Huyền thoại Buffett 'gác kiếm'
Hiếm có người nào về hưu ở lứa tuổi 94 như Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại, người đã xây dựng Berkshire Hathaway thành một tập đoàn khổng lồ trị giá hơn 1.000 tỉ đô la.

Thế nhưng ông không về hưu ngay, vì tuyên bố đến cuối năm nay mới bàn giao chức vụ Tổng giám đốc Berkshire cho người kế nhiệm Gregory Abel và sau đó vẫn giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của quỹ cho đến hết đời. Buffett còn nói trước hàng chục ngàn cổ đông của Berkshire rằng ông “vẫn sẽ quanh quẩn đâu đó và có lẽ sẽ hữu ích trong một số trường hợp”.
Là cổ đông lớn nhất của Berkshire, Buffett sở hữu 37,4% cổ phần, trị giá chừng 164 tỉ đô la, giúp ông trở thành người giàu thứ 6 trên thế giới. Ông làm giàu chỉ nhờ vào việc mua bán chứng khoán với nguyên tắc mua và nắm giữ lâu dài cổ phiếu các công ty bị thị trường đánh giá thấp. Sự thành công của Berkshire đã biến mọi lời nói, mọi nhận xét của Buffett thành “kim chỉ nam” cho các nhà đầu tư khác, muốn bắt chước chiến lược đầu tư của ông để nhanh chóng làm giàu. Nếu có ai đó đầu tư 100 đô la mua cổ phiếu Berkshire vào năm 1965 khi Buffett bắt đầu nắm quyền kiểm soát thì nay khoản đầu tư này đã tăng thành 2,8 triệu đô la!
Thế nhưng khác với suy nghĩ của nhiều người cho rằng Buffett là hiện thân của chủ nghĩa tư bản, đúng ra phải gọi ông là “lương tâm của chủ nghĩa tư bản” vì đã dám nói rõ những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế này. Năm 2011 ông tuyên bố những người giàu như ông phải bị đánh thuế cao hơn, bởi so với thu nhập người giàu như ông hiện nộp thuế còn ít hơn nhân viên của ông (cụ thể ông chỉ bị đánh thuế 17,4% trên thu nhập trong khi thư ký của ông và các nhân viên khác phải nộp đến 20-25% thu nhập). Từ nhận định này, Tổng thống Obama lúc đó mới đề xuất đạo luật đánh thuế người giàu mang tên “Buffett Rule”, với thuế suất tối thiểu là 30% cho những ai làm ra từ 1 triệu đô la trở lên. Đáng tiếc dự luật này không thể ra đời.
Trong bối cảnh ít ai trong giới doanh nhân dám nói trái ý Tổng thống Donald Trump, Buffett đã phê phán thẳng thừng: “Thương mại không nên là một vũ khí. Tôi không nghĩ (dùng thương mại làm vũ khí) là đúng đắn và tôi không nghĩ đó là khôn ngoan”. Ông giải thích quan điểm của mình: “Chúng ta phải tìm cách giao thương với thế giới; chúng ta làm những gì chúng ta làm tốt nhất còn họ sẽ làm những gì họ làm tốt nhất”.
Là một trong những người giàu nhất thế giới nhưng Buffett không mua sắm du thuyền, xe sang hay biệt thự hoành tráng. Ông vẫn đang ở căn nhà mua từ năm 1958 trị giá chỉ 31.000 đô la. Ông vẫn tự lái xe cũ đi làm, mấy năm gần đây mới ngưng, vẫn vào ăn ở tiệm McDonald’s như bao người bình dân khác. Buffett cam kết sẽ hiến tặng 99% tài sản của mình cho các quỹ từ thiện vì cho rằng “cho dù chúng ta có dùng hơn 1% thu nhập cho bản thân thì niềm hạnh phúc và sức khỏe cũng không tăng tiến thêm chút nào. Ngược lại, 99% còn lại có thể có tác động rất lớn lên sức khỏe và phúc lợi của người khác”.
Buffett không phải là người hoàn hảo. Chẳng hạn, cá nhân ông than phiền mình nộp thuế ít quá, còn ít hơn cả cô thư ký nhưng Berkshire thì được cấu trúc theo cách tránh nộp thuế nhiều chừng nào tốt chừng đó. Điều này hoàn toàn hợp pháp nhưng lợi nhuận từ thuế thấp của công ty sẽ trở thành thu nhập của Buffett và nếu ông cứ để lại trong tập đoàn thì thu nhập này lại được miễn thuế.
Ông từng mua Ngân hàng Goldman Sachs trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, lúc đó ngân hàng này bị phê phán là đã góp phần gây ra khủng hoảng. Nói cách khác, ông vẫn đầu tư vào những công ty ông từng phê phán và xem đó là những khoản đầu tư giá trị, thu lợi nhuận lớn cho cổ đông Berkshire Hathaway. Hay như một nhà phân tích nhận định, Buffett là người phê phán chủ nghĩa tư bản nhưng biết tận dụng các cơ hội chủ nghĩa tư bản tạo ra để làm ra thật nhiều tiền.
Cũng nhờ vậy, ông giúp công chúng hiểu rõ hơn bản chất của chủ nghĩa tư bản như vì sao thư ký của ông nộp thuế nhiều hơn ông; các quỹ đầu tư phòng hộ tìm cách thu phí của người đầu tư như thế nào; vì sao khi nghe có một giáo sư được mời làm thành viên độc lập của hội đồng quản trị cũng không nên vội mừng mà nên hỏi ông này độc lập đến mức nào khi vẫn đang cần tiền, bổ sung cho lương giáo chức.
Buffett từng khuyên đừng nên hỏi chủ ngân hàng đầu tư đang muốn bán một sản phẩm tài chính cho bạn rằng năm năm nữa thu nhập từ tài sản này sẽ như thế nào. Bởi như thế chẳng khác nào hỏi người thợ hớt tóc xem tóc bạn cần hớt chưa. Có lẽ đây là điểm tạo ra sự khác biệt của Buffett khi ông xây dựng được niềm tin không chỉ với cổ đông của ông mà còn của công chúng khi lời khuyên ông đưa ra cũng được ông thực hiện cho chính mình.