Vườn Quốc gia Tràm Chim sẵn sàng tiếp nhận nuôi dưỡng và phát triển đàn sếu đầu đỏ

Ngày 14/4, Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, đơn vị đã hoàn tất các hạng mục hạ tầng cần thiết phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ nhằm đưa loài chim quý này trở lại sinh cảnh tự nhiên của vùng đất ngập nước Tràm Chim.

Vườn Quốc gia Tràm Chim phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cải tạo, sửa chữa và bổ sung hạ tầng chuyên biệt tại phân khu A3, nơi dự kiến sẽ tiếp nhận các cá thể sếu đầu đỏ từ vườn thú Thái Lan. Các hạng mục chính bao gồm: chuồng nuôi sếu non, chuồng ghép đôi, chuồng cứu hộ, phòng thuốc, kho dự trữ thức ăn và hệ thống camera giám sát.

Khu vực nuôi sếu trưởng thành được bố trí theo hình thức bán hoang dã. Các hạng mục như: trồng cây xanh, lắp mái che, cải tạo thảm cỏ và lắp đặt hệ thống camera đã hoàn tất.

Hạ tầng chuyên biệt tại phân khu A3, nơi tiếp nhận nuôi dưỡng và phát triển đàn sếu.

Hạ tầng chuyên biệt tại phân khu A3, nơi tiếp nhận nuôi dưỡng và phát triển đàn sếu.

Hệ thống camera trung tâm kết nối đến từng chuồng nuôi, cho phép theo dõi liên tục. Nhân viên kỹ thuật được phân công theo dõi, ghi nhận và báo cáo định kỳ, đảm bảo quy trình chăm sóc diễn ra nghiêm ngặt, đúng chuẩn.

Vườn Quốc gia Tràm Chim thiết kế lối đi phục vụ tham quan thân thiện, thông thoáng, thuận lợi cho du khách tiếp cận mà không ảnh hưởng đến môi trường sống của sếu.

Vườn Quốc gia Tràm Chim đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của hệ thống hạ tầng. Hiện nay, khu nuôi chim sinh sản đã hoàn thành phần móng, dựng cột, xây tường và đào xong các hồ bên trong. Khu nuôi ấp sếu sinh sản đang được xây dựng, hoàn thiện phần nền và kết cấu tường bao.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng hạ tầng, hậu cần phục vụ công tác chăm sóc sếu. Thức ăn cho sếu được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, định kỳ 3 tháng/lần và hiện đã có đủ lượng thức ăn cho 6 tháng tới.

Hệ thống camera trung tâm kết nối đến từng chuồng nuôi, cho phép theo dõi liên tục.

Hệ thống camera trung tâm kết nối đến từng chuồng nuôi, cho phép theo dõi liên tục.

Dự kiến từ ngày 15 đến 19/4 tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan, đưa về chăm sóc tại Tràm Chim.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn mà còn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về gìn giữ đa dạng sinh học, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là tại vùng đất ngập nước quý giá của Đồng Tháp Mười.

Khu vực chuồng nuôi sếu non tại phân khu A3.

Khu vực chuồng nuôi sếu non tại phân khu A3.

Như CAND Online đã thông tin, tối 10/4, tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên.

6 cá thể sếu đầu đỏ (khoảng 7 tháng tuổi) này được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima (Thái Lan) và chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, bao gồm 3 cá thể trống và 3 cá thể mái.

Sau khi kiểm tra tình trạng sức khỏe, sếu đầu đỏ được chuyển về Thảo Cầm Viên Sài Gòn để thực hiện cách ly theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã, sau đó sẽ vận chuyển về Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) để tiếp tục chăm sóc và thực hiện công tác bảo tồn.

Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ.

Sếu đầu đỏ là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim và tỉnh Đồng Tháp. Đây là loài sinh vật quý hiếm, có tên trong sách Đỏ thế giới và đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ.

Vườn Quốc gia Tràm Chim từng ghi nhận có hơn 1.000 cá thể Sếu đầu đỏ, một trong 15 loài sếu hiện đang tồn tại trên thế giới. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm. Trong các năm gần đây, số lượng sếu ở Tràm Chim rất thấp, có năm không có cá thể nào về.

Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032. Việc triển khai đề án là tín hiệu tích cực nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đề án triển khai trong 10 năm, có khoảng 100 cá thể sếu được nuôi và thả ra, có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên, giúp cho người dân và bạn bè gần xa có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của sếu đầu đỏ.

Để thực hiện đề án này, nhiệm vụ được đặt ra là nhận nuôi dưỡng sếu chuyển giao từ Thái Lan, nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Song song đó là việc cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế cho người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/vuon-quoc-gia-tram-chim-san-sang-tiep-nhan-nuoi-duong-va-phat-trien-dan-seu-dau-do-i765079/
Zalo