Nông thôn mới Tây Ninh: Đổi thay từng ngày từ nội lực người dân
Tây Ninh từng bước khẳng định vị thế mới với diện mạo nông thôn khang trang, hạ tầng đồng bộ, kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Tây Ninh đã gần như cán đích toàn bộ các chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2024. Thành tựu này không chỉ là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền mà còn là minh chứng sống động cho nội lực mạnh mẽ, sự đồng lòng, hiến kế, góp sức của người dân.
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 68/71 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 95,7%), hoàn thành 100% chỉ tiêu năm. Đáng chú ý, xã Bình Minh (TP Tây Ninh) trở thành xã NTM kiểu mẫu thứ 4 của tỉnh, khẳng định bước tiến vững chắc trong hành trình nâng chất các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững.
Hơi thở nông thôn mới
Từ chỗ chờ “trên rót xuống”, nay người dân Tây Ninh đã chủ động hiến đất, góp sức, chung tay thực hiện từng công trình, từng hạng mục cụ thể.
Chỉ trong năm 2024, toàn tỉnh đã có hơn 1.500m² đất được người dân tự nguyện hiến để mở rộng giao thông; 14.000 ngày công lao động, hơn 5,4 tỷ đồng được đóng góp để cải tạo, nâng cấp hơn 50km đường nông thôn, xây dựng thủy lợi, dọn dẹp vệ sinh, di dời chuồng trại… Một con số biết nói, thể hiện rõ nét sức mạnh nội lực và tinh thần “cùng làm, cùng hưởng” trong xây dựng NTM.

Một vườn rau sạch tại Tây Ninh. (Ảnh: Huỳnh Đông)
Ông Trần Thành Tú, một người dân ở huyện Tân Châu, chia sẻ: “Hồi trước, đường xá nhỏ hẹp, lầy lội, con cháu đi học cũng cực. Giờ mở đường ra, nhà tôi mất một ít đất, nhưng được lợi là cả cộng đồng. Dân mình phải nghĩ xa, làm vì cái chung thì mới bền”.
Đi cùng với sự đồng thuận của người dân là sự đầu tư có trọng điểm, kịp thời của tỉnh vào hệ thống hạ tầng nông thôn. Tính đến nay, Tây Ninh đã đầu tư được gần 4.773km đường giao thông nông thôn.
Trong đó, đường trục xã đạt hơn 800km, trục ấp gần 870km, đường ngõ xóm trên 1.320km và đường nội đồng gần 1.780km. Những con số ấn tượng này không chỉ làm thay đổi diện mạo làng quê mà còn rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Xã Trường Đông (thị xã Hòa Thành) - một điểm sáng trong xây dựng NTM kiểu mẫu minh chứng rõ ràng nhất. Những tuyến đường trải nhựa, bê tông phẳng lì chạy xuyên qua cánh đồng, nối liền thôn xóm, giúp việc giao thương, đi lại thuận tiện. Nhiều hộ dân tranh thủ mở rộng kinh doanh, buôn bán, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập bền vững.
Bên cạnh đó, hệ thống điện, nước, thủy lợi, chợ nông thôn, trạm y tế, trường học được cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%, nước sạch theo chuẩn quốc gia đạt 70%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu cũng được chủ động thực hiện thông qua các chương trình kiên cố hóa kênh mương, hệ thống tiêu thoát nước, hồ chứa nước.
Giáo dục - Y tế - Văn hóa: Ba trụ cột nâng chất đời sống nông thôn
Không chỉ đầu tư hạ tầng “cứng”, Tây Ninh đặc biệt chú trọng đến các yếu tố “mềm” như giáo dục, y tế, văn hóa - những giá trị cốt lõi tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Các trường học ở cả 4 cấp từ mầm non đến THPT đều được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Học sinh vùng sâu vùng xa có điều kiện học tập tốt hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm rõ rệt.

Người dân được sử dụng nước sạch nông thôn. (Ảnh: Nhi Trần)
Trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện tiếp tục được đầu tư máy móc, trang thiết bị, tăng cường nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho người dân nông thôn.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn ngày càng hoàn thiện. Trong năm, tỉnh đã đầu tư xây mới 4 chợ, cải tạo 7 chợ với tổng vốn trên 17,6 tỷ đồng, giúp người dân có nơi mua bán, trao đổi hàng hóa đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là việc xây dựng các nhà văn hóa, sân thể thao, sân chơi cộng đồng ở các xã, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thúc đẩy các phong trào văn hóa - thể thao tại địa phương.
OCOP và công nghệ cao: Bệ phóng cho nông nghiệp hiện đại
Gắn liền với xây dựng NTM, Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Năm 2024, các sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ tăng về số lượng mà còn cải thiện đáng kể về chất lượng, mẫu mã. Nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chế biến sâu đã vươn ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Ngoài ra, tỉnh triển khai đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Tân Châu, đồng thời nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh.
Việc ứng dụng công nghệ, giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp nông dân tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Đây được xem là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng ở Tây Ninh. (Ảnh: Huỳnh Đông)
Một điểm nhấn khác trong xây dựng NTM tại Tây Ninh là đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ quản lý hành chính, giám sát môi trường đến hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các ứng dụng công nghệ thông tin dần hiện diện trong đời sống nông thôn. Nhiều địa phương đã số hóa dữ liệu dân cư, quản lý đất đai, hỗ trợ người dân tiếp cận sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo cơ hội cho người dân nông thôn tiếp cận xu hướng phát triển mới, nâng cao kỹ năng số và thu nhập.
Hướng đến xây dựng nông thôn phát triển toàn diện
Có thể thấy, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Tây Ninh đã hoàn toàn “lột xác”. Từ hạ tầng giao thông, điện - nước, y tế, giáo dục cho đến văn hóa, đời sống, mọi khía cạnh đều được cải thiện vượt bậc.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM không dừng lại ở “đạt chuẩn” mà là nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo nên những vùng quê trù phú, đáng sống, nơi mà mỗi người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ thiết yếu, có thu nhập ổn định và gắn bó bền vững với quê hương.

Đường giao thông được các cấp, các tỉnh quan tâm đầu tư. (Ảnh: Nhi Trần)
Nhìn lại chặng đường đã qua, một điều không thể phủ nhận: sức mạnh của người dân chính là nền tảng vững chắc cho thành công của chương trình xây dựng NTM ở Tây Ninh. Khi người dân thấy rõ quyền lợi và vai trò chủ thể của mình, họ không chỉ đồng hành mà còn chủ động dẫn dắt, góp phần làm nên những kỳ tích.
Hành trình phía trước còn dài, với nhiều thử thách mới, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh và yêu cầu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, với đà phát triển hiện tại, cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao từ nhân dân, Tây Ninh hoàn toàn có cơ sở để hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nông thôn thông minh, nơi mọi người dân đều được sống trong môi trường lành mạnh, hiện đại và thịnh vượng.