Vẫn được đánh giá năng lực khi tuyển sinh lớp 6

Môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31-3 hằng năm

Việc công bố môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sau học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31-3 giúp học sinh hoàn thành các môn học khác nhưng vẫn có đủ thời gian ôn luyện

* Phóng viên: Nhiều phụ huynh và các nhà trường lo lắng vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra quy định chỉ tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển, thưa ông?

- Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT: Trước đây, Thông tư 11/2014 của Bộ GD-ĐT quy định tuyển sinh THCS hằng năm theo hình thức xét tuyển. Quy định này bảo đảm việc tuyển sinh vào THCS được thực hiện thuận lợi, hiệu quả, thiết thực đối với cấp học cần huy động 100% học sinh vào học theo mục tiêu phổ cập giáo dục.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT

Đến năm 2018, có một số trường THCS có uy tín, được đông đảo học sinh đăng ký vào học khiến việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh. Do đó, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 05/2018 với nội dung như sau: "Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh".

Tại thời điểm ban hành Thông tư 05/2018, Bộ GD-ĐT nêu rõ việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi. Nghĩa là, khi thực hiện xét tuyển vào một trường THCS, nếu số lượng học sinh đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung vẫn vượt so với chỉ tiêu nhà trường được giao thì nhà trường được kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển, chứ không phải tổ chức cả kỳ thi.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy có một số trường đã tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh như một kỳ thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng ký vào trường. Vai trò của việc "xét tuyển" trong phương thức kết hợp với "kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh" theo quy định tại Thông tư 05/2018 chưa được thực hiện thỏa đáng.

Thông tư số 30/2024 mới Bộ GD-ĐT ban hành về Quy chế tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển. Giao các sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Theo đó, các sở GD-ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung mà vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu được giao.

Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực.

Cần lưu ý nguyên tắc là việc tuyển sinh ở bất kỳ trường THCS nào cũng phải bảo đảm hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đó cũng là căn cứ để các sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí xét tuyển.

Một số trường THCS thời gian qua tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh như một kỳ thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng ký Ảnh: TẤN THẠNH

Một số trường THCS thời gian qua tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh như một kỳ thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng ký Ảnh: TẤN THẠNH

* Một nội dung khác cũng được quan tâm là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ không được chọn quá 3 năm liên tiếp?

- Yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà trường khi dạy học ở cấp THCS là làm sao cho học sinh được học một cách toàn diện, được trang bị đầy đủ kiến thức phổ thông cơ bản làm nền tảng tiếp tục học các bậc cao hơn và định hướng nghề nghiệp tốt.

Vì vậy, nếu quy định môn thứ 3 là cố định thì học sinh từ khi bắt đầu vào lớp 6 đã phải rất chăm chú, tập trung cho môn sẽ thi, ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập các môn học khác cũng như tích lũy kiến thức, phát triển năng lực của bản thân. Ví dụ, nếu như quy định 3 môn thi là toán, văn và tiếng Anh, các em sẽ không dành thời gian cho các môn lịch sử, địa lý, tự nhiên...

Về quy định môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31-3 hằng năm giúp các em tập trung hoàn thành các môn học theo chương trình nhưng vẫn có đủ thời gian ôn luyện, chuẩn bị cả về kiến thức lẫn tâm lý cho các môn dự thi.

* Ông có thể thông tin điểm mới về đối tượng tuyển thẳng, chế độ ưu tiên tuyển sinh THPT năm nay?

- Đối với tuyển thẳng, trước đây, tại Thông tư 05/2018, đối tượng tuyển thẳng gồm học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đoạt giải tại cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Do chưa có quy định chung nên quá trình thực hiện có sự chưa thống nhất giữa các địa phương. Vì vậy, Bộ GD-ĐT quy định đối tượng tuyển thẳng vào THPT gồm học sinh THCS đoạt giải cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức, hoặc phối hợp với các bộ và cơ quan ngang bộ tổ chức "trên quy mô toàn quốc", bao gồm: các cuộc thi, kỳ thi, hội thi về văn hóa, văn nghệ, thể thao; cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Đối tượng được cộng điểm khuyến khích là học sinh THCS đoạt giải cấp tỉnh do sở GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ngành tổ chức trên quy mô toàn tỉnh.

YẾN ANH - XUÂN HOA (thực hiện)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-duoc-danh-gia-nang-luc-khi-tuyen-sinh-lop-6-196250110213334565.htm
Zalo