Đừng để thư viện vắng bóng bạn đọc
Trong những năm gần đây, lượng sách, báo tại các thư viện huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đã khiến không ít thư viện rơi vào tình trạng vắng bóng bạn đọc.
Thư viện thời 4.0
Thư viện TP Sầm Sơn với hơn 14.000 bản sách, đa dạng các thể loại như văn học, ngôn ngữ, khoa học xã hội, công nghệ, khoa học triết học và tâm lý học, thiếu nhi... Thế nhưng, thời gian gần đây chỉ có khoảng 5 - 10 học sinh đến thư viện mỗi tuần, thậm chí có những tuần vắng bóng bạn đọc. Thư viện viên Nguyễn Thị Thùy Lê cho biết: “Thời điểm đông nhất tập trung vào những tháng hè, khi học sinh được nghỉ học. Trong khi đó, lượng bạn đọc phần lớn chỉ có đối tượng học sinh và các bác hưu trí, tập trung chủ yếu ở các phường Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Cư và Quảng Tiến”.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Thùy Lê, số lượng bản sách tại Thư viện TP Sầm Sơn được cập nhật, bổ sung hằng năm nên rất đa dạng thể loại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc ở các lứa tuổi. Thế nhưng, công nghệ thông tin ngày càng phát triển là nguyên nhân chính khiến cho lượng bạn đọc đến trực tiếp thư viện trở nên hạn chế. Mặt khác, yêu cầu tra cứu tài liệu ngày càng cao, đòi hỏi thời gian tìm kiếm nhanh hơn, mở rộng thêm nhiều ngôn ngữ, trong khi đó hiện tại Thư viện Sầm Sơn chỉ có duy nhất 1 bộ máy vi tính phục vụ công việc chuyên môn. Vì thế, mọi người sẽ lựa chọn sách điện tử, hoặc tìm kiếm thông tin trên internet thay vì cất công đến thư viện, rồi phải làm thẻ, tra cứu sách... Theo đó, tổng số thẻ bạn đọc của Thư viện TP Sầm Sơn hiện nay là 488, song từ đầu năm đến nay thư viện chỉ phục vụ khoảng 200 - 300 lượt bạn đọc.
Thực tế, việc vắng bóng bạn đọc không chỉ diễn ra ở Thư viện TP Sầm Sơn mà là thực trạng chung của hầu hết các thư viện huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Thư viện tỉnh Lê Thiện Dương thẳng thắn nhận định: “Công nghệ ngày càng phát triển, trong khi đó hầu hết thư viện của các địa phương lại chưa được đầu tư hệ thống máy vi tính, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế... Điều này đòi hỏi mỗi thư viện không chỉ cần đổi mới phương thức hoạt động, mà còn cần được đầu tư hơn nữa về công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trở thành một không gian mà người đọc có thể phát huy sáng tạo, dễ dàng tiếp nhận và trao đổi tri thức”.
Gợi mở từ những “điểm sáng”
Có thể nói, trong thời đại công nghệ 4.0, bạn đọc sẽ ưu tiên sách điện tử, các thiết bị tìm kiếm thông minh... Song, đó không phải là con đường dẫn tới sự tụt hậu của hệ thống thư viện truyền thống. Bởi đến nay một số ít địa phương trên địa bàn tỉnh, thư viện vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Cụ thể như ở Thư viện huyện Quảng Xương, từ đầu năm đến nay số lượng bạn đọc tại thư viện đạt tới 1.830 lượt. Thư viện có một lượng bạn đọc thường xuyên là học sinh ở các nhà trường và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân ở các xã, thị trấn.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VH,TT,TT&DL) huyện Quảng Xương, Dương Thị Tường Vân, cho biết: “Để thu hút bạn đọc đến với thư viện, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền với những nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên về tầm quan trọng của sách, tôn vinh các giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Năm nay, Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức xe thư viện lưu động tại Trường Tiểu học thị trấn Tân Phong 2, với chủ đề “Sách quý tặng bạn” đã thu hút đông đảo giáo viên và 980 học sinh tham dự ngày hội đọc sách. Cũng nhân dịp này, Trung tâm VH,TT,TT&DL đã giới thiệu những bản sách mới, sách hay hiện mới được bổ sung hoặc hiện có tại thư viện huyện và tặng 200 thẻ đọc sách cho các em học sinh. Qua đó thu hút sự quan tâm, tò mò của học sinh về các loại sách, báo tại thư viện, đồng thời việc tặng thẻ sẽ giúp các em học sinh tích cực đến thư viện huyện để đọc sách, báo”.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Thư viện huyện Quảng Xương đã bổ sung 222 bản sách thiếu nhi tại thư viện; đồng thời tiếp nhận 178 tên sách, với 257 đầu sách do Thư viện tỉnh luân chuyển. Để thu hút bạn đọc, Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện Quảng Xương sẽ nghiên cứu mở rộng không gian thư viện, tận dụng khuôn viên cây xanh hiện có để xây dựng “thư viện xanh”. Đây không chỉ là nơi học tập, nghiên cứu, giải trí mà còn tạo ra không gian mở, thoáng đãng để mọi người trao đổi, hứng thú hơn khi đến với thư viện.
Thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và xây dựng xã hội học tập. Để thư viện trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút bạn đọc, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư, xây dựng hệ thống thư viện huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trở thành những điểm đến hấp dẫn, lý thú và đầy bổ ích. Trước hết, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của bạn đọc ở mỗi thư viện cơ sở.