Lừa đảo công nghệ cao 'bao vây' người dùng số
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_440_51408886/e41beff8d7b63ee867a7.jpg)
Ảnh minh họa
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, các hình thức lừa đảo trên nền tảng số ngày càng tinh vi và phức tạp. Đặc biệt, việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như Deepfake để giả mạo khuôn mặt, giọng nói hay các chiêu trò chia sẻ đường link chứa mã độc đang đặt ra nhiều nguy cơ “sập bẫy” cho người dùng.
Hiện nay, giả mạo danh tính bằng deepfake đang trở nên phổ biến vì công nghệ này có thể tạo ra hình ảnh, video và âm thanh giả mạo rất khó phân biệt với người thật. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng deepfake để giả danh người thân, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người nổi tiếng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng có thể yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó, tội phạm mạng còn gửi đường link giả mạo qua mạng xã hội và email, dẫn người dùng đến các trang web giống ngân hàng, cơ quan nhà nước hoặc dịch vụ uy tín nhằm đánh cắp thông tin đăng nhập và tài khoản. Khi nạn nhân vô tình nhập thông tin, kẻ xấu sẽ chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng thông tin này vào mục đích bất hợp pháp.
Một số đối tượng còn giả danh người quen, mạo danh cơ quan chức năng hoặc tổ chức tài chính để nhắn tin lừa đảo, dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP. Ngoài ra, các chiêu trò "việc nhẹ lương cao", "đầu tư sinh lời nhanh" cũng thường xuyên xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
Với những thủ đoạn phức tạp của các loại tội phạm mạng hiện nay, người dân cần chú ý cảnh giác với các cuộc gọi video, tin nhắn từ người lạ hoặc ngay cả người quen nếu có dấu hiệu bất thường. Nếu nhận được yêu cầu tài chính từ bạn bè, người thân, hãy xác nhận lại qua một kênh liên lạc khác để tránh mất tiền oan.
Trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết nào, hãy kiểm tra kỹ tên miền và xác nhận thông tin từ các nguồn chính thống. Người dân cũng cần chú ý không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP với bất kỳ ai, ngay cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, cần sử dụng các công cụ bảo mật như xác thực hai yếu tố, phần mềm chống virút và cập nhật thường xuyên các phần mềm bảo vệ trên thiết bị của mình. Đồng thời, mỗi người cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin, tìm hiểu và nâng cao kiến thức về an toàn trên không gian mạng; luôn theo dõi các cảnh báo từ cơ quan chức năng về các chiêu thức lừa đảo mới.
Tình trạng lừa đảo trên nền tảng số sẽ tiếp tục gia tăng với mức độ tinh vi hơn. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân và luôn cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao./.