Biến mắc mật thành quả đặc sản

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh người dân đang tích cực thu hoạch mắc mật để bán cho tiểu thương, cơ sở thu mua mắc mật để sơ chế, chế biến. Nhờ đó, đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Người dân xã Bình Gia phơi khô quả mắc mật

Người dân xã Bình Gia phơi khô quả mắc mật

Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, quả mắc mật Lạng Sơn có hương vị đặc trưng riêng, không nơi nào có được. Đây cũng là nguyên liệu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 350 ha mắc mật, được người dân trồng chủ yếu tại các chân núi đá vôi, tập trung tại các xã: Na Sầm, Văn Quan, Bình Gia... Hằng năm, sản lượng mắc mật đạt từ 4.000 đến 5.000 tấn quả.

Ngoài sử dụng quả tươi trong chế biến các món ẩm thực, để góp phần nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho quả mắc mật, thời gian qua, một số cơ sở, hợp tác xã của tỉnh đã liên kết thu mua quả mắc mật để sơ chế, chế biến thành đa dạng các sản phẩm để bảo quản được lâu dài.

Chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản Toàn Thương, khu 5, xã Na Sầm cho biết: Từ khoảng 6 năm nay, năm nào tôi cũng thu mua quả mắc mật của người dân trên địa bàn các xã: Na Sầm, Hoàng Văn Thụ, Văn Quan… Từ năm 2023 đến nay, bình quân mỗi năm HTX thu mua trên 120 tấn mắc mật tươi cho người dân. Vụ mắc mật năm nay, HTX chúng tôi bắt đầu thu mua từ khoảng giữa tháng 6, đến nay HTX đã thu mua được trên 60 tấn quả tươi với giá dao động từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Vụ mắc mật chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng nên để bảo quản sử dụng được lâu dài và vận chuyển được đi xa, HTX đã sơ chế, chế biến thành các sản phẩm: mắc mật sấy khô, hạt mắc mật sấy… Ngoài ra, để nâng cao giá trị quả mắc mật, năm nay, HTX còn nghiên cứu, cho ra mắt sản phẩm mắc mật sấy dẻo với thành phần chính là quả mắc mật, gừng và mật ong.

Không riêng tại HTX Nông sản Toàn Thương, từ khoảng 4 năm trở lại đây, HTX Trân Quý, xã Văn Quan cũng thu mua quả mắc mật tươi của người dân trên địa bàn các xã: Văn Quan, Điềm He, Yên Phúc… để sơ chế. Bà Lương Thị Nở, Giám đốc HTX cho biết: Tùy theo nhu cầu của khách hàng về sản phẩm mắc mật khô, HTX sẽ thu mua quả tươi của người dân để phơi hoặc sấy khô. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua từ 20 đến 30 tấn quả tươi, có năm đơn vị thu mua trên 40 tấn quả. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã thu mua trên 12 tấn quả tươi để phơi, sấy. Hiện HTX đang tiếp tục phối hợp với đơn vị chuyên môn hoàn thiện hồ sơ xây dựng sản phẩm mắc mật khô của HTX thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2025 theo kế hoạch.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có gần 10 HTX, cơ sở thu mua mắc mật tươi của người dân để sơ chế, chế biến và làm nguyên liệu gia vị cho các món ẩm thực đặc trưng xứ Lạng. Các HTX, cơ sở thu mua này bên cạnh sử dụng quả tươi làm gia vị cho các món ẩm thực đặc trưng còn sơ chế, chế biến thành đa dạng các sản phẩm như: mắc mật sấy khô, mắc mật ngâm muối, mắc mật sấy dẻo, hạt mắc mật sấy, mắc mật gừng mật ong… mang hương vị đặc trưng. Ngoài ra, một số hộ dân sau thu hoạch cũng chủ động phơi khô để bán cho các cơ sở thu mua. Việc sơ chế, chế biến thành đa dạng các sản phẩm đã giúp bà con trồng mắc mật có đầu ra ổn định; góp phần nâng cao giá trị quả mắc mật lên từ 5 đến 7% so với bán quả tươi.

Ông Phạm Tuyến, Trưởng Phòng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Mắc mật là cây trồng đặc trưng của tỉnh, đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Cùng với việc bảo hộ thương hiệu, việc đẩy mạnh sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm không chỉ nâng cao giá trị mà còn thúc đẩy hình thành vùng sản xuất tập trung. Thời gian tới, phòng tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tập huấn kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và định hướng các HTX, cơ sở chế biến quả mắc mật; tăng cường hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ quả mắc mật...

Có thể thấy từ việc đầu tư sơ chế, chế biến quả mắc mật cũng như các sản phẩm nông sản đặc trưng khác của tỉnh đã tạo ra những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các cơ sở sơ chế, chế biến vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, hỗ trợ và thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, trong đó có quả mắc mật rất đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nam Khánh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nang-gia-tri-qua-mac-mat-5053262.html
Zalo