'Vua thuế quan' Mỹ - thần tượng của ông Trump và bài học đắt giá
Từ lâu, Tổng thống Trump vẫn ngưỡng mộ cựu Tổng thống William McKinley - vị lãnh đạo từng 'chơi lớn' với chính sách thuế - như một hình mẫu. Điều này càng thể hiện rõ khi Mỹ tung đòn thuế đối ứng gần đây.

Ông Trump (trái) và cựu Tổng thống Mỹ William McKinley. Ảnh: Getty/Mandel Ngan/National Archive/Newsmakers
Khi Tổng thống Trump gây chấn động bằng việc áp thuế đối ứng lên hàng nhập khẩu ở hầu khắp thế giới, nước Mỹ lại đứng trước 2 ngã rẽ quen thuộc: Bảo hộ hay tự do mậu dịch? Loạt bài này sẽ nhìn lại lịch sử 3 vị tổng thống được cho là quyết liệt nhất của Washington – những người dám "đánh thuế cả thế giới" – để thấy: Đằng sau những con số khô khan có thể là những bi kịch chính trị, xung đột khốc liệt, và bài học đắt giá cho hôm nay.
“Nhà lãnh đạo xuất chúng nhờ áp thuế”
Theo The New Yorker, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã coi cựu Tổng thống William McKinley là thần tượng. CNN đưa tin, ông Trump thậm chí còn gọi ông McKinley là "vua thuế quan".
Ở nhiệm kỳ đầu, ông Trump treo chân dung ông McKinley trong Phòng Bầu dục.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump liên tục ca ngợi ông McKinley là "nhà lãnh đạo xuất chúng nhờ thuế quan", thậm chí tuyên bố: “Xét trong bối cảnh thời điểm đó, nước Mỹ có lẽ đang ở giai đoạn thịnh vượng nhất trong lịch sử”.
Sau khi nhậm chức năm 2025, ông Trump gọi cựu Tổng thống McKinley là "kiến trúc sư vĩ đại của nước Mỹ giàu có".
Thậm chí, Tổng thống Mỹ đã đổi tên ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ - Denali - thành "núi McKinley" - hành động được xem như lời tri ân thần tượng.
Vậy McKinley thực chất là ai mà khiến ông Trump ngưỡng mộ?

Núi Denali được ông Trump đổi tên thành núi McKinley. Ảnh: National Geographic
Theo trang The Repository, ông McKinley xuất thân từ gia đình chủ xưởng gang thép ở bang Ohio (Mỹ), lớn lên giữa những công nhân thất nghiệp vì hàng châu Âu giá rẻ.
Vì vậy, ông McKinley dành cả sự nghiệp chính trị để đấu tranh ủng hộ áp thuế cao cũng là thứ “vũ khí” mà ông Trump coi là bảo bối trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay EU.
Karl Rove, chiến lược gia đảng Cộng hòa, viết trong cuốn "The Triumph of William McKinley"(tạm dịch: Vinh quang của William McKinley), xuất bản năm 2015: "Ông ấy coi thuế quan như lá chắn thiêng liêng - 'nói về thuế, nghĩ về thuế, mơ về thuế' để cứu nước Mỹ".
Thuế quan McKinley: Khi giấc mơ hóa ác mộng
"Bom tấn" thuế 52%
Năm 1890, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, ông McKinley - thành viên đảng Cộng hòa - thúc đẩy thông qua đạo luật thuế nhập khẩu mang tên ông (đạo luật thuế McKinley), đưa mức thuế trung bình lên gần 50% - mức cao nhất thời bấy giờ, theo The New Yorker.
"Ông ấy tuyên bố trên sàn Quốc hội: 'Đạo luật này là vì người Mỹ và lợi ích Mỹ'. Các phát ngôn về chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền ông Trump cũng có nội dung tương tự", tờ The New Yorker mô tả.
Đến năm 1897, khi đã là Tổng thống Mỹ, ông McKinley ký Đạo luật Dingley, nâng thuế một số mặt hàng lên mức 52%. Theo The Repository, chính sách này nhằm "bảo vệ ngành thép, dệt may non trẻ" của Mỹ.

