Vùng cao Vĩnh Sơn khoác áo du lịch cộng đồng

Vĩnh Sơn trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng thu hút khách của Bình Định. Ở đây du khách được hòa mình trong không gian xanh của rừng già, của hoa đòa xứ lạnh và đặc biệt là được sống trong không gian văn hóa của người Bana Kriêm.

Bên bếp lửa nhà sàn lắng nghe điệu Pơ răng

Vượt 60km đường đèo theo sông Kôn lên thượng nguồn, chúng tôi đến với Kon Blo (làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Từ xa, ngôi làng, thấp thoáng, ẩn hiện trong sương như một lời mời gọi khách phương xa. Kon Blo dung dị, người Kon Blo mến khách. Với người Bana Kriêm ở đây, sự mến khách được bắt đầu bằng một nhón cơm làm phép.

Lễ hội Cốm lúa mới của người Bana Kriêm ở làng KonBlo, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Lễ hội Cốm lúa mới của người Bana Kriêm ở làng KonBlo, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Ở Vĩnh Sơn, bước vào bất cứ ngôi nhà Bana nào, chủ nhà đều sẽ biệt đãi khách quý bằng một nhón cơm làm phép. Giải thích thêm cho phóng viên (PV) về "biệt đãi" này, một người bạn Vĩnh Sơn nói, đó là cách chủ nhà đón chào khách phương xa như chào đón một người thân quý.

"Với người Bana ở đây, khách quý tới nhà dùng một nhón cơm làm phép là cách chủ nhà báo với thần linh che chở cho khách quý. Đó là tấm chân tình của người chủ nhà dành cho người mà họ yêu quý" Bùi Ngọc Thanh người đứng sau tour du lịch Vĩnh Sơn - Đất và người, chia sẻ.

Du khách check-in trong tour Vĩnh Sơn đất và người . Ảnh: Ngọc Thanh

Du khách check-in trong tour Vĩnh Sơn đất và người . Ảnh: Ngọc Thanh

Đêm làm khách ở Vĩnh Sơn, bên bếp lửa nhà sàn, PV đã nghe điệu đàn Pơ răng của Bok Chương - người được mệnh danh là người dẫn dắt lời ca, điệu múa Bana Kriêm. Tiếng đàn Pơ-răng trong đêm tối lúc lên, lúc xuống, lúc da diết, lúc thúc giục dẫn dắt tôi qua những miền xa thẳm của núi rừng Vĩnh Sơn.

NSND Đinh Chương (hay còn gọi là Bok Chương) là người nắm giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm ở Vĩnh Sơn trong ngày lễ hội Cốm lúa mới của làng. Ảnh: Thu Dịu

NSND Đinh Chương (hay còn gọi là Bok Chương) là người nắm giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm ở Vĩnh Sơn trong ngày lễ hội Cốm lúa mới của làng. Ảnh: Thu Dịu

NSND Bok Chương tên thật là thật Đinh Vế (ngoài 80 tuổi). Ông không chỉ giỏi múa, hát, kể hơ mon mà còn là bậc thầy về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ của người Bana từ đàn T'rưng, đàn B lơng khơng, đàn gòng, đàn Hơ đong, Đing Dút tới sáo Tà lía, sáo Ola…

Với Bok Chương, nhạc cụ nào cũng là đắm say, là máu thịt của người Bana Kriêm. Nhưng quan trọng bậc nhất trong đời sống, trong tâm thức của họ thì đó là cồng chiêng. Bok Chương không chỉ say mê sưu tầm, chế tác nhạc cụ, mà hơn hết là chỉ dạy cho các thế hệ trẻ ở Kon Blo nhịp cồng chiêng. Mong mỏi của ông là cồng chiêng ngân vang khắp Kon Blo mãi về sau.

Vĩnh Sơn trong ngày hội hoa đào lần đầu được tổ chức vào ngày 8-9/2/2025. Ảnh: Thu Dịu

Vĩnh Sơn trong ngày hội hoa đào lần đầu được tổ chức vào ngày 8-9/2/2025. Ảnh: Thu Dịu

"Xứ sở hoa đào" bắc nhịp cầu hữu nghị

Trao đổi với PV, ông Tô Hiếu Trung – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), cho hay: "Cùng với văn hóa đặc sắc của người Bana Kriêm, Vĩnh Sơn còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một vùng khí hậu ôn đới, thắng cảnh hùng vĩ như Thành Tà Kơn, thác Hang Dơi, Thác Sơn Lang, vườn cam Nguyễn Huệ; một số loài ha đẹp của xứ lạnh như cẩm tú cầu, mai anh đào, hoa đào… đây là nguồn tài nguyên quý giá, là những giá trị cốt lõi thu hút khách du lịch. Bên cạnh các điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, văn hóa ẩm thực cũng mang nét đặc trưng riêng".

