Vững tin bước vào năm học mới
Hôm nay, ngày 5/9, hơn 375.000 học sinh của tỉnh Sơn La cùng với hàng triệu học sinh trong cả nước hân hoan bước vào năm học mới, 2024-2025.
Phấn khởi một năm học thành công
Trong năm học 2023 - 2024, tỉnh ta có 610 trường học, với tổng số trên 379.700 học sinh. Ngành GD&ĐT chú trọng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà của học sinh chuyển biến rõ rệt theo hướng bền vững và thực chất. Kết quả đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,84%, tăng 0,12% so với 2023; điểm trung bình các môn thi đạt 6,4 điểm, tăng 0,29 điểm so với năm 2023.
Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh có 1.202 học sinh đoạt giải; cấp THCS có 811 em đoạt giải. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia có 20 học sinh đoạt giải. Trung bình mỗi năm có trên 25% số học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào các trường đại học. Tại cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2024, Ban tổ chức công nhận 93 dự án đoạt giải; chọn 2 dự án thi cấp quốc gia (1 dự án đoạt giải triển vọng). Đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 66,83%, số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Đánh giá về kết quả của năm học vừa qua, thầy giáo Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú tỉnh, phấn khởi cho biết: Nhà trường giữ vững là một trong những trường tốp đầu bậc THPT trên địa bàn tỉnh. Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là giáo dục mũi nhọn, đội tuyển thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh của trường đã đạt 45 giải; 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, điểm thi trung bình cao hơn so với điểm trung bình của tỉnh, có 13 điểm 10 và 204 điểm 9.
Điểm nhấn, Sơn La đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 vào tháng 11/2023, là tỉnh thứ 12 trong toàn quốc và tỉnh thứ 5 trong 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2. Đặc biệt, tháng 2/2024, thành phố Sơn La được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO vinh danh tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.
Theo ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, kết quả trên đã phản ánh tinh thần “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn tỉnh. Trong đó, thực hiện chủ trương dạy học sát đối tượng; thực hiện tốt công tác phân hóa học sinh theo năng lực để dạy học theo chương trình, ôn tập, dạy bổ sung kiến thức. Đồng thời, tận tâm, trách nhiệm trong ôn tập, ôn thi cho học sinh. Công tác giáo dục mũi nhọn được đặc biệt quan tâm, đầu tư đúng mức.
Sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục, nhất là ở mức độ 2 và mức độ 3 về chuyển đổi số trong dạy, học. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục và yêu cầu về điều kiện bồi dưỡng để đứng lớp thực hiện Chương trình GDPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tập huấn sử dụng sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học phổ thông, tạo sự chuyển biến thực chất về năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo triển khai tốt Chương trình GDPT.
Các trường học thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Cán bộ, giáo viên, đoàn viên công đoàn ngành GD&ĐT chung tay giúp đỡ học sinh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”... Vận động đội ngũ nhà giáo có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tốt tự nguyện tham gia giảng dạy củng cố, bổ sung kiến thức, ôn tập, phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy giáo Lò Văn Hải, Trường Tiểu học và THCS Co Tòng, huyện Thuận Châu, tâm sự: 5 năm qua được phân công dạy học ở vùng cao, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, dù khó khăn, nhưng chúng tôi luôn bám trường, bám lớp gắn bó với học sinh. Nhà trường luôn duy trì sĩ số học sinh đạt gần 99%; chất lượng giáo dục cũng được nâng lên qua các năm học.
Tâm thế mới, khí thế mới
Năm học này, từ nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa, tại các huyện, thành phố đã lồng ghép đầu tư trên 400 tỷ đồng xây mới, sửa chữa hàng trăm phòng lớp học, bếp ăn bán trú, nhà ở cho học sinh và các công trình phụ trợ. Các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT được đầu tư và hoàn thành 8 dự án xây dựng tại Trường PTDT Nội trú tỉnh và các trường PTDT nội trú huyện. Năm học này, toàn tỉnh có gần 97,6% số phòng học kiên cố, bán kiên cố; chỉ còn 2,4% số phòng học tạm.
Trao đổi về nhiệm vụ của năm học mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Toàn ngành có 21.520 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó, giáo viên và cán bộ quản lý bậc mầm non có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn là 92,6%; tiểu học đạt 80,2%; THCS đạt 88,6%; THPT và GDTX đạt 100%. Có 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ; 430 thạc sĩ, 16.920 đại học; 4046 cao đẳng; còn lại là trung cấp và trình độ khác. Bám sát chủ đề của năm học 2024-2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, ngành đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới. Tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp, nhất là các lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Bên cạnh đó, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo từ tổ chuyên môn, giáo viên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong thực hiện kế hoạch giáo dục của trường. Chủ động rà soát và phát triển chương trình GDPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với thực tế tại các cơ sở giáo dục. Rà soát, đánh giá việc đổi mới sách giáo khoa GDPT.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 an toàn, nghiêm túc, khách quan. Tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế năm 2025 (nếu có).
Nghiên cứu, đề xuất phương án tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng học sinh đã đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tham gia đội tuyển kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế mà Việt Nam đã cam kết đối với cấp tiểu học, THPT (gồm SEA-PLM, PISA, TALIS) chu kỳ 2024, 2025...
Năm học mới đã bắt đầu, với sự chuẩn bị chu đáo về các điều kiện, cùng sự đoàn kết, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, tin tưởng ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.