Vụ nữ nhân viên gác chắn đường tàu bị hành hung: Có hay không sự vô cảm trên đường?

Đã có quá nhiều sự phẫn nộ của bạn đọc đối với vụ việc nữ nhân viên gác chắn đường sắt bị một phụ nữ hành hung đến gãy xương mũi, chỉ vì chị không đồng ý mở barie khi có đoàn tàu đang đến gần.

Lên án hành vi bạo lực

Hành vi hung bạo, xem thường luật pháp của người này chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Ngoài ra, thái độ thờ ơ, vô cảm của một số người đi đường chứng kiến sự việc cũng rất đáng chê trách.

Lên án thói hung hăng là điều rất thường gặp sau khi xảy ra hậu quả. Tuy nhiên, người can đảm đứng ra ngăn chặn cái sai thì rất lại rất “hiếm”. Trong nhiều câu chuyện trái tai gai mắt dọc đường, thi thoảng cũng xuất hiện “hiệp sĩ” thấy chuyện bất bình chẳng tha. Điển hình như một người chạy xe ôm công nghệ vừa được Công an quận 1 khen thưởng, vì dũng cảm can ngăn hai vợ chồng hành hung một người đàn ông khác. Song tỉ lệ còn thấp, dường như vẫn thưa vắng so với cái ác “nhan nhản” trên đường.

Trong câu chuyện mới đây, theo lời kể của nạn nhân thì gác chắn đã được hạ xuống, đúng như quy trình vận hành khi có đoàn tàu sắp đến. Việc một vài người đi đường sốt ruột đề nghị mở gác chắn, để tranh thủ chạy qua vốn không hiếm gặp trong nghề nghiệp của chị. Cái thanh chắn tuy vô tri vô giác, nhưng tinh thần trách nhiệm của một người đang làm nhiệm vụ thì không bao giờ thiếu.

Cũng không phải lần đầu tiên chị giải thích và từ chối yêu cầu vô lý trên. Dẫu vậy, chị vẫn giữ được sự bình tĩnh, tế nhị, ứng xử và ngôn phong đúng mực với tình huống bất ngờ. Đáng tiếc là lối hành xử bạo lực đã làm hỏng tất cả, hủy hoại nhân cách của chính người ra tay, hủy hoại cả văn hóa giao tiếp và sự thân thiện giữa người với người dù chỉ gặp nhau trong chốc lát.

Những vụ tai nạn thương tâm do cố tình vượt rào chắn, khi tàu đang đến cũng không hiếm gặp. Mỗi vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ hoặc đường dân sinh tự mở, đều có quy tắc của ngành chức năng, đảm bảo an toàn cho tính mạng của hàng ngàn hành khách trên tàu, lẫn người và phương tiện dưới mặt đất.

Các trường học ở TP.HCM, luôn chú trọng giáo dục đạo đức và văn hóa ứng xử cho học sinh.

Các trường học ở TP.HCM, luôn chú trọng giáo dục đạo đức và văn hóa ứng xử cho học sinh.

Đồng cảm và bảo vệ lẽ phải

Những nhân viên trực tại các điểm giao cắt, hằng ngày thầm lặng làm công việc giữ gìn cho giao thông được thông suốt, đồng thời không để xảy ra sự cố dù nhỏ liên quan đến khâu vận hành, của các chuyến tàu ra Bắc vào Nam suốt chiều dài đất nước. Họ xứng đáng được nhận lời cảm ơn từ cộng đồng, tương tự lực lượng chức năng điều tiết giao thông trên đường. Hướng đi này có thể tạm dừng vài phút, nhường cho hướng khác được lưu thông. Nhưng sau cùng đều chỉ vì một mục đích là ai cũng được đi qua.

Trong trường hợp này, vượt gác chắn đồng nghĩa với đánh cược mạng sống của mình, tự đặt bản thân vào tình huống nguy hiểm. Hơn ai hết, nhân viên làm nhiệm vụ hiểu rõ nhất nên dĩ nhiên, không ai chiều theo đòi hỏi quá đáng và vô lý này. Họ thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm, làm tròn phận sự vì lợi ích chung của cộng đồng.

Cũng rất vô lý khi một số cá nhân dành cả buổi để lướt web, sống “ảo” nhưng khi họ ra đường luôn vội vội, vàng vàng, đi sau lại muốn lên trước, đèn đỏ chưa tắt đã vội di chuyển. Thời gian một lần dừng chờ đèn tín hiệu giao thông, lâu nhất như trên Quốc lộ 1 cũng chỉ hai phút. Vài chục giây hay vài phút trong nhiều trường hợp đã trở thành thước đo nhân cách, lòng tự trọng. Vượt đèn đỏ, rào chắn không khác gì tự làm xấu mình, đánh mất giá trị của bản thân.

Người trực tiếp tấn công nhân viên gác chắn tất nhiên sai rõ ràng, còn trách nhiệm của người đi đường lúc sự việc diễn ra cũng không thể thiếu. Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy, từ lúc cãi vã đến khi đối tượng tấn công nữ nhân viên gác chắn kéo dài vài phút. Vậy nhưng, tuyệt nhiên không ai can thiệp và can ngăn. Dường như tâm lý thờ ơ, vô cảm vẫn tồn tại, tính an phận thủ thường thật đáng lo bởi nó vô tình tiếp tay cho cái xấu.

Cảm thương nữ nhân viên bị đánh không chỉ nằm ở những thương tích trên người, còn là nỗi day dứt khi chị đã trở nên cô độc, yếu ớt và tuyệt vọng giữa dòng người và xe. Một mình chị chỉ biết chịu đựng, không đủ sức để chống đỡ, tự vệ. Xem lại hình ảnh này những người có lương tâm hẳn sẽ đau lòng trước cái sai lộng hành, lẽ phải không được bảo vệ. Người mang đến sự yên tâm, an toàn cho hàng vạn khách thập phương qua lại mỗi ngày đã không được bênh vực. Phải chăng ai cũng xem là “chuyện thường ngày”, bàng quan với mọi chuyện theo chủ nghĩa “mackeno” (mặc kệ nó).

Cuộc đời hay phải dùng đến hai chữ “giá như”. Quả thật giá như lúc ấy chỉ cần có vài người mạnh dạn lên tiếng, vài người cương trực đứng ra hòa giải, can ngăn, chắc chắn báo chí sẽ không phải tốn giấy mực. Giá như trong vụ việc ở tỉnh Bình Dương, một người đàn ông bị hành hung giữa đường, kịp thời được người khác trợ giúp, có lẽ không đến nỗi thương tích đến dập não rồi tử vong trong bệnh viện. Lối sống an phận thủ thường thật đáng sợ, nó khiến cho lòng tốt trên đường trở nên “xa xỉ”. Thản nhiên nhìn đồng loại của mình bị bạo hành giữa đường, rồi tăng ga chạy qua như không hề có chuyện gì xảy ra, thật sự còn đáng sợ hơn cái ác.

Vấn nạn hành hung nhân viên tại các gác chắn đường sắt cũng không phải cá biệt, đã từng có vụ 4 người đàn ông say xỉn tấn công một nữ nhân viên vì chị không chịu mở barie. Việc phớt lờ cảnh báo của hệ thống đèn tín hiệu, chuông báo lẫn người trực tiếp làm nhiệm vụ đã khiến một số cá nhân phải trả giá đắt. Thay vì kiên nhẫn chờ vài phút trước thanh chắn, nhiều người đã thụ án hàng năm trời, bị mất quyền tự do trong một thời gian.

Cũng chưa ai dám chắc sự việc tương tự sẽ không tái diễn. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, người chứng kiến đều có thể gọi điện đến đường dây nóng của lực lượng chấp pháp, điều mà trẻ em bậc tiểu học cũng đều biết và thuộc lòng số điện thoại. Không đủ khả năng ngăn chặn hành vi càn quấy, vẫn có thể giúp nạn nhân bằng cách đơn giản nhất, vấn đề nằm ở chỗ mấy ai chịu làm hay chỉ nhớ quay clip để livestream?

Chặn cái ác từ gốc thông qua nỗ lực tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời, khuyến khích mỗi người chủ động đứng ra ngăn bạo lực, chặn cái xấu đang được các trường học quan tâm tiến hành bằng những tiết sinh hoạt, giảng dạy đạo đức, nhân cách. Vậy nhưng, cũng rất cần sự gương mẫu của người lớn, biết nhường nhịn nhau, ứng xử có văn hóa để trẻ em học tập, làm theo.

Thanh Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vu-nu-nhan-vien-gac-chan-duong-tau-bi-hanh-hung-co-hay-khong-su-vo-cam-tren-duong-227951.html
Zalo