Trung Quốc sợ thiệt khi các nước ký thỏa thuận với Mỹ
Trung Quốc cáo buộc Mỹ lạm dụng thuế quan và cảnh báo các nước khác không nên ký thỏa thuận với Mỹ để gây thiệt hại cho họ.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 21/4 cho biết, Bắc Kinh sẽ kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào ký kết thỏa thuận với Mỹ mà gây tổn hại cho Trung Quốc, đồng thời tuyên bố "sẽ thực hiện biện pháp đối phó một cách kiên quyết và có đi có lại".
Phát biểu được Bắc Kinh đưa ra sau khi Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị gây sức ép với các quốc gia tìm cách thuyết phục Mỹ giảm hoặc miễn thuế nhằm hạn chế thương mại với Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng biện pháp trừng phạt tiền tệ.

Các container hàng hóa tại cảng Diêm Điền, tỉnh Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng thực thi các mức thuế đối ứng mà ông đưa ra hôm 2/4, trừ với Trung Quốc, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải chịu mức thuế cao nhất.
Washington đã tăng thuế với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 145%, và Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế 125% với hàng hóa Mỹ. Tuần trước, Trung Quốc gửi tín hiệu sẽ không tiếp tục tăng thuế.
"Mỹ đã lạm dụng thuế quan với tất cả các đối tác thương mại dưới danh nghĩa 'tương đương', đồng thời buộc tất cả các bên phải bắt đầu đàm phán 'thuế đối ứng’ với họ", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết. Bộ này khẳng định, Trung Quốc quyết tâm và đủ khả năng bảo vệ các quyền và lợi ích của mình, đồng thời sẵn sàng tăng cường đoàn kết với tất cả các bên.
"Sự thật là không ai muốn đứng về phe nào cả. Nếu các quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghiệp, bí quyết công nghệ và tiêu dùng, tôi không nghĩ họ sẽ chấp nhận các yêu cầu của Mỹ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á nằm trong nhóm này", Bo Zhengyuan, đối tác tại hãng tư vấn chính sách Plenum tại Trung Quốc, cho biết.
Kiên quyết giữ lập trường cứng rắn, tuần này Bắc Kinh sẽ triệu tập một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để cáo buộc Washington "làm lu mờ các nỗ lực toàn cầu vì hòa bình và phát triển" khi biến thuế quan làm vũ khí.
Đầu tháng này, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết gần 50 quốc gia đã tiếp cận ông để trao đổi về vấn đề thuế.
Một số cuộc đàm phán song phương về thuế quan đã diễn ra. Nhật Bản đang cân nhắc tăng nhập khẩu đậu nành và gạo từ Mỹ. Indonesia cũng lên kế hoạch tăng nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa của Mỹ và giảm đơn đặt hàng từ các quốc gia khác.
Chính sách thuế quan của ông Trump đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, khi các nhà đầu tư lo ngại tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trong thương mại thế giới có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
Chính quyền Tổng thống Trump vẫn đang hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn cho Trung Quốc mà họ cho là có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Tuần trước, Mỹ áp dụng phí cảng với các tàu do Trung Quốc chế tạo để hạn chế sự thống trị của Trung Quốc trong ngành đóng tàu.
Cũng trong tuần trước, gã khổng lồ chip bán dẫn Nvidia cho biết họ sẽ phải chịu thiệt hại 5,5 tỷ USD do chính quyền hạn chế xuất khẩu chip AI.