Vùng ảnh hưởng của bão số 8 rất rộng, không để 'giọt nước tràn ly'
Dự báo vùng trọng tâm ảnh hưởng của bão số 8 là các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, thời gian ảnh hưởng trực tiếp khoảng đêm 24 và ngày 25/10.
Sáng nay (21/10), Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ các tỉnh miền Trung.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sáng nay bão số 8 đã đi vào Biển Đông. Lúc 8h, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 860km về phía Đông, sức gió hiện tại cấp 8-9, giật cấp 11.
Theo dự báo của các trung tâm quốc tế, bão số 8 có hướng di chuyển và cường độ tương đối rộng, nhận định sau 3 ngày tới vùng ảnh hưởng từ Đông Bắc Bộ xuống đến Nam Trung Bộ. Cường độ mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14 rơi vào thời điểm đến gần quần đảo Hoàng Sa. Cường độ ảnh hưởng đến đất liền dự kiến khoảng cấp 8-9.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, nhiệt độ nước biển là yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến khả năng phát triển, hướng di chuyển và cường độ cơn bão.
Theo Trung tâm, trong ngày và đêm nay, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 5-7m.
Ở khu vực vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2-4m.
Trung tâm nhận định, bão mạnh nhất khi đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 11-12, giật cấp 14. Dự báo bão hướng về khu vực đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ - Trung Trung Bộ, thời gian ảnh hưởng trực tiếp khoảng đêm 24 và ngày 25/10.
Khi vào trong kinh tuyến 111E bão có xu hướng suy yếu.
Dự báo bão số 8 gây mưa ở đồng bằng, các tỉnh Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế, lượng mưa 24-25/10 từ 200-300mm. Ảnh hưởng về gió và mưa có thể không quá lớn. Những khu vực chịu ảnh hưởng của bão vừa chịu thiên tai vừa rồi thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Hiện nay, lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đang xuống. Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Ngàn Sâu xuống mức 8m, trên BĐ1 0,5m; các sông ở Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế tiếp tục xuống.
Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Tập trung cứu trợ người dân là nhiệm vụ số 1
Trước diễn biến của bão số 8, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị thông báo tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Ông cho hay, cần rút kinh nghiệm 2 đợt vừa qua có 8 tàu vãng lai bị tai nạn.
Bộ trưởng lưu ý, tất cả hoạt động kinh tế biển phải đảm bảo an toàn, không để giọt nước tràn ly, nếu có rủi ro nữa thì nguy cơ rất phức tạp.
Về hướng toàn bộ hoạt động sườn Tây khu vực miền Trung hiện nước bão hòa, bất kỳ tổn thương nào nhỏ cũng gây nguy cơ sạt lở lớn. Ông đề nghị cần hết sức chú ý mọi công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn.
Theo ông Cường, hơn 2.000 hồ ở miền Trung cơ bản đầy ắp nước, do đó 2 nhánh thủy điện và thủy lợi tất cả phải đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất, nhất là hồ Kẻ Gỗ và Tả Trạch. Ông đề nghị Tổng cục Thủy lợi và địa phương cử quân giám sát.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đợt mưa lũ vừa qua là thiệt hại lớn nhất trong nhiệm kỳ này. Dù các cơ quan T.Ư và địa phương chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn nặng nề.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay nhiều hộ dân còn khó khăn về lương thực, thực phẩm, tình hình còn rất nghiêm trọng.
Ông nhấn mạnh, nhiệm vụ số 1 hiện nay là tập trung cứu trợ người dân, đặc biệt 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, cứu trợ lương thực thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết, làm sao bà con có chất đốt nấu nướng được.
Hiện nay, việc cứu trợ còn nhiều chỗ khó hơn chưa vào, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xem người dân thiếu gì thì hỗ trợ. Ông đề nghị Bộ NN&PTNT trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 5 tấn xúc xích hoặc nhiều hơn. Hàng cứu trợ phải tập trung do chính quyền địa phương cùng MTTQ, các đoàn thể tiếp nhận, từ đó phân phối, vì trong xã, thôn họ mới nắm được bao nhiêu hộ dân, nếu không rất hình thức, “quay phim chụp ảnh xong là xong”.
Về việc ứng phó với cơn bão số 8, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị có liên quan như Bộ đội Biên phòng, giao thông, các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đảm bảo an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và bà con trên biển.
Trên đất liền, tất cả các địa phương phải xây dựng các phương án ứng phó với cơn bão số 8, trước hết theo diễn biến tình hình cơn bão có phương án sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, nơi nước sâu và nước chảy xiết...
Ngoài ra, tăng cường quản lý, kiểm tra an toàn hồ đập. Ông dẫn chứng nếu hồ Kẻ Gỗ vỡ thì dẫn đến ngập hết TP Hà Tĩnh, sẽ là thảm họa.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, tính đến 6h sáng nay, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 phương tiện/263.044 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tính đến 19h ngày 20/10, còn 124.569 hộ dân tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn ngập. Tại Quảng Trị cơ bản nước đã rút khỏi nhà dân, chỉ còn một số tuyến đường ở các vùng thấp trũng, gần sông còn ngập nhẹ.
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã sơ tán tổng số 59.296 hộ/206.755 người.
Quốc lộ 1 cũ qua tỉnh Quảng Bình còn 1 đoạn bị sâu 60cm; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 1 điểm bị ngập sâu 1m; Quốc lộ 49 còn 6 điểm bị sạt lở gây ách tắc. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu gian Phú Hòa - Mỹ Trạch, tỉnh Quảng Bình còn phải phong tỏa do ngập sâu.
Từ ngày 6/10 đến 20/10, mưa lũ tại miền Trung khiến 111 người chết, 22 người mất tích.