Có vắc xin tốt, vì sao không chặn được dịch tả lợn châu Phi?
Dù Việt Nam đã sản xuất thành công 3 loại vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi và cung ứng hàng triệu liều ra thị trường, nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát khiến hàng chục nghìn con lợn phải tiêu hủy, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi và người dân.
Vắc xin đã sẵn sàng, dịch vẫn chưa dừng
Dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam từ tháng 2/2019 và nhanh chóng trở thành "cơn ác mộng" của ngành chăn nuôi. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, gây thiệt hại kinh tế gần 30.000 tỷ đồng.

Vắc xin chưa được tiêm phòng rộng rãi khiến dịch bệnh vẫn lan rộng. Ảnh: Ngọc Tú.
Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công ba loại vắc xin. Tính đến nay, các doanh nghiệp đã cung ứng ra thị trường khoảng 6,6 triệu liều vắc xin phòng bệnh. Một phần vắc xin đã được xuất khẩu sang các nước khác, cho thấy năng lực sản xuất và chất lượng vắc xin của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi và Thú y - Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay, cả nước vẫn ghi nhận 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 27/34 tỉnh, thành phố với hơn 30.000 con lợn chết và bị tiêu hủy. Hiện còn 248 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 20 địa phương. Số lợn đang mắc bệnh là gần 20.000 con - một con số báo động, điều này khiến đặt ra câu hỏi: Vắc xin đã có, vì sao dịch vẫn chưa dừng?
Thực tế, tỷ lệ tiêm vắc xin trên cả nước còn rất thấp. Giai đoạn từ năm 2023 đến nay, chỉ có khoảng 957.000 con lợn được tiêm phòng, tức chưa tới 1 triệu liều được sử dụng trong tổng số hàng triệu liều đã được sản xuất và cung ứng. Trong khi đó, tổng đàn lợn trên cả nước lên tới hàng chục triệu con.
Nguyên nhân do đâu?
Mặc dù các kết quả tiêm phòng thời gian qua cho thấy vắc xin dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả cao trong việc bảo vệ đàn lợn, tỷ lệ phản ứng sau tiêm rất thấp, nhưng thực tế triển khai lại chưa tương xứng. Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, có nhiều nguyên nhân khiến vắc xin vẫn chưa được người chăn nuôi sử dụng rộng rãi.
Trước hết là do tâm lý e dè, hoài nghi của người chăn nuôi. Một số sự cố xảy ra khi vắc xin được tiêm cho lợn đã mang mầm bệnh hoặc đang trong tình trạng sức khỏe yếu khiến vật nuôi tử vong, đã làm dấy lên lo ngại trong người dân, dù các cơ quan chuyên môn khẳng định nguyên nhân không đến từ chất lượng vắc xin. Những thông tin chưa đầy đủ ban đầu này đã ảnh hưởng đến niềm tin và khiến nhiều người dân chần chừ, ngại sử dụng vắc xin dù chi phí không cao.
Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y - khẳng đinh: “Thực tế, số lợn bị chết sau khi tiêm phòng chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 0,1% (988 con lợn). Nguyên nhân, phần lớn số lợn này đã nhiễm virus thực địa từ trước hoặc sức đề kháng bị suy giảm vì mắc các bệnh do Escherichia coli, PCV2...”
Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn giữ tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước thay vì chủ động phòng bệnh. “Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh hiệu quả, nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn ỷ lại, chờ hỗ trợ từ cơ quan chức năng” - ông Minh nói. Trong khi đó, các trang trại lớn chủ động tiêm phòng, áp dụng chặt chẽ biện pháp an toàn sinh học lại không phát sinh dịch bệnh, cho thấy hiệu quả rõ ràng khi chủ động phòng ngừa.

Dịch tả lợn châu Phi khiến hàng chục nghìn con lợn phải tiêu hủy. Ảnh: Ngọc Tú.
Theo ông Minh, về phía cơ quan quản lý, việc tổ chức tiêm phòng tại nhiều địa phương còn bộc lộ nhiều bất cập, việc xử phạt hành vi không tiêm phòng hầu như không được thực thi vì tâm lý nể nang, né tránh.
Ông Phùng Đức Tiến -Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cũng ghi nhận thực trạng vắc xin dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam đã được xuất khẩu, được quốc tế công nhận, nhưng trong nước lại chưa được người dân tin dùng rộng rãi. “Giá một liều vắc xin chỉ hơn 60.000 đồng, chỉ bằng 1 kg lợn hơi. Nếu người dân còn dè dặt, đó là lỗi của cơ quan thú y vì chưa tuyên truyền đúng mức, chưa giúp người dân hiểu đúng và đủ”, ông Tiến nói.
Ông Tiến khẳng định: "Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, ngành chăn nuôi sẽ thất bại". Vì thế thời gian tới, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh truyền thông, siết chặt kiểm soát dịch bệnh, đồng thời xây dựng các mô hình điểm và hỗ trợ kỹ thuật để người chăn nuôi tin tưởng và yên tâm sử dụng vắc xin, tạo một lá chắn vững chắc, góp phần kiểm soát dịch bệnh.