định hình mái xây dựng 300m2 nhà xưởng. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng theo chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 21/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh

Theo ông Nguyễn Trọng Trung, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch, khi tham gia dự án liên kết theo Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hợp tác xã được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp, giúp tiết kiệm 28% chi phí sản xuất. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc tự động giảm được công lao động, giúp việc sơ chế, đóng gói sản phẩm thuận lợi hơn. Cùng với đó, giúp nâng cao mẫu mã trái bưởi sau thu hoạch, giúp tăng thu nhập cho các thành viên hợp tác xã.

Máy hút gạo chân không và tách màu gạo của Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh, huyện Long Đất vừa được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ đầu tư.

Máy hút gạo chân không và tách màu gạo của Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh, huyện Long Đất vừa được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ đầu tư.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng hợp tác xã; trong đó, Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo điều kiện cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo lợi ích và thu nhập của thành viên.

Ngoài ra, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển sản xuất… UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành Quyết định số 2926/QĐ-UBND Về phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2024, với 10 mô hình được hỗ trợ; trong đó, có một số hợp tác xã nông nghiệp, tổng kinh phí thực hiện gần 7,4 tỷ đồng.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cũng được tích cực triển khai, giúp các hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường thông qua các hội

Nhiều hợp tác xã cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước thực hiện đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, cơ sở hạ tầng của nhiều hợp tác xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, phát triển kinh doanh.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Nguyễn Ngọc Thương cho biết, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết tiếp tục là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và hợp tác xã. Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp các hợp tác xã vượt qua khó khăn, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; đồng thời, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên hợp tác xã, góp phần làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/vuot-qua-kho-khan-tu-cac-chinh-sach-ho-tro-hop-tac-xa-20250206080453300.htm
Zalo