Vững tin làm lại cuộc đời
Sau những năm tháng phải trả giá cho lỗi lầm của mình, không ít người khi trở về hòa nhập cộng đồng đối mặt với tâm lý mặc cảm, e dè. Tuy nhiên, từ điểm khởi đầu gian khó ấy, được sự tiếp sức của chính quyền, tổ chức đoàn thể và đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, cánh cửa tái hòa nhập cộng đồng được mở ra cho nhiều phận đời.
Đứng lên sau vấp ngã
Tại thôn 6, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, chị Trần Ngọc Hưng ngày ngày cần mẫn bên bể nuôi lươn sau nhà. Ít ai biết rằng người phụ nữ nhỏ nhắn ấy từng chấp hành án phạt tù. Trở về sau khi chấp hành xong án phạt, chị quyết tâm làm lại cuộc đời với hy vọng có công việc ổn định để nuôi gia đình và chuộc lại lỗi lầm.
Qua sự giới thiệu của người thân, chị tìm hiểu mô hình nuôi lươn không bùn, kỹ thuật nuôi hiện đại, ít tốn diện tích và đang có đầu ra khá tốt. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với chị là vốn đầu tư. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể xã, đặc biệt là tổ tiết kiệm và vay vốn - “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp chị Hưng giải quyết khó khăn về vốn. Với khoản vay 100 triệu đồng, chị đầu tư nuôi 6.000 con lươn giống. Đến nay, lứa lươn đầu tiên chuẩn bị cho thu hoạch, đánh dấu bước khởi đầu từ nghị lực và chính sách hỗ trợ đúng lúc.


Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể địa phương, chị Trần Ngọc Hưng được vay vốn tín dụng đầu tư nuôi lươn không bùn để ổn định cuộc sống
Chị Hưng chia sẻ: Khi tìm hiểu, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng dành cho người chấp hành xong án phạt tù, em rất phấn khởi. Từ đó, giúp em có thêm động lực làm lại cuộc đời.
Cùng trú thôn 6, anh Trần Quang Dũng chỉ vì phút nóng giận dẫn đến hành vi gây thương tích và phải chịu án tù 18 tháng. Trở về sau thời gian cải tạo, anh sống lặng lẽ, khép mình trong mặc cảm. “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp chính quyền, đoàn thể đã quan tâm giúp đỡ tận tình, đặc biệt được tiếp cận nguồn vốn chính sách 100 triệu đồng, anh Dũng có động lực hơn trong cuộc sống. Từ vốn vay, anh mạnh dạn đầu tư nuôi 7.000 con cá lăng nha giống. Ao cá không chỉ là sinh kế mà còn là “liệu pháp tinh thần” giúp anh vơi bớt mặc cảm và tìm lại giá trị cuộc sống. “Khi mới trở về, tôi rất e ngại trước ánh nhìn của mọi người, đôi lúc cảm thấy tự ti nên cũng ít đi ra ngoài. Nhưng được sự động viên của người thân, đặc biệt chính quyền, đoàn thể xã quan tâm giúp đỡ, tôi cảm thấy ấm áp và có động lực làm lại cuộc đời” - anh Dũng trải lòng.
Niềm tin bắt đầu từ sự đồng hành
Trên địa bàn huyện Bù Đốp, thực hiện hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhiều người từng lầm lỡ đã được tiếp sức làm lại cuộc đời. Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đốp, chương trình cho vay này không chỉ mang tính hỗ trợ tài chính mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Người từng vi phạm pháp luật khi trở về địa phương thường có tâm lý tự ti, mặc cảm. Được vay vốn để làm ăn là cú hích quan trọng giúp họ vượt qua rào cản tâm lý, vững bước trên con đường hoàn lương.
Ông Điệp cho biết thêm: “Đến nay, huyện Bù Đốp đã hỗ trợ 22 trường hợp người hoàn lương vay vốn, với tổng hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở việc cho vay, ngân hàng và các đoàn thể còn phối hợp tổ chức tập huấn, tư vấn kỹ thuật, giám sát, tạo điều kiện để người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả”.
Với sự hỗ trợ đúng lúc, những người từng lầm lỗi như chị Hưng, anh Dũng đã tìm được niềm tin và động lực để làm lại cuộc đời. Họ không còn đơn độc, bởi luôn có chính quyền, đoàn thể, cộng đồng và chính sách của Nhà nước đồng hành, sát cánh. Hoạt động tín dụng chính sách tại Bù Đốp đã và đang đi vào chiều sâu, gắn kết với công tác an sinh xã hội ở cơ sở. Các tổ chức đoàn thể không chỉ là kênh ủy thác vốn mà còn là cầu nối, động viên, hỗ trợ người hoàn lương vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể địa phương và cộng đồng, anh Trần Quang Dũng có động lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình
Trên hành trình ấy, mỗi lá đơn vay vốn được duyệt, mỗi mô hình kinh tế được gây dựng, mỗi phận đời được phục hồi là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của chính sách nhân văn và tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau. Anh Dũng bộc bạch: “Trong cuộc đời ai cũng có lỗi lầm, quan trọng là phải biết sửa sai để làm lại cuộc đời. Mong muốn các cấp chính quyền, đoàn thể xã, huyện tiếp tục quan tâm giúp thêm nhiều người như tôi có cơ hội vươn lên, để không còn cảnh trượt dài trong quá khứ”.