Sự xa hoa và giàu có của giới lãnh đạo công nghiệp ở Mỹ những năm 1890 khi chính quyền áp thuế bảo hộ. Ảnh: Getty
Để đạo luật được thông qua, ông McKinley phải chấp nhận thỏa hiệp với đảng Dân chủ bằng cách giảm thuế nguyên liệu thô (như đường, bông). The New Yorker tiết lộ: "Ông McKinley từng thừa nhận trong thư riêng: 'Tôi ghét phải nhượng bộ, nhưng chính trị là nghệ thuật của sự khả thi'".
Kết quả ban đầu khi thực thi đạo luật Dingley khá tích cực: Sản lượng thép tăng 150% trong giai đoạn 1897–1901.
Nông dân lãnh hậu quả, kinh tế suy thoái
“Nhiều người, bao gồm cả Tổng thống Trump, cho rằng nền kinh tế sản xuất phát triển là do thuế quan McKinley, nhưng thực tế, những năm 1890 không phải là thập kỷ tốt cho nền kinh tế Mỹ. Chúng ta có cuộc suy thoái lớn vào năm 1893. Nước Mỹ đã có 4-5 năm với tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số", đài WVXU (Mỹ) dẫn lời giáo sư kinh tế Douglas A. Irwin (Đại học Dartmouth, Mỹ) cảnh báo vào tháng 2/2025.
Nguyên nhân do đâu? Theo The New Yorker, có hàng loạt yếu tố, và thuế cao khiến giá tiêu dùng tăng vọt là một trong số đó. "Cử tri phẫn nộ khi phải trả 50 xu cho món đồ 25 xu. Họ đổ lỗi cho thuế McKinley", tờ báo Mỹ viện dẫn.
Theo The Repository, chính sách áp thuế của chính quyền McKinley (Đạo luật Dingley) không chỉ làm “đắt đỏ” hàng hóa nhập khẩu mà còn khiến lạm phát và giá cả nội địa tăng vọt, từ đó góp phần tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Đạo luật Dingley của Mỹ còn gây căng thẳng với các đối tác thương mại lớn của nước này, đặc biệt là châu Âu.
Sau khi Mỹ áp thuế, Anh và Đức trả đũa bằng cách áp thuế với nông sản Mỹ. Kết cục, xuất khẩu ngũ cốc Mỹ giảm 30% - trở thành thảm họa với nông dân nước này.

Người dân Mỹ chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan dưới thời ông McKinley. Ảnh: Getty
Hậu quả của chính sách thuế bảo hộ do ông McKinley thúc đẩy (khi còn là nghị sĩ) không chỉ khiến kinh tế suy thoái mà còn gây chấn động chính trường.
Đạo luật thuế McKinley năm 1890 dẫn đến làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, khiến đảng Cộng hòa mất 93 ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ cùng năm.
Ông McKinley cũng mất ghế tại Hạ viện. Trong cuộc bầu cử năm 1892, Tổng thống Benjamin Harrison (đảng Cộng hòa) thất bại trước ứng viên đảng Dân chủ Grover Cleveland, phần lớn do bất mãn từ chính sách thuế.
Dù thất bại năm 1890, McKinley vẫn tái xuất chính trường nhờ chiến dịch vận động khéo léo và điều chỉnh quan điểm. Khi tranh cử tổng thống năm 1896, ông vẫn ủng hộ thuế cao nhưng nhấn mạnh 'có đi có lại', hứa hẹn mở rộng thị trường nước ngoài.
Chiến thắng của ông McKinley khi đó phản ánh sự ủng hộ từ giới công nghiệp và nỗi lo sợ khủng hoảng tài chính dưới thời ông Cleveland.

