Vùng dân tộc thiểu số có bước phát triển mới

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thời gian qua đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Kết quả thực hiện chương trình đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ gìn phát huy văn hóa truyền thống, cải thiện đời sống của đồng bào DTTS.

Người dân bản Huổi Khon 1 khai thác, sơ chế măng tươi để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Bích Nguyên

Người dân bản Huổi Khon 1 khai thác, sơ chế măng tươi để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Bích Nguyên

Bản làng “thay da đổi thịt”

Trở lại bản Huổi Khon 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên lần này, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là diện mạo của bản đổi thay rõ rệt. Hiện diện ngay đầu bản là trường mầm non được xây dựng vững chắc. Đường trong bản được đổ bê tông, đi lại thuận lợi. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang thay thế các ngôi nhà cũ nát.

Hiện, bản Huổi Khon 1 có 58 hộ dân, đều là người Mông. Được Nhà nước quan tâm đầu tư, đời sống của bà con phát triển hơn nhiều so với trước đây. Ông Giàng A Hồ, người dân trong bản chia sẻ: “Nhà nước đầu tư cho bản rất nhiều công trình như mở đường vào bản, xây dựng trường học, làm đường giao thông trong bản... Dân bản chúng tôi được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, trẻ con được đi học gần nhà. Nhà nước cũng hỗ trợ giống cây trồng như quế, sa nhân và các loại con giống. Nhiều hộ còn được hỗ trợ kinh phí làm nhà”.

Sinh ra và lớn lên ở bản Huổi Khon 1, ông Sùng A Kỷ là người nắm rõ những thăng trầm của quê hương. Ông chia sẻ: “Ngày xưa, đời sống khó khăn, lúc giáp hạt, dân bản thiếu ăn 1-2 tháng. Có những thời điểm an ninh trật tự của bản còn bị xáo trộn bởi những đối tượng xấu tụ tập, lừa phỉnh người dân thành lập nhà nước Mông, đi theo vua Mông. Sau khi các đối tượng xấu bị xử lý theo quy định của pháp luật, tình hình an ninh của thôn bản đã ổn định trở lại. Chúng tôi may mắn được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư. Dân bản được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất”.

Ông Kỷ giãy bày: “Sự giúp đỡ đó sẽ không hiệu quả, nếu bà con không chịu khó, chăm chỉ làm ăn. Vì thế, tôi thường vận động bà con rằng, Nhà nước đã cho mình con giống rồi thì mình phải chịu khó học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc cây trồng để đạt năng suất tốt hơn, từ đó có thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều gia đình ở Huổi Khon 1 còn trồng chít và thu hoạch được 2 tấn/năm. Bà con cũng trồng sa nhân và quế, cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây lúa, cây ngô. Một số hộ đã làm chuồng trại lớn để nuôi lợn và khoanh vùng chăn nuôi trâu cho thu nhập khá cao. Nhờ đó, đời sống của bà con ngày một tốt lên.

Trưởng bản Huổi Khon 1 Vàng A Chơ cho hay: “Chúng tôi được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ như chương trình giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN... Những chương trình đã tạo “đòn bẩy” để người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng”.

Cũng được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, bản Huổi Khon 2 - hàng xóm của bản Huổi Khon 1 như được khoác lên mình bộ áo mới. “Trước đây, hầu hết nhà trong bản đều nhỏ, giao thông chủ yếu là đường đất. Bây giờ, đường đi được đổ bê tông sạch sẽ. Bà con đều làm nhà lớn, có bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh. Nhà nào cũng có bồn chứa nước sinh hoạt. Quan trọng là bà con được hỗ trợ nhiều giống cây mới có giá trị kinh tế cao để làm ăn. Mấy năm nữa, diện tích trồng quế, sa nhân... sẽ cho thu hoạch, đời sống bà con chắc chắn sẽ khá hơn bây giờ nhiều” - anh Thào A Da, Trưởng bản Huổi Khon 2 phấn khởi chia sẻ.

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng

Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho biết, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN đến hết năm 2024, có 6 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Đó là tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đạt bình quân 3,4%, dự kiến cả giai đoạn đạt 3,2% (đạt so với mức trên 3% kế hoạch giao). Thu nhập bình quân của người DTTS đạt bình quân 42,7 triệu đồng, dự kiến cả giai đoạn đạt 46,4 triệu đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020 (mục tiêu đề ra tăng trên 2 lần).

Điểm trường mầm non được xây dựng khang trang tại đầu bản Huổi Khon 1 giúp cho trẻ em đến lớp học thuận lợi hơn. Ảnh: Bích Nguyên

Điểm trường mầm non được xây dựng khang trang tại đầu bản Huổi Khon 1 giúp cho trẻ em đến lớp học thuận lợi hơn. Ảnh: Bích Nguyên

Cùng với đó, nhóm mục tiêu về công tác giáo dục có 5/5 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhóm mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp đạt bình quân 54,3%, dự kiến cả giai đoạn đạt 57,8% (mục tiêu đề ra là trên 50%). Nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc có 2/2 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nhóm mục tiêu tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN đạt 3/4 chỉ tiêu.

Theo đánh giá của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân gần 4%/năm, cao hơn so với tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế địa phương vùng DTTS&MN đã góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên và đời sống không ngừng cải thiện. Những thành tựu này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và đồng bào DTTS, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của đất nước.

Tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả chương trình

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN vẫn còn 3 nhóm mục tiêu chưa đạt. Đó là nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã và thôn đặc biệt khó khăn; nhóm mục tiêu số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; nhóm mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.

Nguyên nhân là một số nội dung thuộc chương trình triển khai chậm do còn gặp khó khăn vướng mắc liên quan đến các quy định, hướng dẫn về cơ chế chính sách, cụ thể: Còn 2 hoạt động là phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng (thuộc Dự án 8) và hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng (thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 9) chưa triển khai được. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy thực hiện chương trình không đảm bảo thống nhất đồng bộ giữa các cấp, các địa phương.

Để thực hiện có hiệu quả dự án, thời gian tới, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đề xuất tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện chương trình đảm bảo kịp thời, đồng bộ. Đồng thời sớm đề xuất nội dung chương trình giai đoạn II: từ năm 2026 đến năm 2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kim Ngân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vung-dan-toc-thieu-so-co-buoc-phat-trien-moi-post488564.html
Zalo