'Vui gì hơn làm người lính đi đầu'

Khi ủng hộ, động viên nhiều con cùng lúc nhập ngũ, rèn luyện trong môi trường Quân đội, có lẽ các bậc cha mẹ đã biết 'chọn mặt gửi vàng' vào nơi có thể góp phần kiến tạo nhân cách tốt đẹp cho những đứa con yêu quý của mình! Bởi tổ chức Quân đội nói chung, nhân cách người lính Cụ Hồ nói riêng là sự hội tụ, kết tinh những giá trị truyền thống nhân văn của dân tộc và những phẩm chất chuẩn mực của nhân cách con người Việt Nam thời đại mới.

1. Nhiều năm qua, mỗi mùa giao, nhận quân vào dịp đầu năm mới đều có những câu chuyện thú vị và để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng. Ngày hội giao, nhận quân năm 2025 vừa diễn ra trung tuần tháng 2 cũng có nhiều câu chuyện như vậy.

“3 anh em sinh 3 ở Cần Thơ cùng lên đường nhập ngũ”, “Đồng Nai có 6 cặp song sinh và 1 gia đình có 2 anh em tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”, “Một ngày trước khi nhập ngũ của cặp song sinh vừa tròn 18 tuổi ở Đà Nẵng”, “Hai cặp thanh niên song sinh ở Hải Dương lên đường nhập ngũ”, “Hai anh em song sinh ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cùng xung phong nhập ngũ”, “Cặp song sinh ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ viết đơn tình nguyện nhập ngũ”, v.v.. Đó những dòng tít nổi bật xuất hiện ở vị trí bắt mắt trên trang điện tử của nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Những cặp sinh đôi, sinh ba trong một gia đình tự nguyện viết đơn, tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ năm 2025 không chỉ là dấu hiệu đáng mừng về công tác tuyển quân ngày càng có sức hút đối với nhiều thanh niên, mà thêm một lần khẳng định, môi trường Quân đội luôn có sức hấp dẫn đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Đáng mừng hơn, những năm gần đây, tỷ lệ thanh nhiên nhập ngũ là đảng viên và có trình độ cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước, chứng tỏ nguồn nhân lực nhập ngũ ngày càng chất lượng, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đây cũng là một trong những cơ sở góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tinh, gọn, mạnh, chính quy, hiện đại.

2. Sở dĩ đa số thanh niên hiện nay đặt niềm tin vào sự giáo dục, rèn luyện của môi trường Quân đội bởi trong tâm thức họ vẫn vẹn nguyên một tình cảm, tấm lòng tri ân các thế hệ cha anh từng chiến đấu, hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta thế kỷ 20, trên khắp dải đất Việt Nam từ Bắc chí Nam, hầu như không có một dòng họ, một cộng đồng, một làng quê, một phố phường nào lại không từng bịn rịn chia tay con em mình lên đường nhập ngũ. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, người Việt ta đều thấm nhuần, khắc cốt ghi tâm truyền thống: “Tuốt gươm không chịu sống quỳ/ Tuổi xanh chẳng tiếc, sá chi bạc đầu/ Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Bốn câu thơ ấy trong bài thơ “Tiếng hát sang xuân” của nhà thơ Tố Hữu viết từ tháng 1-1965, cách đây vừa tròn 60 năm.

Từ đó đến nay, câu thơ “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” đã ăn sâu vào ký ức của bao thế hệ thanh niên trong ngày hội tòng quân và trở thành niềm tin, động lực tinh thần mạnh mẽ thôi thúc những người con ưu tú của đất nước không ngại gian khổ, hy sinh, tự nguyện cống hiến tuổi xuân của mình vì độc lập, tự do và sự trường tồn của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

 Thanh niên quận Ba Đình (Hà Nội) phấn khởi lên đường nhập ngũ năm 2025. Ảnh: PHẠM HƯNG

Thanh niên quận Ba Đình (Hà Nội) phấn khởi lên đường nhập ngũ năm 2025. Ảnh: PHẠM HƯNG

3. Trong mã gene của người Việt Nam, hầu như ai cũng có ít nhiều phẩm chất trung kiên, can trường, chịu thương chịu khó của người lính. Bởi trên hành trình hai thiên niên kỷ (tính từ dấu mốc cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 đến nay), dân tộc Việt có tới hai phần ba thời gian phải dồn sức người, sức của của toàn dân để chống lại các thế lực ngoại bang xâm lược, đánh tan ý chí thống trị, nô dịch của chúng và giành lại chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiến tranh là sự thử thách khốc liệt nhất về sự sinh tử của con người. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta cũng đã khép lại cách đây nửa thế kỷ. Người Việt đang sống trong hòa bình nhưng nguy cơ chiến tranh thời nay ở nhiều khu vực, nhiều địa bàn trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Lịch sử nhân loại cho thấy, thời nào vẫn còn sản xuất súng ống, đạn dược thì mùi thuốc nổ khét lẹt vẫn ám ảnh đối với hòa bình nhân loại. Đúng như lời ca của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...” ngân dài, thấm vào đời sống tinh thần, ký ức của người Việt.

4. Tri ân là một thuộc tính, một giá trị làm nên phẩm chất đạo đức của dân tộc Việt, của người Việt và đó còn là lẽ sống của mỗi người lính Cụ Hồ. Sở dĩ bao năm qua, người lính luôn là một trong những đề tài có sức hút đối với thơ ca nhạc họa và là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều văn nghệ sĩ, bởi nói đến người lính là nói đến sự hy sinh, cống hiến.

“Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!” (Chào xuân 67).

Không ngẫu nhiên nhà thơ cách mạng tài hoa Tố Hữu lại dùng những từ “hạt giống”, “điểm tựa”, “đi đầu”, “ngọn lửa” gắn liền với hình tượng người lính. Hạt giống liên tưởng đến mùa màng tốt tươi. Điểm tựa khiến người ta nghĩ đến sự vững vàng, chắc chắn. Đi đầu là hành động dấn thân, xông pha, chấp nhận gian khó, hiểm nguy về mình để tìm lối, mở đường hướng về đích. Còn “ngọn lửa” mang ý nghĩa, biểu tượng gì?

“Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa” là sự khái quát hóa hình tượng nhân vật Danko trong câu chuyện “Trái tim Danko” của đại văn hào Nga Maksim Gorky (1868-1936). Là một chàng trai dũng cảm, giàu lòng yêu thương, Danko dẫn bộ lạc của mình vào rừng sâu để tìm con đường sống, nhưng không may trên đường đi đã bị lạc và họ trách cứ, kết tội anh. Để chứng minh lòng trung thành và cứu bộ lạc thoát khỏi cơn nguy, Danko tự nguyện xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra để soi sáng cho mọi người. Nhờ hành động quyết đoán, dũng cảm và sự quên mình của Danko mà bộ lạc đã đến được vùng đất mới.

Lòng trung thành, sự can đảm, tinh thần tự nguyện hy sinh để cứu giúp đồng loại của chàng trai Danko thông qua hành động “biến trái tim thành ngọn lửa soi đường” đã trở thành một hình tượng trong sáng, trượng nghĩa, cao cả vì cộng đồng. Có lẽ xuất phát từ biểu tượng này, trong bài thơ “Núi đôi” sáng tác năm 1956, nhà thơ Vũ Cao cũng có hai câu thơ: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường...” với hàm ý ngợi ca tinh thần, ý chí, vẻ đẹp cuốn hút từ hình tượng dẫn lối xông pha của người lính.

5. Trở lại câu chuyện năm nay có nhiều cặp sinh đôi, sinh ba, anh em ruột thịt trong một gia đình cùng viết đơn tình nguyện, cùng xung phong lên đường nhập ngũ một ngày.

Thời nay phần lớn các gia đình đều ở diện mô hình ít con (có 1, 2 hoặc 3 con). Con cái là tài sản quý báu nhất, là niềm vui, nguồn sống, hạnh phúc của cha mẹ. Ai sinh con ra và trong suốt hành trình nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện cũng luôn mong mỏi con lớn khôn từng ngày và hy vọng cuộc đời của con diễn ra thuận lợi, hanh thông, mọi điều tốt lành. Nhưng giữa hy vọng và hiện thực luôn có một khoảng cách. Nhất là vào thời điểm bước ngoặt của những đứa con như ở ngưỡng cửa tuổi mười tám đôi mươi.

Đối với các bậc cha mẹ có con sinh ba, sinh đôi và có hai con trai cùng nhập ngũ, có lẽ họ phải đắn đo, suy nghĩ thật thấu đáo mới đồng ý cho các con bước vào môi trường quân ngũ. Bởi với họ, Quân đội là môi trường có thể giáo dục, tôi luyện cho các con mình sở hữu những phẩm chất, giá trị tích cực và mang lại lợi ích cho sự phát triển nhân cách hiện tại và mai sau. Đó là một lý do chắc chắn.

Là một lực lượng chính trị đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân, QĐND Việt Nam được ví như một hình ảnh “xã hội thu nhỏ” với nhiều hoạt động đa dạng, hình thức phong phú và nội dung sinh động. Cho dù yêu cầu về điều lệnh, điều lệ, kỷ luật có lúc hơi khô khan, nhưng nó lại được “mềm hóa” bởi sự giáo dục, tuyên truyền, vận động, thuyết phục thông qua những phương pháp, cách thức thể hiện hấp dẫn cùng với những cử chỉ, hành động chuẩn mực, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội. Những phẩm chất của con người như lòng trung thành, cương nghị, kiên trì, dũng cảm, cộng đồng trách nhiệm; những đức tính chăm chỉ, cần mẫn, cầu thị trong học tập; tác phong chững chạc, điềm đạm trong công tác và phong cách ứng xử linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn không phải ở môi trường nào cũng tạo dựng, vun đắp được như trong môi trường Quân đội. Những giá trị ấy đã được thực tế thử thách, tôi luyện, kiểm nghiệm là đúng đắn và được cộng đồng, xã hội thừa nhận.

Khi ủng hộ, động viên nhiều con cùng lúc nhập ngũ, rèn luyện trong môi trường Quân đội, có lẽ các bậc cha mẹ đã biết “chọn mặt gửi vàng” vào nơi có thể góp phần kiến tạo nhân cách tốt đẹp cho những đứa con yêu quý của mình! Bởi tổ chức Quân đội nói chung, nhân cách người lính Cụ Hồ nói riêng là sự hội tụ, kết tinh những giá trị truyền thống nhân văn của dân tộc và những phẩm chất chuẩn mực của nhân cách con người Việt Nam thời đại mới.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vui-gi-hon-lam-nguoi-linh-di-dau-816370
Zalo