Vững tin bước vào năm học mới
Cùng với học sinh các trường học trong cả nước, hơn 370 nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị bước vào năm học 2023-2024 trong không khí vui mừng, phấn khởi. Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh ta tiếp tục kỳ vọng một năm học mới với nhiều thành tích mới, nổi bật.
Dấu ấn năm học 2022-2023
Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 kịp thời, sát tình hình thực tiễn địa phương và đúng lộ trình. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp cải tiến chất lượng, như: Công tác bàn giao và khảo sát chất lượng phù hợp với yêu cầu, chuẩn kiến thức - kỹ năng của cấp học dưới và phương pháp phù hợp với tâm sinh lý của học sinh đối với các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10). Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, chất lượng giáo dục của nhà trường với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên thuộc quyền quản lý.
Ở bậc mầm non, các trường học xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ; 100% số trẻ được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới. Thực hiện tốt các chương trình, đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số”; “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Đối với bậc phổ thông, các trường học đổi mới phương pháp dạy học theo hình thức tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu bài học, thực hiện các chuyên đề dạy học và cách dạy học tích hợp liên môn...
Kết quả chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tăng so với năm học trước. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Sơn La tiếp tục giữ vững và cải thiện tỷ lệ tốt nghiệp THPT (tăng 0,06% so với năm 2022); có 162 điểm 10, đứng thứ 39/63 tỉnh có nhiều điểm 10; 13 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia (tăng 5 giải so với năm 2022). Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS có 905 em đoạt giải; 1.181 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh; 1 dự án đoạt giải triển vọng, 1 dự án đoạt giải ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2. Hệ thống quản lý chất lượng IMS (QMS ISO 9001:2015 và EOMS ISO 21001:2018) của Sở được tổ chức chứng nhận quốc tế French Cert của Vương quốc Anh kiểm định và cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, là đơn vị đầu tiên trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 23 khu vực Châu Á và thứ 50 trên thế giới đạt được 2 chứng chỉ QMS ISO 9001:2015 và EOMS ISO 21001:2018.
Sẵn sàng cho năm học mới
Ngày 28/8, tất cả các trường từ bậc tiểu học đến THPT trong tỉnh đã tổ chức tựu trường năm học 2023-2024. Năm học mới này, từ nguồn vốn của Nhà nước cùng công tác xã hội hóa, toàn tỉnh đã đầu tư trên 200 tỷ đồng xây mới hơn 300 phòng, lớp học. Hiện nay, toàn tỉnh có 96,9% số phòng học kiên cố, bán kiên cố; chỉ còn 3,01% phòng học tạm. Thiết bị tối thiểu tính bình quân cấp mầm non đạt trên 75%, tăng 1,5% so với năm học trước; cấp tiểu học gần 78% (tăng 2,7%); cấp THCS gần 57% (tăng 2,5%); cấp học THPT-GDTX đạt 52,3% (tăng 1,3%); có 365/597 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 61,14%.
Toàn tỉnh có trên 23.500 cán bộ quản lý và giáo viên ở các cấp học, trong đó, 21,9% số giáo viên trên chuẩn; 62% số giáo viên đạt chuẩn. Ngành đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT tham mưu cho địa phương tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý; tiếp tục ưu tiên bố trí giáo viên các lớp đầu cấp và giáo viên dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 4, 8, 11. Tổ chức tập huấn cho hơn 200 giáo viên tiểu học dạy tin học và công nghệ lớp 3 và 1.086 giáo viên THCS dạy học tích hợp liên môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo nấu ăn bán trú tại các trường học được ngành chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trực thuộc chuẩn bị cơ sở vật chất; chọn cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc xây dựng kế hoạch cấp phát gạo; tiếp nhận gạo được hỗ trợ cấp phát cho các trường học theo kế hoạch; thành lập các đoàn kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học.
Bước vào năm học mới, những phòng học cũ ở Trường tiểu học và THCS Chiềng La, huyện Thuận Châu được thay thế bằng dãy nhà 2 tầng đẹp mắt, kiên cố. Thầy giáo Đinh Duy Hoan, Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi: Tháng 6/2023, trường được đầu tư gần 8 tỷ đồng từ nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp học xây mới 2 nhà 2 tầng, gồm 4 phòng học, 12 phòng chức năng, bảo đảm đủ phòng học cho 520 học sinh.
Với chủ đề “Không để học sinh nghèo bị bỏ lại phía sau”, vào năm học mới, các trường học đã huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Nhiều cán bộ ở các sở, ngành, giáo viên, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh khuyết tật bằng các hình thức: Tặng quà, quần áo, sách vở, xe đạp, đồ dùng khác dịp trước, trong và sau khai giảng.
Quyết tâm mới, thắng lợi mới
Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bố trí, phân bổ ngân sách Nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đặc biệt với lớp 4, lớp 8 và lớp 11, đúng quy định, tiến độ, hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm học. Tổ chức dạy học theo hướng phân hóa đối tượng học sinh. Quyết tâm, kiên trì cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục thực chất và bền vững, với các giải pháp, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập, công tác khuyến học, khuyến tài, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng.
Điểm nhấn trong năm học mới này là ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số giáo dục. Theo đó, chỉ đạo các trường đầu tư trang thiết bị hiện đại, phục vụ hoạt động dạy và học. Duy trì 100% các trường THPT sử dụng học bạ điện tử, hồ sơ điện tử; 100% đơn vị trực thuộc Sở sử dụng các phần mềm: Tài chính kế toán; lập dự toán và thống kê báo cáo chấp hành dự toán; quản lý tài sản, thiết bị. Xây dựng và nâng cấp dịch vụ công mức độ 4 đối với 82 thủ tục hành chính và nhiều phần mềm tiện ích khác. Phát triển thêm hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại. Huy động nguồn lực xã hội hóa ủng hộ, tài trợ thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh, giáo viên ở nơi khó khăn...
Với mục tiêu hướng đến học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã sẵn sàng bước vào năm học mới, với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.