Cơ hội để Việt Nam quảng bá tại LHP hoạt hình lâu đời nhất thế giới
Đại diện Đại sứ quán Pháp cho biết Việt Nam sẽ được chào đón nồng nhiệt, đồng thời được hỗ trợ kinh phí khi đến với Liên hoan phim Annecy - liên hoan phim đầu tiên trên thế giới dành cho hoạt hình.

Chiều ngày 21/2, Đại sứ quán Pháp đã phối hợp Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) và nhiều công ty làm phim hoạt hình lớn của Việt Nam, tổ chức sự kiện “Gặp gỡ báo chí: Kế hoạch phát triển điện ảnh hoạt hình Việt-Pháp” tại Hà Nội.
Sự kiện mở ra điều kiện cho Việt Nam đưa điện ảnh tới bạn bè quốc tế, đặc biệt là thông qua Liên hoan Phim Annecy tại Pháp. Ra đời năm 1960, đây là liên hoan phim hoạt hình quốc tế đầu tiên, đến nay được xem là một trong những sự kiện điện ảnh uy tín nhất thế giới ở thể loại này.
Quảng bá phim "made in Vietnam" tại liên hoan phim uy tín
Chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ báo chí, bà Sophie Maysonnave (Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa cũng như về hoạt hình và kỹ xảo. Thông qua mục tiêu hợp tác phát triển văn hóa, phía Pháp sẽ có ưu đãi cho Việt Nam khi đến với Liên hoan Annecy.
“Hoạt hình Việt Nam có triển vọng trong việc đóng góp cho nền kinh tế đất nước,” người đại diện sứ quán Pháp nhận định. “Sự xuất hiện của quầy giới thiệu hoạt hình và kỹ xảo Việt Nam tại Liên hoan phim Annecy sẽ là cơ hội để giới thiệu không chỉ về trình độ chuyên môn, mà còn cả kinh tế, chính sách hỗ trợ phát triển. Để hiện thực hóa cho việc này, Đại sứ quán Pháp sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho quầy Việt Nam tại đây, hi vọng các studio sẽ tích cực tham gia để cho thấy Việt Nam không hề kém cạnh các nước khác trên thế giới.”

Những sự kiện chiếu và quảng bá phim tại Liên hoan Annecy sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam chào hàng, quảng cáo không chỉ về sản phẩm mà còn về tay nghề của nhân lực trong nước. (Ảnh minh họa: Liên hoan phim Annecy)
Cũng tại sự kiện, bà Sophia Maysonnave cho biết đã kết nối để Trường nghệ thuật Gobelins tại Paris để tổ chức 4 khóa học ngắn hạn về phim hoạt hình cho các tài năng trẻ Việt Nam.
“Liên hoan phim Annecy là giấc mơ của chúng tôi,” Nghệ sỹ Nhân dân Minh Trí nói thay những đồng nghiệp cùng thời, thế hệ thứ 2 tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng như nền hoạt hình trong nước. “Cách đây hơn 20 năm tôi chỉ được ngóng liên hoan phim từ xa. Thế hệ chúng tôi coi Annecy như một tiếng vọng và là một lời khích lệ từ rất xa bởi khi đó, liên hệ ra ngoài khối xã hội chủ nghĩa còn chưa dễ dàng. Vì vậy tôi hy vọng nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước để hoạt hình Việt Nam phát triển,” ông cho biết.
Phim hoạt hình vừa tốn, vừa khó, sao vẫn làm?
Sự kiện cũng là dịp để nhiều công ty hoạt hình công bố các tác phẩm phim dài của mình, dự kiến đưa ra rạp trong năm 2025. Một số có thể kể đến phim "Zombie mắt lác" của hãng Colory Animation Studio, phim stop-motion "Chiến binh gốm - Blank blank" và "Wolfoo và cuộc đua Tam giới" của Sconnect Studio, "Truyền thuyết Kim Ngưu" của Alpha Animation Studio.
Đạo diễn-Nghệ sỹ Ưu tú Trịnh Lâm Tùng của phim "Truyền thuyết Kim Ngưu" cho biết thời gian làm một phim hoạt hình trung bình có thể kéo dài từ 4 đến 5 năm, với rất nhiều sức người và sức của.
"Con số và sức lực để bỏ ra cho phim hoạt hình rất lớn. Trong khi làm một phim người đóng có thể chỉ mất năm rưỡi, 2 năm hoặc tính theo tháng. Nhưng hoạt hình có thể làm những gì mà thể loại khác không làm được, bởi tính biểu đạt của nó rất cao. Trí tưởng tượng của loài người phát triển tới đâu thì hoạt hình có thể mô phỏng gần như 100% tới đó. Đó là sức mạnh của hoạt hình," ông Tùng nhận xét.

Hình ảnh quảng bá của phim "Truyền thuyết Kim Ngưu." (Ảnh: Alpha Studio)
Ngoài ra hoạt hình nếu làm tốt và được khán giả yêu mến có thể mang lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ, theo ông Tùng, thông qua các sản phẩm ăn theo từ nhân vật và thế giới trong bộ phim đó.
Nhiều năm nay, nhân lực hoạt hình tại Việt Nam đã được nâng tầm về tay nghề, tuy nhiên vẫn thường xuyên được biết đến là "công xưởng," chuyên gia công cho các dự án lớn của thế giới. Vì vậy sự ra đời của Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình Việt Nam (VAVA) được hứa hẹn sẽ khắc phục thực trạng này.
Tại sự kiện, người đại cho biết VAVA đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái giữa các studio hoạt hình tại Việt Nam để thực hiện nhiều dự án chung từ các ý tưởng gốc (IP) trong nước. Ngoài ra, VAVA cũng hướng tới nuôi dưỡng các tài năng trẻ và hỗ trợ về hợp tác quốc tế, quảng bá Việt Nam như một trung tâm sáng tạo quốc tế trong lĩnh vực kỹ xảo./.