Kích cầu tiêu dùng để duy trì đà phục hồi kinh tế

Kích cầu để thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một trong 3 động lực then chốt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vượt trên 8% trong năm 2025.

Tiêu dùng nội địa cải thiện

Theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm 2025, thị trường hàng hóa Việt Nam cơ bản ổn định, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, đặc biệt trong các dịp cao điểm như 30/4 - 1/5. Giá các mặt hàng không có biến động lớn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 23,2%.

Đánh giá về thị trường nội địa nửa đầu năm, bà Lê Thị Hồng, thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, thị trường hàng hóa nửa đầu năm 2025 duy trì ổn định về tổng thể, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số mặt hàng thiết yếu có biến động cục bộ về giá, nổi bật là thịt lợn trong giai đoạn quý I/2025 do những vấn đề về nguồn cung giai đoạn gối vụ và ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề này đã nhanh chóng được xử lý và thị trường đã trở lại ổn định từ đầu quý II đến nay.

Để có tăng trưởng, các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ và ngành công thương liên tục tổ chức các chương trình kích cầu, ưu đãi để tăng tiêu thụ hàng hóa thiết yếu.

Chẳng hạn, Chương trình Bình ổn thị trường do Sở Công thương Hà Nội thực hiện được triển khai, quy tụ 22 đơn vị tham gia, cung ứng hàng hóa tới hơn 10.600 điểm bán. Ngoài 12 nhóm hàng thiết yếu, Thành phố còn khuyến khích doanh nghiệp mở rộng thêm các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân, mở 115 điểm bán sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và hơn 3.000 mặt hàng từ các tỉnh, thành phố kết nối vào hệ thống bán lẻ hiện đại như Big C, Co.opmart, WinMart…

Tuy vậy, trên bình diện chung, khó khăn vẫn còn không ít do nhiều người có tâm lý thắt chặt chi tiêu trước ảnh hưởng của giá cả, thị trường lao động có nhiều biến động do tinh giản bộ máy, tác động của công nghệ và trí tuệ nhân tạo…

Các yếu tố trên sẽ tác động đến cung cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm 2025.

Nêu ra các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh quý II, có tới 51,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết, nhu cầu của thị trường trong nước vẫn thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, cộng với việc gặp khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn cao.

Do đó, không ngạc nhiên khi đánh giá về xu hướng đơn hàng quý III/2025 so với quý II/2025, có 35,1% doanh nghiệp dự kiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; 46,7% doanh nghiệp dự kiến số lượng ổn định và 18,2% doanh nghiệp dự kiến giảm.

Động lực cho tăng trưởng

Bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tác động tới chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu, tâm lý tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường trong nước đóng vai trò quan trọng, vừa là trụ cột ổn định tăng trưởng, vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Để thúc đẩy tiêu dùng, tạo động lực cho tăng trưởng, Bộ Công thương vừa yêu cầu các địa phương triển khai mạnh giải pháp phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng.

Những giải pháp kích cầu cần được triển khai nhanh chóng, bởi qua 6 tháng đầu năm, kết quả sơ bộ về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của nhiều địa phương còn chưa đạt mức tăng như kỳ vọng.

Theo đó, các đơn vị chức năng phải rà soát những yếu tố có tác động đến thị trường trong nước 6 tháng cuối năm, chủ động có giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng với các nhóm ngành hàng đang có mức tiêu dùng thấp như may mặc, đồ dùng, trang thiết bị gia đình, dịch vụ ăn uống.

Cần theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền phối hợp xử lý các biến động bất ổn của thị trường.

Đánh giá về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025, Bộ Công thương cho rằng, mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng với xu hướng tăng trưởng tích cực từ nửa đầu năm, các giải pháp điều hành linh hoạt của Chính phủ và sự chủ động của doanh nghiệp trong thích ứng với thị trường, mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025 là có thể đạt được.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kich-cau-tieu-dung-de-duy-tri-da-phuc-hoi-kinh-te-d332454.html
Zalo