Vụ trưởng GDTH: Bỏ 1 số quy định không có nghĩa 'bật đèn xanh' dạy thêm ở trường
Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết, bản chất quy định trong dự thảo không có nhiều thay đổi so với thông tư hiện hành nhưng có điểm mới nhằm hạn chế tiêu cực.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024. Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó, so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm có một số nội dung đáng chú ý.
Trong đó, các quy định về dạy thêm, học thêm thực hiện theo Thông tư 17 trước đây về việc giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.
Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, giáo viên chỉ cần cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm. Giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Ngoài ra, trong Thông tư 17 nêu yêu cầu không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Dự thảo mới đã bỏ điều này.
Lâu nay, vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn được coi là chủ đề "nóng". Vì thế, dự thảo này được công bố đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận và bạn đọc. Đặc biệt là các phụ huynh, học sinh khi năm học mới đang cận kề.
Bỏ một số quy định không có nghĩa là Bộ đang "bật đèn xanh" cho dạy thêm trong nhà trường
Để độc giả có cái nhìn rõ hơn về những điểm mới trong dự thảo này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về những nội dung liên quan.
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành cho biết, theo thông tư 17 hiện hành, trong các trường hợp không được dạy thêm, có quy định không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống nhưng thực tế rất khó hoặc không quản lý được việc này ngoài nhà trường. Bởi nhu cầu là có thật và việc cấm như thế có lẽ cũng không công bằng với học sinh tiểu học.
"Tuy nhiên, trong nhà trường, không đồng nghĩa việc này được “bật đèn xanh”. Điều 3 về nguyên tắc dạy thêm, học thêm trong dự thảo thông tư mới nêu rõ, không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Theo chương trình phổ thông mới, học sinh tiểu học được thiết kế học 2 buổi/ngày và hầu hết các trường đã thực hiện việc này, đồng nghĩa cũng không tổ chức dạy thêm trong trường đối với cấp tiểu học.
Do đó về bản chất, dự thảo thông tư mới không thay đổi so với hiện nay. Chưa kể, dự thảo thông tư mới cũng quy định tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông. Những điều này không được đề cập trong quy định hiện hành", lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh.
Lý giải thêm về việc, trong dự thảo đã bỏ quy định không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đối với giáo viên trường công lập, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành cho rằng, thực tế, trong Luật Viên chức đã nêu rất rõ quy định viên chức không được tổ chức kinh doanh. Do đó, giáo viên trường công lập không được tổ chức kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành chia sẻ thêm: "Vì luật đã nêu, nên trong dự thảo thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện không nhắc lại quy định. Tuy nhiên, qua nhiều trao đổi, thấy rằng điều này không được ghi trong dự thảo khiến dư luận hiểu nhầm. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu bổ sung lại để tránh hiểu nhầm".
Bộ đang đưa ra những giải pháp để hạn chế tiêu cực trong dạy thêm, học thêm
Thông tin thêm về việc, có một số quy định trong Thông tư 17 trước đây nêu rõ các trường hợp không được phép dạy thêm nhưng hiện tại trong dự thảo lần này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được bỏ, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành cho biết là Bộ đã có sự khảo sát và tính toán kỹ lưỡng.
"Cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên và học sinh. Từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa bao giờ cấm việc dạy thêm, học thêm. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo thông tư lần này là nhằm quản lý, hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực đối với dạy thêm, học thêm.
Vấn đề khiến dư luận bức xúc hiện nay là việc giáo viên dạy học sinh ở trường rồi lại bằng cách này, cách kia “ép” các em học thêm lớp do chính mình dạy ở bên ngoài, dù các em không muốn. Những trường hợp này học sinh và phụ huynh phải “tự nguyện một cách bắt buộc”, miễn cưỡng. Đây là vấn đề mà ngành Giáo dục phải nhìn thẳng và tìm cách quản lý, khắc phục.
Trong dự thảo cũng quy định giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng thay vì phải xin phép hiệu trưởng để được dạy thêm học sinh của mình ngoài nhà trường như quy định hiện hành. Giáo viên có thể dạy, nhưng phải lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Đồng thời, giáo viên phải cam kết không được sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Đây là những giải pháp quản lý để hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra, toàn dân có thể giám sát", vị lãnh đạo này chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học cũng bày tỏ, qua thời gian theo dõi , đơn vị này cũng ghi nhận có tình trạng gây ra sự phân biệt giữa “môn chính”, “môn phụ” và giữa giáo viên này với giáo viên kia khi tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Vì vậy, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo hướng tới là làm sao để quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh.
"Việc dạy thêm trong nhà trường phải được tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với hiệu trưởng đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.
Căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn, hiệu trưởng sẽ tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh", Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.