Hoa đào tô thắm sắc xuân cho Vĩnh Sơn, trở thành một nét riêng thu hút du khách về vùng đất này. Ảnh: Thu Dịu

Hoa đào tô thắm sắc xuân cho Vĩnh Sơn, trở thành một nét riêng thu hút du khách về vùng đất này. Ảnh: Thu Dịu

Theo ông Trung, đặc biệt hơn, những năm gần đây, Vĩnh Sơn trở thành điểm du lịch hút khách khi có thêm hoa anh đào Nhật Bản. Năm 2019, từ mối duyên lành với ông Kato Hirosu ke, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật – Việt, Bình Định đã nhập 200 cây anh đào từ Nhật Bản để trồng thí điểm ở Vĩnh Sơn. Thí điểm thành công, Vĩnh Sơn trở thành "thủ phủ" hoa miền ôn đới khi được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đề án trồng hoa anh đào, mai anh đào, phượng tím tại vùng đất này.

Vĩnh Sơn đang trở thành "thủ phủ" hoa xứ lạnh của Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Vĩnh Sơn đang trở thành "thủ phủ" hoa xứ lạnh của Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Từ nhịp cầu hữu nghị Nhật –Việt, tỉnh đã được Hội Hữu nghị Nhật – Việt tại Tp.Sakai tặng 10.000 cây giống hoa anh đào trồng ở Vĩnh Sơn. Bắt đầu tư năm 2023, Bình Định tiếp nhận 500 cây giống để thuần dưỡng tại vườn ươm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh).

Hoa anh đào Nhật Bản cho hoa bói ở Vĩnh Sơn. Ảnh: Thu Dịu

Hoa anh đào Nhật Bản cho hoa bói ở Vĩnh Sơn. Ảnh: Thu Dịu

Ông Trung thông tin thêm, cùng với hoa anh đào Nhật Bản, ở Vĩnh Sơn có 1.200 cây mai anh đào, 200 cây hoa đào, phượng tím, cẩm tú cầu cùng với các loại rau ôn đới… tạo thành một vùng hoa mùa xuân khoe sắc.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cho hay, hoa anh đào Nhật Bản ở Vĩnh Sơn bắt đầu cho hoa bói. Nhờ sức hút của hoa anh đào Nhật, du khách tìm về Vĩnh Sơn ngày càng đông. Năm nay, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức ngày hội hoa đào sau Tết trúng dịp các loài hoa đang rộ, người dân và du khách tìm về Vĩnh Sơn rất đông.

Vùng rau ôn đới của người dân ở địa phương. Ảnh: Thu Dịu

Vùng rau ôn đới của người dân ở địa phương. Ảnh: Thu Dịu

"Vĩnh Sơn hiện có đường hoa đào, 5 homestay, nhà vườn trồng rau… phục vụ du khách về trải nghiệm. Du khách tìm về Vĩnh Sơn trong ngày hội hoa đào cho thấy tiềm năng du lịch và sức hút đối với du khách của vùng đất này", ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, chia sẻ.

Sắc hoa tô thắm xã vùng cao Vĩnh Sơn trong những ngày đầu xuân. Ảnh: Thu Dịu

Sắc hoa tô thắm xã vùng cao Vĩnh Sơn trong những ngày đầu xuân. Ảnh: Thu Dịu

Đắm mình trong sắc hoa của những ngày đầu xuân, anh Thanh Hải (Tp.Quy Nhơn, Bình Định) bày tỏ: "Không phải mai anh đào Đà Lạt, Mộc Châu mà ở ngay Bình Định có một vùng hoa đẹp không thua kém nơi nào. Thực sự là một chuyến đi hấp dẫn và nhiều trải nghiệm thú vị".

"Vĩnh Sơn nằm trong tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh Bình Định, là điểm kết nối giữa các điểm du lịch nổi tiếng như hồ Núi Một, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và các tỉnh Tây Nguyên.

Một góc xã Vĩnh Sơn nhìn từ trên cao - nơi được quy hoạch làm khu du lịch sinh thái. Ảnh: Xuân Dũng

Với hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, thác nước tự nhiên, không khí trong lành, Vĩnh Sơn là một điểm đến lý tưởng cho du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Huyện đã mời gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch xã Vĩnh Sơn để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương", ông Tô Hiếu Trung – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh.

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vung-cao-vinh-son-khoac-ao-du-lich-cong-dong-204250211130652948.htm
Zalo