Vụ thu hoạch trái cây hè gặp khó
Đồng Nai có diện tích cây ăn trái lớn với nhiều loại cây chủ lực đều có vụ thu hoạch vào mùa hè. Đây cũng là thời điểm trùng với vụ thu hoạch trái cây của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chủng loại đa dạng, nguồn cung dồi dào khiến mùa trái cây hè dễ rơi vào cảnh trúng mùa, rớt giá.

Vùng trồng sầu riêng tại xã Tân Phú chờ thương lái thu mua. Ảnh: B.Nguyên
Vụ thu hoạch năm nay, trái cây hè mất mùa nhưng vẫn rớt giá do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; sức tiêu thụ của thị trường nội địa cũng chậm hơn vì ảnh hưởng khó khăn chung về kinh tế.
Mất mùa vẫn rớt giá
Theo nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, thời điểm xử lý cho cây ra hoa, kết trái, thời tiết bất ngờ có những đợt mưa lớn kéo dài khiến cây đua nhau ra đọt non. Nông dân lại phải tốn thêm phân, thuốc xử lý để cây ra vụ hoa mới. Theo đó, nhiều địa phương, các loại trái cây như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… cho thu hoạch trễ từ 1-2 tháng so với cùng kỳ mọi năm. Đặc biệt, vụ mùa năm nay, dịch bệnh xuất hiện nhiều và diễn biến phức tạp hơn, là nguyên nhân khiến nhiều loại cây ăn trái giảm năng suất, chất lượng.
Một nghịch lý là mất mùa nhưng giá trái cây vẫn giảm sâu. Hiện giá măng cụt bán tại vườn chỉ còn 22-25 ngàn đồng/kg; chôm chôm Thái còn hơn 10 ngàn đồng/kg, chôm chôm thường từ 2-3 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá bình quân mọi năm. Ngay cả sầu riêng là loại “trái cây vua” nhờ xuất khẩu tốt cũng rơi vào cảnh rớt giá không phanh. Hiện sầu riêng Ri 6 bán tại vườn có giá từ 25-27 ngàn đồng/kg, sầu riêng Thái có giá từ 50-55 ngàn đồng/kg, giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Đỗ Đức Duy, việc xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm và thủy sản chủ lực vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ quy hoạch vùng trồng, tránh tình trạng mở rộng tràn lan, đặc biệt trên đất rừng và đất dốc.
Tuy nhiên, mức giá này chỉ là trên lý thuyết vì là giá thương lái trả cho sầu riêng chất lượng ngon, đạt chuẩn xuất khẩu. Thực tế, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã đến kỳ thu hoạch không có thương lái thu mua do chất lượng không đạt.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sầu riêng Xuân Tâm tại xã Xuân Hòa, cho biết HTX có 80 hécta trồng sầu riêng, diện tích sầu riêng Ri6 đã thu hoạch gần hết, còn 40 hécta sầu riêng Thái với tổng sản lượng khoảng 800 tấn thì chỉ mới thu hoạch được khoảng 20%. Mọi năm, từ khi sầu riêng kết trái đến thu hoạch cần khoảng 120 ngày, năm nay nhiều vườn đã qua thời gian này nhưng thương lái đến đánh giá vườn, trái sầu riêng vẫn chưa “lên cơm” đạt chuẩn nên thương lái chưa mua.
Nhiều nhà vườn hiện như ngồi trên lửa vì càng lâu thu hoạch càng nhiều rủi ro. Ông Sinh chia sẻ thêm, thời gian tới nếu thời tiết thuận lợi nắng nhiều, sầu riêng “lên cơm” đạt hơn thì may ra mới bán được với giá có lời; nếu tiếp tục mưa thì tỷ lệ sầu riêng bị sượng sẽ cao, không đạt chất lượng xuất khẩu phải bán hàng dạt chỉ còn nửa giá, thậm chí phải bán hàng làm kem chưa đến 20 ngàn đồng/kg. Nông dân trồng sầu riêng rất lo lắng, những ngày tới tiếp tục mưa thì cầm chắc vụ thu hoạch lỗ nặng.
Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (xã Dầu Giây), nhận xét vụ trái cây hè năm nay, sản lượng trái cây tươi về chợ tăng hơn hẳn mọi năm với sản lượng từ 250-270 tấn trái cây tươi/ngày đêm. Đặc biệt, vải thiều và mận miền Bắc trúng mùa, cao điểm thu hoạch, chợ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều/tháng. Theo đó, dù những loại trái cây hè trồng trong tỉnh sản lượng về không nhiều bằng mọi năm, nhưng do thị trường quá đa dạng chủng loại, nguồn cung tăng mạnh nên mặt bằng giá bán năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm.
Lo khủng hoảng thừa
Nhiều loại trái cây hè mất mùa nhưng giá vẫn giảm sâu. Nguyên nhân do nguồn cung lớn hơn cầu khi vài năm trở lại đây, diện tích trồng cây ăn trái không ngừng tăng nhanh. Hiện tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới là 97,6 ngàn hécta, tăng khoảng 12,8 ngàn hécta so với năm 2020 (gồm cả tỉnh Đồng Nai và Bình Phước cũ), tập trung vào các loại cây chủ lực có thế mạnh xuất khẩu như: sầu riêng, chuối, cây có múi, xoài, mít, chôm chôm… Đây cũng là tình hình chung của nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Hiện tổng diện tích cây ăn trái của cả nước đạt hơn 1.269 ngàn hécta, tăng hàng trăm ngàn hécta so với năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận xét các loại trái cây chủ lực của Việt Nam thường tập trung thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Giai đoạn nhiều loại trái cây rộ vụ thu hoạch, nguồn cung lớn hơn cầu khiến nhiều mặt hàng trái cây dễ rơi vào vòng luẩn quẩn rộ mùa rớt giá. Năm nay, dự báo thị trường xuất khẩu trái cây khó khăn hơn mọi năm do nhiều nước nhập khẩu lớn, trong đó có Trung Quốc đặt ra quy định mới nghiêm ngặt hơn về tiêu chuẩn chất lượng. Trong khi cây trồng nào xuất khẩu tốt, có giá cao là nông dân đua nhau trồng, không quan tâm đến quy hoạch, định hướng thị trường. Nông dân vẫn trồng cây theo kinh nghiệm nên mỗi vườn một kiểu. Sự thiếu chuyên nghiệp, chưa có quy trình chuẩn cho toàn bộ chuỗi sản xuất là điểm yếu của trái cây Việt Nam khi tham gia vào thị trường xuất khẩu với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Ngoài ra, chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà phân phối còn lỏng lẻo khiến bên bán, bên mua khó thực hiện đúng chất lượng, số lượng, thời điểm cung cấp và giá cả. Đây là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trái cây tươi cho chế biến, xuất khẩu; nhà vườn thiếu đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh.