Nghĩ về chấn hưng giáo dục

Sáng 12-10-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến dự lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ông nhắc nhở các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiếp tục thực hiện công cuộc tự chủ ĐH thực chất hơn và ở tầm cao mới.

Khát vọng hùng cường

Lời nhắc nhở ấy cũng là chỉ đạo thực hiện khát vọng dân tộc ta "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong mỏi từ ngày khai trường năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Khát vọng của Bác là đại diện khát vọng của cả dân tộc, song để thành hiện thực thì không hề đơn giản.

Chiều 5-11-2023 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và ĐHQG Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục ĐH". Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tự chủ ĐH của chúng ta là việc chuyển đổi hệ thống các trường từ thời bao cấp sang thị trường nên phải thay đổi.

"Đây là câu chuyện đổi mới giáo dục bằng chuyển đổi. Tuy nhiên, những quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ giáo dục ĐH lại chưa có được sự đồng bộ, chia sẻ với hệ thống giáo dục và hệ thống pháp luật khác" - ông Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) trong ngày khai giảng. Ảnh: Hoàng Triều

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) trong ngày khai giảng. Ảnh: Hoàng Triều

Bên cạnh đó còn có nhiều hệ lụy khác từ con người khiến dư luận xã hội không thể không lo lắng. Nhiều người cho rằng đã đến lúc cần chấn hưng giáo dục.

Thời gian qua, mỗi sáng mở các trang báo chính thống, ta thường thấy thông tin không mấy vui về ngành giáo dục nước nhà. "Học làm thầy người, hành làm mô phạm", nghĩa là từ lời nói đến hành động của người thầy đều phải là tấm gương tốt không chỉ cho học sinh noi theo mà còn cho mọi người trong xã hội nhìn vào đó học hỏi. Con người do giáo dục mà tốt, cũng có thể do giáo dục mà hư hỏng.

Khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu chính là đưa dân tộc Việt Nam trở nên giàu mạnh, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần. Đào tạo năng lực tất nhiên phải có, song đức hạnh lại càng quan trọng hơn - "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (Kiều).

Đã học thì phải thi

Tôi có người bạn gắn bó cả đời với nghề dạy học. Khi có sự việc không mấy tốt đẹp với người thầy xảy ra, anh mong dư luận "đừng làm tổn thương nghề giáo".

Không ai không tôn trọng nghề giáo. Nhà giáo còn được xem là nhà mô phạm, tức là người mẫu mực để ai cũng có thể noi theo. Chính họ làm tổn thương họ chứ không ai khác, cụ thể là qua việc dạy và học. Chẳng hạn hiện nay, có những môn không thi nhưng học sinh phải học. Khi học sinh lơ là những môn học này và bị giáo viên khiển trách, phụ huynh đã đến tận trường nặng tiếng với thầy cô.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 7-10-2024, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết bộ đang nghiên cứu các hình thức để chọn môn thứ ba kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Có thể năm nay thi môn xã hội, năm sau môn tự nhiên, năm sau nữa thì môn khác hoặc rút thăm. Dạy học, thi cử mà cũng "rút thăm"?

Bộ GD-ĐT còn cho biết phương án thi lớp 10 sắp tới được xây dựng theo ba nguyên tắc cốt lõi. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là "không gây áp lực, tốn kém; giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội".

Học hành, thi cử mà lại muốn "không gây áp lực", "giảm áp lực" cũng là chuyện lạ. Thực tế cho thấy thiên phú không tốt không liên quan, không có hậu trường không quan hệ, chỉ cần con người ta nỗ lực thì tất cả đều có thể thực hiện. Do đó, áp lực chính là đòn bẩy để khơi dậy tiềm năng. Học sinh đi học nhằm khai phát trí tuệ mà sao phải sợ áp lực, đòi giảm áp lực? Xưa nay, người ta nói "khổ học" chứ chưa ai bảo "sướng học" bao giờ.

Với chuyện "tốn kém", tôi nhớ lúc mình đi học - những năm cuối thập niên 1960, trong kỳ thi tú tài I và II ở miền Nam, môn nào đã học thì phải thi. Riêng 3 môn công dân, sử, địa thì thi trắc nghiệm và đã có không ít người đỗ nhờ môn phụ bù môn chính. Đến năm 1974, toàn bộ môn thi trong kỳ thi tú tài phổ thông gồm toàn những câu trắc nghiệm, chấm điểm bằng máy điện toán IBM, nên dân gian gọi là "tú tài IBM".

Tôi tin thi trắc nghiệm sẽ ít tốn kém hơn thi tự luận. Và, khi môn nào đã học đều phải thi thì với phụ huynh và học sinh, người thầy luôn đáng trọng.

Danh dự mới là điều cao quý nhất

Qua dự án Luật Nhà giáo và tờ trình mới nhất, cơ quan soạn thảo - Bộ GD-ĐT đề xuất miễn học phí với con ruột và con nuôi hợp pháp của giáo viên đang công tác. Theo tính toán, mức chi dự kiến cho chính sách này khoảng 9.200 tỉ đồng mỗi năm.

Đề xuất này đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu tỏ ra không đồng tình.

Trao đổi với báo chí ngày 10-10-2024, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, phân tích lương giáo viên hiện rất cao so với viên chức ngành khác. Ngoài bậc lương cơ bản như viên chức nói chung, giáo viên còn có phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Chỉ tính lương và phụ cấp thì thu nhập của giáo viên không hề thấp, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương.

Nhiều người cho rằng theo đà này, con của y - bác sĩ sẽ được miễn phí khám chữa bệnh, con của cán bộ ngành giao thông vận tải sẽ được miễn phí tàu xe… Thế nhưng, việc này sẽ làm nhà nước đau đầu bởi trong xã hội, theo phân công công việc thì không có ngành nghề nào mà không cao quý.

Lão Tử từng nói "Tri túc giả phú" (biết đủ là người giàu có). Phật cũng đã dạy "Tri túc thường lạc" (biết đủ là vui). Xưa nay, nói đến thầy giáo là nói đến đức hạnh và trí tuệ. Làm thầy mà thiếu đức hạnh, thiếu trí tuệ thì làm sao hướng dẫn người khác? Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất"…

Do đó, giáo dục phải tiếp tục được chấn hưng.

Xưa nay, thầy thuốc và thầy giáo luôn được người đời kính trọng. Trong khi đó, đầu vào ngành y chưa lúc nào thấp hơn ngành sư phạm, lại học đến 6 năm - nhiều hơn 2 năm, vậy mà ra trường chỉ được xếp lương ngang với bậc cử nhân 4 năm.

Theo thông tin trên báo chí, với ca phẫu thuật đặc biệt - như ghép đồng thời tim và gan cho một người ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hôm 1-10-2024, bác sĩ chính, người gây mê chính chỉ được nhận phụ cấp 280.000 đồng; bác sĩ phụ mổ, phụ gây mê hồi sức 200.000 đồng. Với ca phẫu thuật loại 1, bác sĩ chính chỉ nhận phụ cấp 125.000 đồng…

VU GIA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghi-ve-chan-hung-giao-duc-196250122103244733.htm
Zalo