Bỉ: Giao thông đình trệ, dịch vụ công gián đoạn do biểu tình của công đoàn

Khoảng 50.000 người đã xuống đường, gây ra tình trạng tê liệt giao thông, gián đoạn hàng loạt dịch vụ công và ảnh hưởng đến cả việc thu gom rác thải.

Những người biểu tình xuống đường ở Brussels để phản đối các cải cách lương hưu. (Nguồn: Facebook)

Những người biểu tình xuống đường ở Brussels để phản đối các cải cách lương hưu. (Nguồn: Facebook)

Ngày 13/2, nước Bỉ chứng kiến một cuộc biểu tình toàn quốc quy mô lớn do nhiều công đoàn tổ chức nhằm phản đối các chính sách của chính phủ mới.

Khoảng 50.000 người đã xuống đường, gây ra tình trạng tê liệt giao thông, gián đoạn hàng loạt dịch vụ công và ảnh hưởng đến cả việc thu gom rác thải.

Giao thông trên khắp cả nước, đặc biệt là tại thủ đô Brussels, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mạng lưới giao thông công cộng STIB ở Brussels gần như ngừng hoạt động, gây khó khăn cho người dân di chuyển. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các tuyến xe buýt và xe điện De Lijn và TEC ở các khu vực khác.

Không phận Bỉ cũng "đóng băng" hoàn toàn do các nhân viên kiểm soát viên không lưu đình công. Hàng loạt chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng đến hàng ngàn hành khách. Ngay cả các sân bay lớn như Brussels Airport và Brussels South Charleroi cũng phải thông báo hủy tất cả các chuyến bay chở khách vì thiếu nhân viên xử lý hành lý và an ninh.

Ngoài giao thông, nhiều dịch vụ công khác cũng bị gián đoạn. Bpost, công ty bưu chính quốc gia, cũng gặp khó khăn trong việc phân phối thư và bưu kiện, đặc biệt là ở vùng Wallonia và Brussels. Các trung tâm phân loại ở Lìege, Charleroi và Brussels cũng bị phong tỏa, làm trầm trọng thêm tình hình.

Hoạt động tại cảng Antwerp, một trong những cảng biển lớn nhất châu Âu, cũng bị ảnh hưởng. Các âu tàu và dịch vụ tàu lai dắt hoạt động cầm chừng.
Hoạt động của các nhà tù trên khắp cả nước cũng có nguy cơ bị gián đoạn do lính canh tham gia cuộc biểu tình.

Việc thu gom rác thải cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình. Cơ quan vệ sinh môi trường Brussels-Propreté đã phải thông báo yêu cầu người dân không mang rác ra ngoài để thu gom vào tối 12 hoặc 13/2, để tránh làm tình hình thêm phức tạp. Việc thu gom rác và khả năng tiếp cận các trung tâm tái chế cũng có thể bị gián đoạn ở một số nơi trên cả nước.

Cuộc biểu tình ban đầu được lên kế hoạch để bảo vệ các dịch vụ công, nhưng sau đó đã mở rộng thành sự kiện phản đối các biện pháp của chính phủ mới.

Một trong những điểm gây tranh cãi gay gắt nhất là việc chính phủ muốn tăng cường độ làm việc và kéo dài thời gian làm việc, điều mà công đoàn cho rằng buộc người dân phải làm việc nhiều hơn, đóng góp lâu hơn cho quỹ lương hưu, nhưng lại nhận lại một khoản lương hưu ít ỏi hơn khi về già.

Ngoài ra, các công đoàn cũng phản đối việc chính phủ "thay đổi vị thế của người lao động trong các dịch vụ công" khi có những động thái "dọn đường" cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác lĩnh vực này.

Họ lo ngại rằng điều này sẽ làm suy yếu các điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động, đồng thời có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và đời sống của người dân. Ngoài ra các công đoàn cho rằng không có tiếng nói trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, phản đối các chính sách môi trường được cho là ưu ái các doanh nghiệp lớn và tầng lớp dân cư giàu có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bi-giao-thong-dinh-tre-dich-vu-cong-gian-doan-do-bieu-tinh-cua-cong-doan-post1012231.vnp
Zalo