Người dân bày tỏ sự bất bình vì kinh tế bất ổn, giá cả tăng cao và điều kiện lao động bất công. Ảnh: Getty
Thay đổi bất ngờ
Ít người biết rằng, trước khi bị ám sát năm 1901, Tổng thống McKinley đã thay đổi quan điểm.
Trong diễn văn một ngày trước khi bị ám sát, ông McKinley thừa nhận: "Chiến tranh thương mại chỉ gây ra tổn thất. Chúng ta cần mở cửa thị trường, đừng nghĩ mình có thể bán mọi thứ mà không mua gì".
Năm 1898, Nhà Trắng công bố một thỏa thuận thương mại với Pháp, trong đó Pháp đồng ý giảm thuế đối với trái cây, thịt lợn và vật liệu xây dựng nhập từ Mỹ, đổi lại Washington giảm thuế cho rượu vang, rượu mạnh và các tác phẩm hội họa của Pháp.
Theo The New Yorker, đây là nỗ lực của Tổng thống McKinley nhằm "vá lại" phần nào hệ quả từ chính sách thuế cao mà ông từng thúc đẩy trước đó.
Dù không đảo ngược hoàn toàn lập trường áp thuế bảo hộ, nhưng theo The New Yorker, động thái này cho thấy ông McKinley hiểu rằng nước Mỹ công nghiệp hóa đang sản xuất vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa, và “mở cửa ra thế giới” là điều tất yếu.
Nhà bình luận người Mỹ Robert W. Merry cho rằng chính Tổng thống McKinley “cảm thấy thất vọng” với những mức thuế quá cao trong Đạo luật Dingley, và coi các hiệp định thương mại như trên là lối thoát hợp lý.
Bài học từ hình mẫu McKinley

Ông Trump từ lâu đã coi cựu Tổng thống McKinley là thần tượng. Ảnh: Reuters - NR
Tổng thống Trump đã không ngần ngại “lấy hình mẫu” McKinley khi kiên quyết áp dụng các biện pháp thuế cao nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa Mỹ.
Trong một bài phát biểu, ông Trump từng khẳng định: “Tổng thống McKinley đã làm cho đất nước của chúng ta trở nên rất giàu nhờ thuế quan và nhờ tài năng. Ông ấy là một doanh nhân bẩm sinh".
Nhưng bài học lịch sử về thuế quan của Tổng thống McKinley cho thấy, mặc dù chính sách thuế cao có thể đem lại lợi ích ngắn hạn, song về lâu dài, nó lại dễ dẫn đến sự bất ổn kinh tế và những hậu quả chính trị nghiêm trọng.
Kinh nghiệm từ những năm 1890 đã minh chứng rằng, khi chính sách thuế bảo hộ được áp dụng quá mức mà chưa có sự điều chỉnh linh hoạt – như chính sự chuyển hướng của Tổng thống McKinley sang thương mại đối ứng – thì nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt, với những cú sốc về lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Một số nhà phân tích, như giáo sư kinh tế Irwin, cảnh báo rằng nếu không học hỏi từ quá khứ, việc lặp lại “các cuộc chiến thương mại” có thể dẫn đến những hệ lụy lớn hơn, nhất là khi chính sách áp thuế không kết hợp với đàm phán thương mại đối ứng và toàn diện.
Trưa 9/4/2025, sau khi lệnh áp thuế đối ứng với 180 đối tác thương mại có hiệu lực, ông Trump đã bất ngờ thông báo giảm thuế đối ứng còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày với hầu hết các nền kinh tế (riêng Trung Quốc bị tăng lên đến 145%). Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy ông Trump cũng kịp thời thay đổi quan điểm như thần tượng của mình?
------------------------
Từng có thời điểm, một đạo luật thuế quan được kỳ vọng cứu nước Mỹ khỏi khủng hoảng lại trở thành “mồi lửa” thổi bùng một trong những trận chiến thuế quan khốc liệt nhất lịch sử. Đạo luật thuế quan này là gì? Và nó đã châm ngòi cho "mẹ của mọi cuộc thương chiến" như thế nào? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng sáng 20/4 để có câu trả lời.