Vụ trưởng GD: 'Có học sinh đi học thêm để không áy náy với thầy cô'
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định siết dạy thêm nhằm khắc phục việc học sinh ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới. Trong đó, bộ yêu cầu giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh mà mình đang dạy trên lớp. Trong khi đó, trường học chỉ được dạy thêm 3 nhóm và không được thu phí.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), nhìn nhận dạy thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy.
Tuy nhiên, thực tế có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Hàng ngày, các em ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức.
Ông Thành khẳng định bộ không cấm dạy thêm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả.
Theo ông, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ cũng giao các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch để đảm bảo hiệu quả, thầy cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình 2018 đó là phát triển năng lực học sinh.
Như vậy, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Nếu học sinh chưa đạt, nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Tương tự với đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi cuối cấp, nằm trong kế hoạch nhà trường.
Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.
"Bộ hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhằm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm", ông Thành nói.
Thay vào đó, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao... Dần dần, phụ huynh và cả xã hội cũng cần hướng tới điều đó, học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết.
Về phía giáo viên, nhiều người lo ngại giảm thu nhập khi thông tư của bộ có hiệu lực. Ông Thành nhấn mạnh không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, họ phải đăng ký kinh doanh hoặc tham gia giảng dạy ở các trung tâm đã đăng ký.
Lý do bộ cấm giáo viên thu tiền đối với học sinh chính khóa nhằm tránh việc giáo viên cắt giảm kiến thức trên lớp, kéo học sinh ra ngoài để dạy thêm.
"Nếu nhà giáo nỗ lực, là giáo viên giỏi, thật sự tâm huyết, đem lại giá trị cho học sinh, chắc chắn sẽ không thiếu học sinh tìm đến học", ông Thành nói.
Ông Thành khẳng định các quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, em nào có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện của bản thân.
Các cá nhân, tổ chức đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin và thực hiện đúng quy định. Khi đó, nơi nào khiến học sinh, phụ huynh tin tưởng, đáp ứng được yêu cầu thì học sinh, phụ huynh sẽ lựa chọn.
Ngoài ra, vụ trưởng cũng cho rằng cơ quan quản lý có quy định cụ thể nhưng nhận thức người dân rất quan trọng, cần chú trọng đến phương pháp học thay vì cố học thật nhiều nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực.