Vũ Diệu Thảo phát hành album nhạc cách mạng với 54 bản độc tấu tỳ bà
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, nghệ sĩ tỳ bà Vũ Diệu Thảo đã ra mắt khán giả một dự án âm nhạc dân tộc độc đáo: Biểu diễn 54 bản độc tấu tỳ bà với các bài hát cách mạng, mang ý nghĩa tinh thần đại đoàn kết của dân tộc thông qua sự kết nối âm nhạc của 54 dân tộc anh em.

Nghệ sĩ tỳ bà Diệu Thảo (giữa) và các học trò của mình. (Ảnh: NVCC)
Những ca khúc được lựa chọn trình diễn trong album gồm là những bài ca đi cùng năm tháng như “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (nhạc sĩ Xuân Hồng), “Như có Bác trong ngày đại thắng” (Phạm Tuyên), “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” (Nguyễn Văn Tý), “Nổi lửa lên em” (Huy Du), “Đường Trường Sơn xe anh qua” (Văn Dung), “Tiến về Sài Gòn” (Lưu Hữu Phước), “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (Doãn Nho)…
Bài đầu tiên trong album này được Vũ Diệu Thảo giới thiệu tới khán giả vào ngày 17/2, là bản “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, và đến ngày kỷ niệm sinh nhật Bác, toàn bộ 54 bản nhạc sẽ được cô giới thiệu trọn vẹn.

Nghệ sĩ Diệu Thảo (hàng trên, ở giữa) trình diễn cùng các nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc khác.
Ngoài độc tấu tỳ bà, Diệu Thảo cũng kết hợp song song cùng Nghệ sĩ Ưu tú Việt Hồng, tốp đàn tỳ bà, tốp đàn tranh cùng nhóm Tứ quý với hai bạn trẻ Bảo Trân, Bảo Châu để âm nhạc nhiều màu sắc hơn và hình thức thể hiện đa dạng.
Các video độc tấu đàn mộc được Diệu Thảo ghi hình đơn giản bằng điện thoại, không xử lý âm thanh hậu kỳ, không dàn dựng cầu kỳ. Mỗi bản nhạc được giới thiệu cùng với câu chuyện ra đời, tác giả sáng tác hoặc kỷ niệm lịch sử liên quan…
Nói về động lực thực hiện “chiến dịch” âm nhạc với những ca khúc cách mạng, Vũ Diệu Thảo bày tỏ: “Tôi muốn đưa nhạc cụ truyền thống, âm nhạc dân tộc hòa vào những ca khúc cách mạng để tạo ra một bức tranh âm nhạc đa dạng, sinh động, mang tinh thần Việt Nam”. Với Diệu Thảo, âm nhạc là cách để cô bày tỏ lòng tri ân và biết ơn với những thế hệ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Thể hiện ca khúc cách mạng bằng âm thanh của cây đàn tỳ bà cũng là một thách thức với Diệu Thảo. Tiết tấu hành khúc thường nhanh, gọn, dứt khoát, mà phần lớn các nhạc cụ dân tộc Việt Nam ta thì thường nhấn nhá mềm mại, ngọt ngào, sâu lắng. Nhưng các tác phẩm của cô khi ra mắt đã được đón nhận vượt cả mong đợi.

Xúc động nhất và có lẽ cũng tạo động lực cho nữ nghệ sĩ nhất là khi nhận được lời nhắn của một cựu chiến binh: “Nghe cháu đàn quá tuyệt vời. Bác nhớ đến ngày bác cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn đã gần 50 năm”. Lời nhắn nhủ đã khiến cô vô cùng xúc động vô cùng, và từ đó, cô đặt mục tiêu chơi nhạc đều đặn, giống như một món quà nhỏ dành cho khán giả.
Không chỉ biểu diễn, Diệu Thảo còn truyền lửa đến các học trò nhỏ của mình. Nhiều em học sinh của cô hào hứng tập luyện các bài ca cách mạng bằng đàn tỳ bà, có em còn xin nhạc để tập. “Tôi tin rằng âm nhạc truyền thống nếu được “kể chuyện” bằng cách gần gũi, giản dị và đầy cảm xúc sẽ đến được với các bạn trẻ. Và từ đó, chúng ta sẽ giữ được bản sắc âm nhạc truyền thống mà vẫn phát triển hiện đại, bền vững”, Diệu Thảo khẳng định.
Sau album với những bản nhạc cách mạng, Vũ Diệu Thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống bài bản chuyển soạn các ca khúc cách mạng cho chuyên ngành đàn tỳ bà của mình - một nỗ lực đầy tâm huyết của nữ giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để đưa nhạc cách mạng vào hệ thống giáo trình học thuật của nhạc cụ dân tộc. “Tôi mong đây sẽ là đóng góp thiết thực của mình cho sự phát triển của ngành đàn tỳ bà, cũng như để âm nhạc truyền thống đồng hành với tinh thần dân tộc trong tương lai”, Vũ Diệu Thảo nói.